Ngày đăng: 23-10-2023     Tác giả: Khánh Bình     Chuyên mục: LIÊN HIỆP HỘI

Chiều ngày 18/10, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo tư vấn “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Qua thực tiễn tỉnh Đồng Tháp”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS. Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Tháp nêu trí thức có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử. Trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, đội ngũ trí thức mới hình thành và phát triển, gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ trí thức đã thể hiện là chủ thể sáng tạo và truyền bá tri thức, khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển xã hội; thể hiện rõ là lực lượng lao động trực tiếp, nguồn động lực quan trọng của sự phát triển, nền tảng của chế độ. Sự nghiệp đổi mới đất nước mở ra cơ hội để mỗi người, mỗi tổ chức và tầng lớp xã hội phát huy trí tuệ cũng như năng lực sáng tạo, đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi sự phấn đấu vượt bậc.

Trước những vấn đề đặt ra tại hội thảo, các nhà khoa học, đại biểu trong và ngoài tỉnh có nhiều bài tham luận có giá trị lý luận và thực tiễn về xây dựng đội ngũ trí thức như: phát huy vai trò trí thức trong hoạt động Hội; Công tác tham mưu triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy tiềm năng, vai trò của đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh Đồng Tháp

 

Quang cảnh Hội thảo

 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Trong thời gian qua, nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức. Ðảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài... để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức. Nhà nước đã thực hiện các chính sách xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống đào tạo, nghiên cứu; đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ; các chính sách sử dụng và tạo môi trường phát huy vai trò của trí thức; chính sách đãi ngộ, tôn vinh trí thức, lập các giải thưởng quốc gia, phong tặng các chức danh khoa học và các danh hiệu cao quý; thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài... Trong đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tạo ra động lực quan trọng trong phát triển đội ngũ trí thức nước ta trong giai đoạn vừa qua.

Tuy vậy, có thể đánh giá chung là chính sách phát triển đội ngũ trí thức còn nhiều điểm hạn chế. Những hạn chế này ít nhiều đều đã được nhận diện nhưng chưa được khắc phục trong thời gian dài.

Thứ nhất, chính sách thu hút và đãi ngộ về vật chất, cơ chế khuyến khích, tạo động lực về tinh thần, tôn vinh dành cho đội ngũ trí thức chưa tương xứng với nhận thức, đặc biệt trong khu vực công. Tiền lương, tiền công nói chung còn thấp, đặc biệt trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong khu vực công. Thiếu chính sách và cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức chuyên tâm cống hiến, phát triển và được xã hội tôn vinh bằng chính kết quả hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp. Cơ chế và chính sách tài chính hiện hành trong các hoạt động khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ còn nhiều bất cập, gây khó khăn, dẫn đến một số trường hợp trí thức phải tìm cách đối phó, làm giảm chất lượng của các công trình sáng tạo, lãng phí thời gian, công sức, tiền của, ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của trí thức. Chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí của trí thức; đánh giá, sử dụng trí thức không đúng năng lực và trình độ, ngay cả với những trí thức đầu ngành, dẫn đến tâm tư nặng nề trong đội ngũ trí thức. Ngại tiếp xúc, đối thoại, không thực sự lắng nghe, thậm chí quy chụp, nhất là khi trí thức phản biện những chủ trương, chính sách, những đề án, dự án do các cơ quan lãnh đạo và quản lý đưa ra.

Thứ hai, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nêu rõ quan điểm lấy khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo làm "quốc sách hàng đầu", nhưng đầu tư trên thực tế chưa tương xứng và chưa gắn với các giải pháp phát huy vai trò đội ngũ trí thức trên nhiều lĩnh vực. Đầu tư cho khoa học công nghệ chưa chú trọng phát triển đội ngũ trí thức và chưa gắn kết với đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Nguồn lực cho giáo dục đào tạo chưa dành đủ mức cho đào tạo nguồn trí thức chất lượng cao. Chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên sư phạm chưa thực sự hiệu quả và theo đúng mục tiêu chính sách, không tuyển chọn được sinh viên giỏi do việc làm và thu nhập trên thị trường lao động sau khi ra trường không hấp dẫn.

