Ngày đăng: 04-04-2024     Tác giả: Cái Mới     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

 

Năm 2023, tình hình sâu bệnh hại dừa có chiều hướng giảm, toàn tỉnh hiện còn 265,82ha nhiễm sâu đầu đen, giảm 907,74ha và 3.093,5ha nhiễm bọ cánh cứng, giảm 1.523ha; tình hình sâu bệnh hại dừa xảy ra ở các huyện: Ba Tri 10,9ha, Thạnh Phú 26,32ha, Chợ Lách 12,5ha, Giồng Trôm 32,56ha, Mỏ Cày Bắc 34,9ha, Châu Thành 32ha, Mỏ Cày Nam 50,62ha, Bình Đại 25,02ha và thành phố Bến Tre 41ha. Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả kiểm soát sâu đầu đen hại dừa bằng biện pháp sinh học trên địa bàn tỉnh, dựa trên kết quả nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh (OKS) kiểm soát sâu đầu đen hại dừa năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 12-01-2024 duy trì nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

 

Hình thái sâu non, nhộng và thành trùng sâu đầu đen hại dừa, một loài dịch hại mới xuất hiện trên dừa tại Bến Tre. Nguồn: (*)

 

Theo đó, duy trì nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh tại các huyện để tiếp tục kiểm soát tốt sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn tỉnh, bảo vệ vùng nguyên liệu dừa an toàn của tỉnh với hai nhiệm vụ trọng tâm: duy trì nhân nuôi OKS ấu trùng (Habrobracon hebetor) và OKS ký sinh nhộng (Trichospilus pupivorus) để phóng thích nhằm kiểm soát sâu đầu đen hại dừa; điều tra đánh giá tỷ lệ ký sinh ngoài đồng của 02 loài OKS đã nhân nuôi và phóng thích.

Thực hiện nhân nuôi nguồn ký chủ thay thế và OKS tại 08 đơn vị, gồm: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và tại các địa bàn: huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Mỏ Cày Nam, huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri, huyện Thạnh Phú và huyện Bình Đại, trong đó: các huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại có bổ sung phần nuôi ký chủ thay thế.

 

Triệu chứng gây hại của Sâu đầu đen hại dừa trên lá, quả và trên vườn cây. Nguồn: (*)

Triệu chứng gây hại và hình thái sâu non, thành trùng sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella từng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Nguồn: Shameer và ctv, 2018)


Tiếp tục sửa chữa, bảo trì các phòng nuôi ký chủ đã có và đầu tư trang bị mới 03 phòng nuôi ký chủ tại các Tổ Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Về điều kiện phòng nhân nuôi: phòng nhân nuôi thiết kế kín, lắp máy điều hòa để ổn định nhiệt độ và ẩm độ theo yêu cầu của quy trình.

Đối với đơn vị nhân nuôi ký chủ thay thế và ong ký sinh cần bố trí 02 phòng riêng biệt để đảm bảo ong ký sinh ấu trùng không tiếp xúc nguồn ký chủ thay thế, yêu cầu về nhiệt độ: 280C±2, Ẩm độ 75% ±5; vật liệu: kệ, đèn led, hộp nuôi ký chủ thay thế, hộp nuôi OKS, thức ăn ký chủ thay thế,… theo quy trình nhân nuôi; nhân sự: tối thiểu 04 người đối với điểm nhân nuôi ký chủ thay thế và ong ký sinh; 03 người đối với điểm chỉ nhân nuôi ong ký sinh.

Dự kiến nhân nuôi và phóng thích đạt tối thiểu 210 triệu con OKS, gồm: OKS ấu trùng và OKS ký sinh nhộng) trên địa bàn các huyện, thành phố. Lượng OKS nhân nuôi và phóng thích được tính như sau OKS nhộng: 500 con/mummy nhộng, OKS ấu trùng: 30 con/mummy ấu trùng ký chủ thay thế. 

Tổ chức điều tra lấy mẫu tại các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen đã phóng thích OKS và vườn nhiễm mới ở các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại và Châu Thành. Tần xuất lấy mẫu điều tra 02 lần/năm cách nhau 6 tháng (từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2024). Với xác xuất chọn mẫu: mỗi huyện chọn 02 điểm có vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen (01 vườn dừa đã được phóng thích OKS và 01 vườn dừa nhiễm mới chưa phóng thích OKS) thu mẫu, xác định tỷ lệ ký sinh nhộng, ký sinh ấu trùng để đánh giá khả năng phát triển của 02 loài OKS đã phóng thích ngoài tự nhiên.

 

Một số thiên địch của sâu đầu đen hại dừa được ghi nhận thực tế tại vườn và hệ thống nhân nguồn thiên địch đang được triển khai tại tỉnh Bến Tre. Nguồn: (*)

 

Trong năm 2024, tiếp tục thành quả phòng chống sâu đầu đen hại dừa, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các trường viện đang tiến hành thực hiện đề tài cấp quốc gia "Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và phát triển chương trình phòng trừ tổng hợp Sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella (Lepidoptera: Oecophoridae) – Loài dịch hại ngoại lai xâm hại mới, gây hại trên dừa tại Bến Tre và các vùng phụ cận" và với chính quyền địa phương thực hiện dự án cơ sở: dự án "Nhân rộng mô hình nuôi Ong ký sinh trong cộng đồng góp phần quán lý sâu đầu đen hại dừa".



[*] Nguồn hình: Đề tài "Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và phát triển chương trình phòng trừ tổng hợp Sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella (Lepidoptera: Oecophoridae) – Loài dịch hại ngoại lai xâm hại mới, gây hại trên dừa tại Bến Tre và các vùng phụ cận"