Tân Phong tạo sự đồng thuận từ Nhân dân để xây dựng thành công xã nông thôn mới
Tân Phong là xã là trung tâm tiểu vùng I của huyện Thạnh Phú, với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 1.400 ha. Xã có 5 ấp chia thành 84 tổ nhân dân tự quản với hơn 2.340 hộ dân. Kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó cây dừa và chăn nuôi gia súc, gia cầm được xem là cây trồng và vật nuôi chủ lực của xã.
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã chỉ đạt 05/19 tiêu chí. Kinh tế lúc này chậm phát triển, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao với hơn 13%; thu nhập bình quân đầu người khi đó chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm. Vả lại, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được xây dựng đồng bộ; phát triển nông nghiệp mang tính tự phát, còn manh mún nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới.
Sau khi tiếp thu chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 02 ngày 20/9/2011 về việc xây dựng xã NTM, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, đồng thời triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn Đảng bộ và Nhân dân trên địa bàn xã. Bộ máy quản lý, điều hành từ xã đến ấp được hình thành và thường xuyên được củng cố đi vào hoạt động hiệu quả. Có phân công cán bộ tham mưu phụ trách từng tiêu chí.
Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, người dân đã đồng thuận cao, phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Người dân chủ động thực hiện những phần việc mà hộ gia đình tự thưc hiện không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Xã cũng phát huy dân chủ ở cơ sở theo đúng phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Mỗi công trình, phần việc đều phải họp dân để triển khai cho dân biết và lấy ý kiến đóng góp để tổ chức thực hiện. Đến nay, 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã đều đạt theo yêu cầu và được Ủy ban nhân dân tỉnh ký quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong niềm hân hoan, phấn khởi của Nhân dân.
Hạ tầng giao thông nông thôn được xã quan tâm xây dựng
Ông Võ Văn Công, ngụ ấp Phong cho hay: “Khi có các công trình, phần việc liên quan đến xây dựng giao thông nông thôn thì chính quyền địa phương đều mời người dân chúng tôi ngồi lại để công khai, bàn bạc, thống nhất như là xây tuyến đường nào, kinh phí bao nhiêu, mỗi hộ góp ra sao... Từ đó, chúng tôi rất đồng tình rồi vận động gia đình và bà con lối xóm cùng vì lợi ích chung mà tích cực tham gia thực hiện công trình. Đến nay, đường xá khang trang, sạch đẹp, bà con như chúng tôi thuận lợi mua bán, vận chuyển hàng hóa, không còn lầy lội như lúc xưa”.
Từ năm 2011 đến nay, xã đã lãnh đạo thực hiện Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung đầu tư thế mạnh nông nghiệp là dừa hữu cơ, kết hợp với chăn nuôi. Hiện tại, diện tích trồng dừa của xã hơn 1.250 ha, trong đó có 1.180 ha đang cho trái, sản lượng ước đạt 15 triệu trái/năm. Chăn nuôi cũng mang lại kinh tế cao cho người dân với tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 47.00 con.
Xã tập trung vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, từ đó bước đầu đã hình thành các mối liên kết trong sản xuất; dần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Đến nay, xã đã thành lập được 01 HTX Nông nghiệp với 302 thành viên, tổng diện tích 300 ha. Các tổ hợp tác được quan tâm củng cố nâng chất lượng hoạt động với 18 tổ hợp tác được thành lập theo Nghị định số 151/2017 của Chính phủ, chủ yếu là chuyên canh cây dừa, nuôi bò sinh sản và vỗ béo, nuôi dê. Đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 52 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,62%.
Ông Phan Văn Giảng, ấp Thạnh B là thành viên của HTX nông nghiệp Tân Phong. Nhờ tham gia vào HTX mà ông được hỗ trợ nhiều về kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch, hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho vườn dừa 2,5 ha ông đang canh tác. Theo ông Giảng, vườn dừa của ông hiện tại cho trái ổn định với khoảng 4.000 trái mỗi tháng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông ngày thêm khấm khá.
Tại ấp Phong có tổ hợp tác nuôi dê vỗ béo và sinh sản được thành lập từ năm 2020 với 19 thành viên. Sau hơn 2 năm thành lập, tổ hợp tác đã cho thấy hiệu quả, nhiều tổ viên khấm khá lên từ nghề nuôi dê. Hiện tại tổng đàn dê của tổ hợp tác khoảng 800 con, hộ nuôi nhiều nhất có tổng đàn gần 300 con. Ông Lâm Văn Dũng - Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi dê sinh sản và vỗ béo ấp Phong cho biết, tới đây, tổ hợp tác sẽ vận động, nhân rộng mô hình này để có nhiều thành viên tham gia vào tổ, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của các hộ nuôi dê.
Mô hình hợp tác nuôi dê tại ấp Phong, xã Tân Phong cho hiệu quả kinh tế cao.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu của địa phương cũng được tập trung đầu tư, nâng cấp. Xã đã đầu tư xây dựng mới 6,5 km đường trục xã, liên ấp; cải tạo nâng cấp 12 km đường liên tổ nhân dân tự quản, từng bước đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh. Các công trình thủy lợi đảm bảo chủ động phục vụ trên 80% nhu cầu về tưới, tiêu. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt hơn 98%. Hiện trên địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát, tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn hơn 86%. Các Trường Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở hiện đang xây dựng để đạt chuẩn; Nhà Văn hóa xã được sửa chữa và xây dựng mới các phòng chức năng; Trụ sở Ủy ban nhân dân xã cũng đang trong quá trình xây dựng.
Để thực hiện đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, xã Tân Phong tăng cường tuyên truyền nhân dân các ấp giữ gìn vệ sinh môi trường; vận động người dân xây dựng hố xí hợp vệ sinh; tổ chức phát hoang bụi rậm, thu gom rác ở các ấp; vận động người dân trồng hoa trên các tuyến đường, thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ. Theo đó, hiện nay tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó hộ sử dụng nước sạch đạt 65,2%. Xã hợp đồng thu gom rác với Doanh nghiệp tại huyện đến thu gom và vận chuyển rác thải bãi rác huyện để xử lý rác thải. Có trên 95% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch. Có 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã đã huy động hơn 124 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí. Trong số này, nhân dân và mạnh thường quân góp gần 8 tỷ đồng. Bí thư Đảng ủy xã Mai Hoàng Nhựt cho biết: “Thực hiện đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM ngoài sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành thì điểm nhấn là sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân trong xã. Đảng bộ và nhân dân xã Tân Phong sẽ quyết tâm hơn nữa trong việc củng cố, nâng chất các tiêu chí xã NTM, hoàn thiện từng tiêu chí lên mức cao hơn để đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân xã ngày càng nâng cao hơn nữa, nông thôn Tân Phong ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn. Cấp ủy, chính quyền tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc nâng chất các tiêu chí, cùng quyết tâm hơn để hướng tới xã NTM nâng cao, kiểu mẫu”.
Minh Mừng