Ngày đăng: 25-09-2024     Tác giả: Đặng Văn Cử     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và các đơn vị triển khai thực hiện 07 đề tài: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý chuỗi giá trị cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre: Đã xây dựng bản đồ chuyên đề nông nghiệp trồng trọt tỉnh Bến Tre cho phép cập nhật thông tin lên bản đồ các dữ liệu đã chuẩn hóa GIS và phần mềm quản lý cây trồng nông nghiệp tích hợp trên bản đồ số. Kết quả bước đầu đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm cho các Hợp tác xã để ứng dụng và vận hành thử nghiệm công nghệ số trong công tác quản lý chuỗi giá trị cây trồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre tại trang web: caytrongbentre.vimap.vn.

Nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi số trong quản lý Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre: áp dụng công nghệ số trong quản lý chương trình OCOP, nâng cao giá trị và thương hiệu của các sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bến Tre. Số hóa toàn bộ về chủ thể và sản phẩm tham gia chương trình OCOP tỉnh Bến Tre; xây dựng 03 mô hình ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, thực hành truy xuất nguồn gốc và thương mại các sản phẩm OCOP; tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ số cho các đối tượng của chương trình OCOP và chuyển giao bộ công cụ số quản lý chương trình OCOP để phục vụ công tác quản lý và phát triển.

Ứng dụng Map4D GIS Platform cho việc số hóa, quản lý nuôi tôm công nghệ cao (4000 ha) tại tỉnh Bến Tre, ứng dụng Map4D GIS Platform cho việc số hóa, quản lý nuôi tôm công nghệ cao (4000 ha) tại tỉnh Bến Tre, để xây dựng phần mềm số hóa, quản lý 1.900 hecta vùng nuôi tôm công nghệ cao, hướng đến việc mở rộng phạm vi số hóa, quản lý 4.000 hecta theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng giải pháp phát triển phạm vi nuôi chuyên canh tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu chế tạo hệ thống quan trắc độ mặn và đóng mở tự động các cống ngăn mặn sử dụng cảm biến nano: thu thập thông tin và dữ liệu liên quan đến các thiết bị và hệ thống cảm biến sử dụng để đo đạc độ mặn, cũng như các công nghệ liên quan đến truyền dữ liệu không dây. Đánh giá hiệu suất của hệ thống quan trắc độ mặn trong cả điều kiện phòng thí nghiệm và thử nghiệm thực tế tại 15 cống ngăn mặn ở huyện Bình Đại, Bến Tre bao gồm độ chính xác, sai số và độ ổn định tín hiệu của hệ thống theo thời gian. Đề tài đã thiết kế chế tạo hệ thống quan trắc độ mặn và đóng mở tự động cống ngăn mặn sử dụng cảm biến nano, có độ sai lệch không vượt quá 10% so với các thiết bị tham chiếu và thời gian truyền dữ liệu lên Web Server tối đa 15 phút.

Xây dựng hệ thống thu thập số liệu tự động và hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Nghiên cứu chế tạo đầu dò đo độ mặn bằng vật liệu nano và tích hợp thành hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn tự động ứng dụng tại tỉnh Bến Tre và vùng phụ cận; Nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn có ứng dụng IoT để cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị xâm nhập mặn tỉnh Bến Tre và một số tỉnh lân cận;

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nổ lực triển khai xây dựng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Phần mềm có một số tính năng nổi bật: Quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; Quản lý giám sát được dư lượng trong sản phẩm, giám sát an toàn thực phẩm sau thu hoạch; Quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; Quản lý thông tin mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, bản đồ vị trí mã số vùng trồng, vùng nuôi; Thống kê số lượng mã số vùng trồng, vùng nuôi theo đơn vị hành chính; Lập hồ sơ điện tử đăng ký mã số vùng trồng, vùng nuôi; Truy xuất nguồn gốc nông sản dựa trên QRCode trên từng mặt hàng (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhật ký canh tác, nhật ký thu mua, nhật ký đóng gói); Vẽ đường bản đồ thể hiện lộ trình di chuyển của nông sản qua các cơ sở thu mua, sản xuất và chế biến thông qua QRCode.

Đối với nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tích cực phối hợp với VNPT Bến Tre xây dựng thử nghiệm hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp với mục tiêu hình thành một hệ thống quản lý thông tin dùng chung, toàn diện; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu chung cho ngành Nông nghiệp với khung cấu trúc các phân hệ, gồm: Phân hệ Hệ thống dùng chung, Phân hệ Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Phân hệ Quản lý Lâm nghiệp, Phân hệ Phát triển nông thôn, Phân hệ Khuyến nông và dịch vụ Nông nghiệp, Phân hệ Quản lý Thủy lợi và Phân hệ Bản đồ số Nông nghiệp.

Phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu chăn nuôi thú y đang thực hiện có một số tính năng nổi bật như: Quản lý danh sách trang trại chăn nuôi, vật nuôi, cơ sở kinh doanh con giống, cơ sở ấp nở con giống, các cơ sở sản xuất thức ăn, cơ sở giết mổ động vật, cơ sở chế biến kinh doanh; Quản lý danh sách bệnh trên gia súc, gia cầm, các cơ sở an toàn dịch bệnh, theo dõi tiêm phòng, các cơ sở hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm; Quản lý danh mục cơ sở kinh doanh thuốc thú y, danh sách cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề thú y, bán thuốc thú y, các cơ sở giết mổ; Cơ sở dữ liệu tập trung toàn tỉnh về lĩnh vực chăn nuôi và thú y, giúp quản lý tổng hợp các số liệu báo cáo, đánh giá, dự báo, cảnh báo phát triển chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số; Lắp đặt 05 trạm giám sát sâu rầy thông minh; Trang bị phầm mềm quản lý dữ liệu, ứng dụng phần mềm thông minh trong nuôi trồng Thủy sản.