Công tác phối hợp có vai trò vị trí rất quan trọng để nâng cao chất lượng trong tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng ở Bến Tre
Như chúng ta đều biết, thực hiện tốt cơ chế phối hợp hoạt động, có ý nghĩa quan trọng đối với nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hoạt động KH&CN; trong đó, có tổ chức phát động Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng.
Ở Bến Tre, hàng năm Liên hiệp Hội tỉnh đã chủ động tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Sau đó, Ban Tổ chức xây dựng kế hoạch tổ chức phát động Cuộc thi hàng năm, có phân công cụ thể nhiệm vụ và sự phối hợp giữa Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh (Liên hiệp Hội tỉnh) với các đơn vị thành viên trong Ban Tổ chức như: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Đồng khởi. Việc ban hành kế hoạch và quy định trách nhiệm phối hợp của các thành viên có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Tổ chức. Trong đó, các nội dung phối hợp được cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời quy định trách nhiệm của mỗi bên trong thực hiện các nội dung hoạt động...
Qua những năm đầu tổ chức Cuộc thi gặp rất nhiều khó khăn, vì ở huyện và cơ sở không có cơ quan nào đứng ra chủ trì để phát động Cuộc thi. Từ thực tế đó, Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh (Liên hiệp Hội), đã đề xuất được UBND tỉnh chấp thuận cho thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện, thành phố; hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí cho các tác giả làm sản phẩm; trao giải thưởng cấp huyện; tổ chức các lớp tập huấn viết báo cáo thuyết minh các sản phẩm dự thi cho giáo viên hướng dẫn ở 100% trường học các cấp trong tỉnh; nghiên cứu xây dựng và ban hành các các văn bản phục vụ cho tổ chức cuộc thi: Quyết định Ban hành thể lệ; Quyết định thành lập Hội đồng giám khảo; Quy chế hoạt động của Hội đồng Giám khảo, Phiếu nhận xét của Thành viên Hội đồng Giám khảo … đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cấp huyện và cơ sở, đưa cuộc thi đi vào nề nếp thường xuyên và từng bước nâng cao chất lượng cuộc thi.
Hội nghị tổng kết 10 năm tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng
Chính kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc như nêu trên, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để việc phối hợp giữa Ban Tổ chức cấp tỉnh và Ban Tổ chức huyện và thành phố trong chỉ đạo tổ chức phát động Cuộc thi ở cấp huyện và cơ sở kích thích phong trào thi đua lao động Sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng nói chung, nhất là trong nhà trường có sự khởi sắc hơn, sản phẩm dự thi tăng cả về số lượng và chất lượng, đã xuất hiện nhiều trường có phong trào tham gia Cuộc thi tốt.
Trên cơ sở kế hoạch tổ chức phát động Cuộc thi hàng năm của Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh, Ban Tổ chức cấp huyện, thành phố ban hành đầy đủ và kịp thời kế hoạch tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các Trường học, Tổ chức Đoàn, Đội ở từng địa phương, kết hợp với các hình thức, biện pháp truyền thông; in phát tờ bướm, pa nô, áp phích, sinh hoạt dưới cờ… đã phát động sâu rộng, đều khắp về mục đích, ý nghĩa Cuộc thi đến đối tượng dự thi; Đoàn viên, đội viên, học sinh các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng tham gia Cuộc thi khá tích cực. Đến hiện tại, Cuộc thi đã thu hút ngày càng nhiều Đoàn viên, Đội viên, học sinh tích cực tham gia, nâng dần cả về số lượng lẫn chất lượng qua các năm. Đa số cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh… nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc thi, đã đồng thuận và tích cực, hưởng ứng, tham gia Cuộc thi.
