Ngày đăng: 01-11-2024     Tác giả: Nguyễn Huy Phục     Chuyên mục: CUỘC THI SÁNG TẠO TTNNĐ

Ngày 30-10-2024, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng (STTTNNĐ) tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm tổ chức cuộc thi STTTNNĐ tỉnh Bến Tre, trao giải cuộc thi năm 2024 và phát động cuộc thi năm 2025.

Đến dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ông Nguyễn Xuân Tiến - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam.

Qua một thập niên, Bến Tre tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng đã thiết thực góp phần khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thế hệ trẻ, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, vun đắp ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

Đối với Bến Tre năm 2024 là năm thứ 10 tổ chức Cuộc Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng, nhưng đối với toàn quốc là năm thứ 20. Nếu so với toàn quốc, tỉnh ta tổ chức sau 10 năm nên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiển trong tổ chức phát động cuộc thi. Nhưng qua mỗi năm tổ chức, đã chỉ ra cho Bến Tre phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để cuộc thi năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước, đó chính là mục tiêu phấn đấu của Ban Tổ chức cuộc thi các cấp trong tỉnh. Để cuộc thi đạt kết quả như mong muốn, chúng tôi phải giải quyết song song hai vấn đề đó là: Số lượng sản phẩm dự thi và chất lượng sản phẩm dự thi.

 

Trao thưởng cho các nhóm tác giả đạt giải Nhì, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bến Tre lần thứ 10 năm 2024.

 

 Về số lượng sản phẩm dự thi đã tiến xa một bước khá vững chắc. Điểm nổi bật là sản phẩm dự thi năm sau cao hơn năm trước; năm 2015, năm đầu tiên tỉnh tổ chức phát động cuộc thi có 1268 sản phẩm dự thi. Sau 5 năm phát động cuộc thi (2019) có 4.016 sản phẩm dự thi tăng 3,17 lần. Đến lần thứ 10 (năm 2024) có 4.796 sản phẩm dự thi, so với năm đầu tiên tổ chức (năm 2015) tăng 3,78 lần. Đặc biệt trong năm 2021, 2022, dù dịch bệnh Covid-19, học sinh phải nghỉ học kéo dài, rất khó khăn nhưng sản phẩm dự thi vẫn tăng (năm 2021 có 4.245 sản phẩm dự thi, năm 2022 có 4731 sản phẩm dự thi).

Qua 10 năm tổ chức phát động Cuộc thi (2015-2024) có 34.600 sản phẩm dự thi. Bình quân mỗi năm có 3.465 sản phẩm dự thi. Kết quả Ban Tổ chức các cấp đã trao 13.407 giải gồm: cấp trường 11.460; cấp huyện 1.567; cấp tỉnh 380 giải.

Chất lượng sản phẩm cũng từng bước được nâng lên góp phần bồi dưỡng, khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy, năng lực sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh ta, giúp các em tìm kiếm những ý tưởng mới, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, gắn kết những kiến thức được học tập trong nhà trường với những vấn đề thực tiển đặt ra trong dạy và học, trong đời sống xã hội.

 

PGS TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể.


Những năm đầu phát động cuộc thi, Ban Tổ chức nhận được rất nhiều sản phẩm dự thi chưa có ý tưởng sáng tạo cao. Nhưng từ năm 2019 trở đi, chất lượng sản phẩm đã có chuyển biến tốt, ngày càng có nhiều sản phẩm dự thi, có nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ KH&CN, nhất là cong  nghệ số, Giáo dục STEM… Chính cuộc thi, là động lực khơi dậy phong trào, niềm say mê nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng ý tưởng, rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, mạnh dạn vận dụng những kiến thức, kỹ năng được học vận dụng vào thực tế. Thông qua Cuộc thi góp phần đưa Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng phát triển cả phẩm chất và năng lực học sinh; thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học với phương châm: “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn” thông qua đó, hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trường học ngày càng được phát huy đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cuộc thi đã khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của học sinh trên từng địa bàn. Giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai. Đồng thời thúc đẩy phong trào thi đua học tập, Đổi mới sáng tạo trong Đoàn viên, đội viên và học sinh.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười và Giám đốc Quỹ hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam Nguyễn Xuân Tiến trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân.


