Ngày đăng: 31-10-2023     Tác giả: Khánh Bình     Chuyên mục: LIÊN HIỆP HỘI

Trong 2 ngày 19 và 20/10/2023, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động Tư vấn, phản biện và giám định xã hội” cho lãnh đạo và cán bộ Liên hiệp Hội các tỉnh phía Nam. Đến dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký; Đồng chí Bùi Kim Tuyến - Trưởng ban, Ban TVPB&GĐXH, Liên hiệp Hội Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, hoạt động TVPB&GĐXH là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.

Trên cơ sở Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 44/63 tỉnh, thành phố có văn bản của UBND ban hành quy chế, quy định về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội địa phương. Trong đó, 40 địa phương ban hành dưới dạng quyết định, một số địa phương ban hành dưới hình thức công văn giao cho Liên hiệp Hội địa phương thực hiện nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Quy chế TVPB&GĐXH là cơ sở pháp lý quan trọng để Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai hoạt động TVPB&GĐXH.

Hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên trong nhiều năm qua, đã góp phần vào quá trình xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần vào nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia, ngành lĩnh vực và địa phương. Trong đó, giai đoạn 2015-2022, hệ thống Liên hiệp Hội và các hội ngành liên quan đã chủ trì và phối hợp triển khai thực hiện trên 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Nhìn chung, các hoạt động đều đạt chất lượng tốt, góp ý khách quan, thẳng thắn, kịp thời đối với nhiều vấn đề quan trọng, như: chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước; các dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội; dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng các cấp; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng, những vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN...

Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam, Liên hiệp Hội các địa phương cần thực hiện tốt những nội dung trọng tâm sau:

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Liên hiệp Hội là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương, các hội ngành, tổ chức KH&CN trực thuộc vững mạnh.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của trí thức KH&CN. Theo đó, nội dung thông tin, tuyên truyền tập trung vào những nội dung:

Trí thức KH&CN đóng vai trò động lực thúc đẩy việc nâng cao dân trí bằng nỗ lực khai sáng, quảng bá thông tin, phổ biến kiến thức KH&CN, trí thức hóa về KH&CN trong nhân dân và trong đời sống xã hội. Đội ngũ trí thức KH&CN tiên phong thúc đẩy đổi mới tư duy, xây dựng phong cách tư duy khoa học, phát triển lý luận, gây dựng nền học thuật tiên tiến của nước nhà.

Trí thức KH&CN có vai trò to lớn trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài khoa học cho dân tộc, đặc biệt là đào tạo, gây dựng các tài năng khoa học trong thế hệ trẻ, phát triển những tài năng sáng tạo, có nhân cách trung thực, có hoài bão lớn và bản lĩnh đủ sức xây dựng nền khoa học hiện đại của Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Đội ngũ trí thức KH&CN giải quyết những vấn đề KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện đại hoá xã hội, làm chủ những thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới và trong nước, góp sức giải quyết thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KH&CN, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trí thức KH&CN đem tài năng sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm của mình vào việc xây dựng các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; chủ động phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển KH&CN. Đặc biệt, trí thức khoa học xã hội - nhân văn và lý luận góp phần đắc lực vào việc khoa học hoá, hiện đại hoá hoạt động lãnh đạo, quản lý. 

Trí thức KH&CN thể hiện vai trò trong tham mưu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đề cao trách nhiệm, đạo đức trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Bao gồm: Đề cao trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân trong hệ thống. Chú trọng thu hút đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng. Tôn trọng sự tự do sáng tạo của trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan trong những nội dung báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội...

Thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Bao gồm: Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. Cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn tới các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề nổi cộm, nhân dân quan âm; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực KH&CN, xây dựng đội ngũ trí thức, giáo dục, y tế. Chủ động thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, các chương trình, dự án lớn có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. Nâng cao chất lượng đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Trong đó có cơ chế giao nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước; cơ chế phối hợp với các cơ quan tham mưu; những quy định liên quan đến tham mưu, đề xuất và các loại hình dự án - công trình - đối tượng thực hiện; cơ chế tài chính... 

Để thực hiện hiệu quả những nội dung nêu trên, cần phát huy thực chất, mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Đảng Đoàn Liên hiệp Hội để làm cầu nối giữa Đảng với đội ngũ trí thức KH&CN từ Trung ương đến địa phương; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống đúng với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nâng cao vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức Việt Nam; nghiên cứu, triển khai chương trình hành động - thực hiện có chất lượng những nội dung đột phá chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.