Khởi nghiệp với sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa
Từ một ý tưởng Sáng tạo, chị Phạm Thị Thùy Liên, ấp Hưng Phú, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm đã phát triển, biến những chiếc gáo dừa thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Đây không chỉ là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đơn thuần mà còn là tâm huyết và tình yêu cảu chị dành cho quê hương. Câu chuyện khởi nghiệp của chị không chỉ là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là những người phụ nữ ở vùng quê.
Sinh năm 1982, chị Phạm Thị Thùy Liên bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình vào năm 2019. Trước đó, cuộc sống của chị gắn liền với công việc cho thuê bàn ghế. Tuy nhiên, với mong muốn tìm kiếm một nguồn thu nhập ổn định hơn, chị đã quyết định thay đổi cuộc sống bằng việc khởi nghiệp, tận dụng những chiếc gáo dừa, thân cây dừa để tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.
Chị Liên giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa.
Với số vốn tích lũy được, chị Liên đã đầu tư 100 triệu đồng để trang bị máy móc, mua nguyên liệu và tận dùng nhà ở để sản xuất. Nguyên liệu chính của chị là gáo dừa và thân dừa được thu mua từ các huyện trong tỉnh. Ban đầu, chỉ với những dụng cụ đơn giản và sự khéo léo của đôi bàn tay, chị Liên bắt đầu mày mò làm ra những chiếc chén gáo dừa, những chiếc lồng đèn nhỏ xinh. Dần dần, chị học hỏi thêm nhiều kỹ thuật khác, qua đôi bàn tay khéo léo, những chiếc gáo dừa, thân cân cầy đã được biến hóa thành những sản phẩm đa dạng và tinh xảo như: chậu trồng lan, chén, tô, lồng đèn, các con vật ngộ nghĩnh, ấm ủ trà, bộ tách trà, lục bình, đèn ngủ, các vật dụng trang trí nhà cửa... Giá thành của các sản phẩm này dao động từ 8.000 đồng đến 900.000 đồng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, chị Liên bộc bạch: "Lúc đầu, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc tìm kiếm khách hàng, quảng bá sản phẩm không hề dễ dàng. Nhưng với niềm đam mê và sự kiên trì, tôi đã vượt qua tất cả. Tôi muốn giới thiệu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa đến với nhiều người hơn nữa, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương mình".
Công đoạn sản xuất các sản phẩm từ gáo dừa đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Từ việc làm sạch gáo dừa, đánh bóng, cắt ghép đến tạo hình sản phẩm đều được thực hiện một cách cẩn thận. Mỗi sản phẩm đều mang một nét độc đáo riêng, thể hiện sự sáng tạo và tâm huyết của người nghệ nhân. Những năm đầu khởi nghiệp, sản lượng sản phẩm của cơ sở chị Liên còn khiêm tốn, chỉ đạt từ 5.000 đến 7.000 sản phẩm mỗi tháng. Tuy nhiên, nhờ sự sáng tạo, chất lượng sản phẩm tốt và các kênh phân phối được mở rộng, sản lượng đã tăng lên đáng kể, đạt từ 50.000 đến 60.000 sản phẩm mỗi tháng. Điều này mang lại cho gia đình chị một nguồn thu nhập ổn định với lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng.
Cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa của chị Liên
Sản phẩm của chị Liên không chỉ được người dân địa phương ưa chuộng mà còn được tiêu thụ mạnh ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh đó, chị còn bán lẻ cho khách du lịch đến tham quan tại địa phương. Hiện tại, cơ sở sản xuất của chị có 4 nhân công chính thức, mỗi người có mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, chị còn tạo việc làm thêm cho 6 lao động khác bằng hình thức gia công tại nhà.
“Từ những sản phẩm đơn giản ban đầu, chị Liên không ngừng sáng tạo và hoàn thiện sản phẩm của mình. Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, Hội Phụ nữ xã Hưng Phong đã hỗ trợ chị Liên tham gia các buổi triển lãm, hội nghị để giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường. Qua những lần tham gia như vậy, chị Liên học hỏi, tạo ra các sản phẩm mới hơn, đẹp hơn để cung cấp cho thị trường, khách hàng cũng biết đến nhiều hơn, người ta có thể liên hệ để đặt hàng sản phẩm. Ở xã Hưng Phong hiện đang có Dự án Du lịch nên khách hàng nước ngoài người ta cũng về nhiều, người ta tham quan cơ sở của chị, mua về làm quà biếu, vật kỷ niệm và từ đây có thể giới thiệu ra thị trường nước ngoài” - Chị Lê Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Phong chia sẻ.
Với sự nỗ lực không ngừng, chị Phạm Thị Thùy Liên đang từng bước xây dựng một thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Trong tương lai, chị mong muốn sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân địa phương và giới thiệu sản phẩm của mình đến với nhiều thị trường.