Qua 10 năm tổ chức phát động cuộc thi có những mô hình tốt đã khẳng định tính hiệu quả như: Ngân hàng ý tưởng, được tổ chức ở từng trường, là nơi lưu giữ những ý tưởng mới, ý tưởng chưa hoàn chỉnh, chưa đủ độ chín mùi để làm sản phẩm dự thi, cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện để tham gia dự thi những năm sau. Nhiều trường ngân hàng lưu giữ hàng trăm ý tưởng, nên trong 2 năm phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong điều kiện giản cách xã hội, học sinh phải học trực tuyến, nhưng số lượng sản phẩm dự thi của tỉnh ta vẫn đứng tốp đầu của cả nước, là do các trường lấy ý tưởng trong ngân hàng ra làm sản phẩm dự thi. Nhiều trường còn tổ chức Cuộc thi ý tưởng như: Trường THPT Nguyễn Trãi, Giồng Trôm, tổ chức Cuộc thi Sáng tạo học đường, xét phát thưởng ý tưởng hàng tuần, hàng tháng; Trường THCS Thị trấn Thạnh Phú tổ chức thi ý tưởng vòng trường, sau đó chọn những ý tưởng đạt giải làm sản phẩm dự thi những ý tưởng còn lại cất giữ trong ngân hàng để tiếp tục nghiên cứu bổ sung; Trường THCS Sơn Phú, Giồng Trôm, phát cho mỗi lớp 01 quyển sổ, học sinh có ý tưởng ghi vào sổ, hàng tháng trường họp Hội đồng Khoa học nhà trường xét ý tưởng, ý tưởng hay hoàn chỉnh cho làm sản phẩm dự thi, các ý tưởng còn lại lưu giữ trong ngân hàng; Trường TH-THCS Phước Hiệp, Mỏ Cày Nam, Trường THCS Vĩnh Thành, Chợ Lách nuôi dưỡng ý tưởng trong ngân hàng; Trường THCS Tân Thạch, Châu Thành, lập ngân hàng ý tưởng Phần mềm tin học…

Hầu hết các trường đều tổ chức được Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, Câu lạc bộ sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, Câu lạc bộ STEM… Câu lạc bộ chính là nơi, là môi trường, là chỗ dựa bồi dưỡng kiến thức nghiên cứu khoa học cho các em, để các em tiếp cận được những tri thức mới từ đó hình thành những ý tưởng mới. Hiện nay, một số trường tổ chức cho các em đi trải nghiệm thực tế học tập kinh nghiệm ở các trường Đại học thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Trà Vinh....

Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị, PGS.TS Phạm Ngọc Linh cho biết rất ấn tượng với thành tích của cuộc thi tại tỉnh trong 10 năm qua với những mô hình hay như Ngân hàng ý tưởng. Qua đó cũng cho thấy đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường đã nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám xông pha tìm tòi khám phá sáng tạo ở lĩnh vực khoa học công nghệ. PGS.TS Phạm Ngọc Linh cũng hy vọng, thời gian tới tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cần xem đây là một nhiệm vụ quan trọng.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu chỉ đạo.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cũng lưu ý các trường, các địa phương có sự quan tâm đồng đều đối với việc tham gia cuộc thi, có giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm dự thi. Đối với giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh rất kỳ vọng có nhiều giải pháp mới hơn ở các cuộc thi trong thời gian tới nhằm giúp tỉnh tìm ra giải pháp mới, thiết thực. Quan tâm đưa sản phẩm đi vào ứng dụng trong thực tế cuộc sống nhiều hơn.

Tại hội nghị, đã tiến hành trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 6 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trọng 10 năm tổ chức cuộc thi; tặng Giấy khen của Ban tổ chức cho 11 tập thể , 19 cá nhân có thành tích tốt trong 10 năm tổ chức cuộc thi; Trao giải cho cho 48 sản phẩm của 110 tác giả đạt giải Cuộc thi lần thứ 10 năm 2024 và khen thưởng 13 tập thể có thành tích tổ chức tốt cuộc thi năm 2024.