Cuộc thi góp phần giáo dục bồi dưỡng, ý tưởng, khơi dậy tiềm năng và tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích, cổ vũ, tạo ra động lực mới để từng bước phát triển, nâng cao tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh, đồng thời giúp các em trao dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà nghiên cứu, sáng chế trong tương lai. Thanh thiếu niên, nhi đồng hứng thú, quan tâm tìm kiếm ý tưởng, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, phối hợp thực hiện các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: tổ chức câu lạc bộ nghiên cứu Khoa học, Câu lạc bộ sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, Câu lạc bộ STEM, Ngân hàng ý tưởng, Ngân hàng ý tưởng phần mềm tin học, liên kết giữa các trường học trong tỉnh, giữa các trường trong tỉnh với các trường Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Trà Vinh…, tổ chức cho các em đi trải nghiệm, học tập kinh nghiệm từ các thầy, anh chị sinh viên về phương pháp nghiên cứu khoa học… Giúp học sinh biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng được học ở nhà trường để ứng dụng vào thực tiễn.
Để Cuộc thi đạt kết quả tốt, ở Bến Tre tỉnh phối hợp với huyện và trường học đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết song song hai vấn đề đó là: Số lượng sản phẩm dự thi và chất lượng sản phẩm dự thi.
Về số lượng: Năm 2015 là năm đầu tiên tỉnh tổ chức phát động Cuộc thi có 1.268 sản phẩm dự thi, sau 5 năm phát động Cuộc thi (năm 2019) có 4.016 sản phẩm dự thi tăng 3.17 lần so với năm 2015 (4.016/1.268). Năm (2024) có 4.796 sản phẩm dự thi, so với năm đầu tiên tổ chức 2015 tăng 3.78 lần (4.796/1.268). Đặc biệt trong năm 2021, 2022 dù dịch bệnh Covid-19, học sinh phải nghỉ học kéo dài, rất khó khăn nhưng sản phẩm dự thi vẫn không giảm (năm 2021 có 4.245 sản phẩm dự thi, năm 2022 có 4.731 sản phẩm dự thi).
Về chất lượng: Chất lượng sản phẩm cũng từng bước được nâng lên, nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng mới, gắn kết những kiến thức được học tập trong nhà trường với những vấn đề thực tiễn đặt ra trong dạy và học, trong đời sống xã hội.
So với những năm đầu Cuộc thi (giai đoạn 2015-2018), nhiều sản phẩm dự thi chưa có ý tưởng sáng tạo cao. Nhưng từ năm 2019, chất lượng sản phẩm đã có chuyển biến tốt, ngày càng có nhiều sản phẩm dự thi có nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ KH&CN, nhất là công nghệ số, Giáo dục STEM… nổi bật như: Ứng dụng công nghệ IoT trong chế tạo Robot thăm dò, kết hợp phát hiện và hỗ trợ cứu hộ người bị nạn bằng công nghệ xử lý ảnh, định vị vệ tinh GPS; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ IoT để chế tạo giàn phơi y phục thông minh; Thiết bị bom gel sát khuẩn; Thiết bị thông minh đo lường và hướng dẫn cải thiện các thông số; Thiết bị đa năng hỗ trợ xử lý ao và cho tôm con ăn đạt hiệu quả; Hệ thống điểm danh tự động bằng vân tay tích hợp máy rửa tay tự động; Ứng dụng phần mềm Macromdia Flash8 “Em học luật giao thông”; Vận dụng giáo dục Stem để chế tạo mô hình Tái hiện phong trào Đồng Khởi Bến Tre; Thiết bị hỗ trợ cho người lái xe mô tô khi bị tai nạn hoặc bị cướp; Thiết bị nhắc người chạy xe số quên gác chống; Mô hình thiết bị báo động nước dâng; Các tật của mắt và cách khắc phục; Hệ thống cải tiến xe thông minh dùng OpenCV. Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học đa năng; Hệ thống giám sát điện năng và cảnh báo cháy do sự cố điện ứng dụng công nghệ IOT; Thiết bị dẫn hướng cho người mù; Ứng dụng công nghệ 4.0 và "Balacmen" trong quản lý, xử lý môi trường chăn nuôi; giúp người dân khống chế sự bùng phát về số lượng ruồi Musca Domestica tại khu vực chăn nuôi gà.