Thứ ba, đội ngũ trí thức ở các địa phương chưa được chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Có khoảng cách rất xa giữa trình độ, lực lượng của đội ngũ trí thức ở Trung ương và địa phương; ở các khu vực thuận lợi và điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, trong khi thực tiễn đòi hỏi phát triển lại diễn ra sôi động và đòi hỏi cấp bách ở cơ sở. Địa phương cần có đội ngũ trí thức am hiểu địa phương và nghiên cứu, tư vấn chính sách phù hợp với địa phương cũng như có tính khả thi với địa phương. Trong khi, đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn sâu và cao ở các địa phương còn khá mỏng.

Thứ tư, chưa xây dựng được cơ chế tuyển chọn, bồi dưỡng, tập trung đầu tư cho trí thức trẻ, trong khi xu hướng thị trường lao động có nhiều thay đổi khiến cho việc làm trong các lĩnh vực hoạt động dành cho trí thức không hấp dẫn, không thu hút được người giỏi. Lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của giới trí không thu hút được nhân lực trẻ. Nhân lực trẻ trong các viện nghiên cứu, trường đại học không chỉ rời khu vực công sang khu vực tư làm việc, mà đáng quan ngại hơn là họ chuyển hẳn sang làm công việc khác để có thu nhập tốt hơn.

Thứ năm, cơ chế lắng nghe đối thoại thường xuyên giữa nhà nước với đội ngũ trí thức trong các vấn đề chiến lược, định hướng phát triển, pháp luật, chính sách phát triển đất nước chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả và thực chất. Thực tế này ảnh hưởng đến việc phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức trong tham mưu, tư vấn và nghiên cứu phục vụ phát triển.

Thứ sáu, kết nối giữa đội ngũ trí thức ở trung ương với địa phương; ở các địa phương; đặc biệt giữa trong nước và quốc tế chưa chặt chẽ, chưa thực chất nên chưa tạo thành một lực lượng mạnh và có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước.

Thứ bảy, cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã được hình thành và triển khai thực hiện cơ bản là đúng xu hướng, thông lệ quốc tế và đúng thực tiễn. Tuy vậy, cơ chế này được áp dụng chung cho các đơn vị sự nghiệp công lập là chưa phù hợp trong bối cảnh các đơn vị rất khác biệt về lĩnh vực hoạt động, đóng góp. Không phải sản phẩm khoa học nào cũng dễ thương mại hóa, không phải lĩnh vực nghề nghiệp nào cũng hấp dẫn sinh viên nếu nhìn từ góc độ thu nhập sau khi ra trường, trong khi đó lại là những lĩnh vực không thể thiếu.

Thực tế đó dẫn tới những bất cập đã được nhận diện nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Xin điểm lại một số bất cập chính đã được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như sau:

Số lượng và chất lượng trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước. Cơ cấu đội ngũ trí thức có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính... Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế. Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa xuất phát và gắn bó mật thiết với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Trong khoa học tự nhiên và công nghệ, số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn ít. Trong khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra, chưa có những công trình sáng tạo lớn, nhiều công trình còn sơ lược, sao chép. Trong văn hóa, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị xứng tầm với những thành tựu vẻ vang của đất nước, sự sáng tạo và hy sinh lớn lao của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế.

Trình độ của trí thức ở nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học vẫn còn tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước tiên tiến trong khu vực, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin.

Một bộ phận trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao, còn thiếu tự tin, e ngại, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có liên quan đến chính trị. Một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác. Một số trí thức không thường xuyên học hỏi, tìm tòi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, thiếu chí khí và hoài bão. Nhiều trí thức trẻ có tâm trạng thiếu phấn khởi, chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên về chuyên môn.