Ngày đăng: 24-03-2025     Tác giả: Nguyễn Văn Toàn     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) của dân tộc ta thắng lợi là do toàn dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng để giữ gìn nền độc lập của dân tộc, thực hiện thống nhất đất nước, xây đắp nền thái bình muôn thuở và đưa đất nước tiến lên hùng cường.

 

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh tư liệu lịch sử)

 

Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Mỹ muốn lãnh đạo thế giới tư bản để chống lại Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Để lôi kéo các nước tư bản lớn trên thế giới như Anh, Pháp về phe mình, Mỹ đã ủng hộ các nước này chống lại phong trào giải phóng dân tộc.

Nếu như năm 1950 Mỹ chỉ viện trợ quân sự 10 triệu USD cho Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) thì đến lâu năm 1954 số lượng này đã tăng lên đến 1,1 tỉ USD (chiếm 78% chi phí chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương). Từ 1950 đến 1954, tổng số viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương đã vượt quá 3,5 tỉ USD. Tướng Pháp Henri Navarre sau này viết trong hồi ký rằng: “Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”.

Quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “vang vọng năm châu, chấn động địa cầu” (7/5/1954). Tiếp đó, Hiệp định Genève (21/7/1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết.

Đồng chí William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, đã viết trên Công nhân nhật báo ra ngày 10/5/1954 như sau: “Quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh phá tan được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn. Thất bại này không những chỉ là thất bại thảm hại của riêng thực dân Pháp, một kẻ đã cố liều mạng để âm mưu xâm chiếm đất nước Đông Dương giàu đẹp mà trước hết là thất bại lớn lao của kế hoạch chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ,… Đây lại một lần nữa chứng minh một cách hùng hồn rằng nhân dân thế giới sẽ không cho phép xiềng xích của phố Wall quàng lên cổ họ”.

Sau khi Pháp đã thất bại trong chiến tranh xâm lược Đông Dương, Mỹ đã quyết định hất cẳng Pháp để thực âm mưu của mình tại Việt Nam với bước đi đầu tiên là biến Miền Nam Việt Nam thành “thuộc địa kiểu mới”. Tháng 9/1954, Mỹ lôi kéo được một số đồng minh lập ra khối “Liên minh quân sự Đông Nam Á” (SEATO) và ngang nhiên đặt miền Nam Việt Nam dưới sự bảo trợ của khối này.

Theo thống kê, từ năm 1965 đến tháng 1/1973, Mỹ đã huy động khoảng 3 triệu lượt quân Mỹ sang miền Nam Việt Nam để khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ở đỉnh cao trong thời kỳ 1968-1969, có 638.000 quân Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh (chiếm hơn 18% tổng số quân Mỹ lúc đó), trong số này có 535.000 quân Mỹ đóng ở miền Nam Việt Nam. Riêng về bộ binh, Mỹ đã huy động gần 70% tổng số bộ binh trong quân đội.

Khi Richard Nixon lên làm Tổng thống Mỹ (từ ngày 20/1/1969) thì thời điểm đó có khoảng 300 lính Mỹ chết mỗi tuần tại Việt Nam khiến phong trào phản chiến ở Mỹ dâng cao. Sau Hiệp định Paris (27/1/1973), Mỹ buộc phải rút hết quân đội khỏi miền Nam Việt Nam vào tháng 3/1973.

Tổng kết lại, hơn 58.000 quân Mỹ thiệt mạng và 305.000 lính Mỹ bị thương tật trong cuộc chiến xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Mỹ cũng đã tiêu tốn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 400 tỷ USD, gấp 20 lần chi phí của Mỹ trong chiến tranh ở Triều Tiên và gấp 2 lần chi phí của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai (250 tỷ USD).

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại!

Trên Báo Nhân Dân số 3992 (ngày 8/3/1965), trong bài viết “Sách trắng” của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ và lũ tay sai gây chiến tranh phi nghĩa chống lại toàn dân ta, cho nên chúng nhất định thất bại. Buộc phải chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc mình, nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi. Nhất định thắng lợi vì chúng ta có chính nghĩa; vì chúng ta đoàn kết một lòng, kiên quyết kháng chiến; vì chúng ta được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân yêu chuộng chính nghĩa khắp thế giới – kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ”.

Tháng 9/1969, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã nhận định: “Chưa bao giờ trên một mảnh đất hẹp như vậy, trong một thời gian ngắn ngủi như vậy lại diễn ra một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định vì loài người như là cuộc chiến đấu mà đồng chí Hồ Chí Minh tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Việt Nam, chiến lũy bất khả xâm phạm của cuộc đấu tranh cách mạng trên toàn thế giới và tấm gương cao cả về hy sinh, về khí phách anh hùng và danh dự”.

Ngày 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đánh đổ ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam và làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta của Mỹ.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đã đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Đưa đất nước tiến lên hùng cường!

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã nêu rõ những đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) cỉa Đảng ta là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và Nhân dân ta trong những thập kỷ tới. Thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này, đất nước ta nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.

Nghị quyết Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4/8/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ rõ: “Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với truyền thống tốt đẹp, khí phách và tinh hoa của dân tộc, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; với bản lĩnh, kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, Đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng là ước vọng của toàn dân tộc “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”...”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện. Tốc độ tăng GDP năm 2024 đạt 7,09%, nâng quy mô GDP nền kinh tế lên mức 11.512 ngàn tỉ đồng, tương đương khoảng 476 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD/người, tăng 377 USD so với năm 2023. Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 786,3 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm trước.

Hiện nay, đất nước ta đang chuẩn bị tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu là kỷ nguyên mới là xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.