Qua mỗi năm phối hợp giữa tỉnh, huyện và nhà trường trong tổ chức kiểm tra, hướng dẫn Cuộc thi Bến Tre đã phát hiện và nhân rộng các mô hình điển hình trong tổ chức cuộc thi như:
Ngân hàng ý tưởng được tổ chức ở nhiều trường là nơi lưu giữ những ý tưởng mới, ý tưởng chưa hoàn chỉnh, chưa đủ độ chín mùi để làm sản phẩm dự thi, cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện để tham gia dự thi những năm sau. Nhờ có ngân hàng ý tưởng, trong 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giản cách xã hội kéo dài, học sinh phải học trực tuyến, nhưng số lượng sản phẩm dự thi vẫn được duy trì tốt. Một số trường còn tổ chức Cuộc thi ý tưởng như: Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Giồng Trôm, tổ chức Cuộc thi Sáng tạo học đường, xét phát thưởng ý tưởng hàng tuần, hàng tháng; Trường THCS Thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tổ chức thi ý tưởng vòng trường, sau đó chọn những ý tưởng đạt giải làm sản phẩm dự thi, những ý tưởng còn lại cất giữ trong ngân hàng để tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện; Trường THCS Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, mỗi lớp có 01 quyển sổ, học sinh có ý tưởng ghi vào sổ, hàng tháng trường họp Hội đồng Khoa học xét ý tưởng, ý tưởng hay hoàn chỉnh cho làm sản phẩm dự thi, các ý tưởng còn lại lưu giữ trong ngân hàng; Trường TH-THCS Phước Hiệp, Mỏ Cày Nam, Trường THCS Vĩnh Thành, Chợ Lách nuôi dưỡng ý tưởng trong ngân hàng; Trường THCS Tân Thạch, Châu Thành lập ngân hàng ý tưởng Phần mềm tin học…
Một số trường đã tổ chức được Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học, Câu lạc bộ Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, Câu lạc bộ STEM… Câu lạc bộ chính là nơi, là môi trường, là chỗ dựa bồi dưỡng kiến thức nghiên cứu khoa học cho các em, để các em tiếp cận được những tri thức mới từ đó hình thành những ý tưởng mới, một số trường tổ chức cho các em đi trải nghiệm thực tế học tập kinh nghiệm ở các trường ngoài tỉnh.
Từ thực tiển tổ chức phát động, tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tại tỉnh Bến Tre, cho thấy:
Phải phối hợp chặt chẽ giữa các ngành các cấp trong tỉnh tổ chức quán triệt sâu rộng mục đích, ý nghĩa, tiêu chí Cuộc thi là: thiết thực góp phần khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thế hệ trẻ, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, vun đắp ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai; Tạo sự đồng thuận, ủng hộ về tinh thần, vật chất trong hệ thống chính trị, nhất là đối với lãnh đạo các ngành, các cấp trong tỉnh; tổ chức Đoàn, Đội, nhà trường, phụ huynh, Đoàn viên, Đội viên, học sinh… tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần thực hiện thắng lợi mục đích ý nghĩa Cuộc thi.
Kịp thời phát hiện biểu dương, khen thưởng và nhân rộng cách làm mới, hay, sáng tạo, mô hình có hiệu quả; các ngân hàng ý tưởng, câu lạc bộ khoa học, liên kết, trải nghiệm, làm việc nhóm… Có hình thức giới thiệu, quảng bá các mô hình, sản phẩm dự thi đạt giải cao có khả năng ứng dựng vào thực tiễn để khơi dậy phong trào, niềm say mê nghiên cứu khoa học của thanh thiếu niên, nhi đồng.
Thực tiển qua nhiều năm phối hợp tổ chức phát động Cuộc thi cho thấy, nhà trường có vai trò quyết định đến số lượng và chất lượng sản phẩm Cuộc thi; nơi nào Ban Giám hiệu quan tâm, chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện tốt công tác truyền thông và công tác xã hội hóa cho Cuộc thi sẽ đạt được thành tích cao khi tham dự Cuộc thi.
Việc phối hợp phát động, tổ chức Cuộc thi có hiệu quả sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng phát triển năng lực; vì vậy lãnh đạo các trường, giáo viên và học sinh cần quan tâm thực hiện giúp học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo là dịp để các em trải nghiệm bổ ích, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, kỹ năng phản biện, kỹ năng hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm… nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh, giúp các em học tập, rèn luyện tốt trong hiện tại và thành công sau này.