Ngày đăng: 19-11-2024     Tác giả: Đại tá Nguyễn Huy Phục, Phó Ban Liên lạc ngành Tình báo Quốc phòng tỉnh Bến Tre      Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Sau các cao điểm tổng công kích năm 1968, Mỹ ngụy tăng cường hoạt động tình báo, chỉ điểm, do thám cho phi cơ, pháo binh bắn phá nhiều nơi ở vùng ven hết sức ác liệt. Ngoài ra, chúng còn dùng cả máy “điện tử” để thu tiếng động cho phi cơ, pháo binh phát hiện những nơi tập trung nhiều người để bắn phá, tập kích hỏa lực.

Để đối phó pháo binh địch, gây nhiều tổn thất cho lực lượng ta, quân báo phân công 1 bộ phận chuyên trách theo dõi tiểu đoàn 72 pháo binh và pháo binh của các chi khu, phát hiện kịp thời, chính xác tọa độ pháo kích của chúng thông báo để hạn chế thiệt hại. Nổi bật vào khoản 11 giờ ngày 28/4/1968, các đồng chí  lãnh đạo chỉ huy lực lượng vũ trang tỉnh mắc võng nghỉ trưa sau buổi làm việc xung quanh căn chòi lá ở ấp 4 xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, P20 nhận được diện khẩn của tiểu đoàn pháo 72 lệnh cho pháo bắn vào tọa độ nói trên, ta đã kịp thời thông báo cho các đồng chí vào hầm trú ẩn an toàn.

Quân báo không chỉ nắm tin phục vụ để ta đánh địch trên mặt trận quân sự, mà phục cho việc bảo vệ an toàn lãnh đạo tỉnh ủy,các cơ quan, ban ngành tỉnh, nhân dân trong vùng giải phóng, nên được nhân dân và các cơ quan, ban ngành tin yêu. Do đó, bọn tình báo, gián điệp đánh hơi được là lực lượng vũ trang ta có “bộ phận theo dõi nghe lén truyền tin”, nên chúng rất cảnh giác trong truyền tin, độ mật cao, thường xuyên thay đổi mã khóa và không chuyển kế hoạch tác chiến trên sóng.

Tuy nhiên, ta đã khắc phục mọi khó khăn, ngoài nắm địch bằng nguồn tin của P20, ta còn phối họp với các phương thức nắm địch khác. Song trong thời điểm đó, địch dùng bom, pháo chà xác vùng ven; vùng giải phóng rất ác liệt, quần chúng không còn bám trụ, bà con phần lớn ra vùng địch, rất ít về vùng giải phóng nên phong trào quân báo nhân dân gần như bế tắc; về đặc tình điệp báo nắm địch chủ yếu những tin có tính chất chiến lược, không phục vụ kịp thời những tin tức hoạt động hàng ngày của địch. Các cơ sở vị trí vẩn bám chắc các cơ quan quân địch phục vụ cho trinh sát vũ trang nghiên cứu sâu trong Thị trấn, Thị xã các cơ quan quân sự đầu nảo của chúng.

Bị động chiến trường chung, cuối tháng 3-1968 quân Mỹ rời khỏi chiến trường Bến Tre, trung đoàn 10 sư đoàn 7 ngụy đảm trách địa bàn tỉnh ta. Vào đợt 2 chiến dịch, ta đánh diệt đồn Phú Hưng, nhằm kéo chủ lực địch ra khỏi thị xã để tiêu diệt. Sau đó, lực lượng ta về phòng ngự xã Hữu Định - Châu Thành, nhận được tin cơ sở Điệp báo (J2) báo cáo ra; địch lập kế hoạch bao vây tiêu diệt và giải tỏa khu vực bắc thị xã; thông tin này đối chiếu với nắm địch của quân báo tiền phương và quân báo Tiểu đoàn 516 là đúng như cơ sở điệp báo báo cáo. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 7-5-1968, bọn ngụy phát hiện bộ đội địa phương quân huyện đang đóng quân tại ấp 4 xã Hữu Định chúng Trung đoàn 10 sử dụng 2 tiểu đoàn và 1đại đội thám kích đánh vào địa bàn nầy. Quân báo đã báo cáo tỉ mĩ với Ban chỉ huy tiền phương cụ thể về địch. Do nắm chắc, tình hình diễn biến của địch trên mặt trận, nên ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt gần 400 tên địch, bắt sống một số tên, thu 125 súng, 8 máy PRC 25 loại máy ta đang rất cần để trang bị cho lực lượng quân báo. Chiến lợi phẩm nầy, được tỉnh đội tăng cường cho quân báo, nâng tổng số máy PRC25 của quân báo lên 10 máy, các đồng chí bố trí thành 3 cụm chủ yếu như: Cụm trung tâm 6 máy PRC25, 4 máy GRC9, và các máy STS; cụm tiền phương 2 máy PRC 25 và 1 máy GRC9; cụm tỉnh ủy 2 máy PRC25.

Sau trận Hữu Định, trung đoàn 10 ngụy không đủ khả năng đối phó chiến trường Bến Tre; theo báo cáo của cơ sở điệp báo (J2) địch sẽ đưa quân Mỹ trở  lại tham chiến, ứng cứu quân ngụy. Đêm 7-5-1968, Tiểu khu Kiến Hòa thông báo các đồn bót Bảo an, dân vệ theo tuyến đường 17 không được ra khỏi đồn; giao chiến trường cho quân Mỹ. Sau đó pháo Bình Đức liên tiếp bắn vào khu vực 2 xã Hữu Định, Phước Thạnh yểm trợ cho quân lấy thương, và giải tỏa áp lực của các lực lượng ta ven thị xã. Quân báo tiền phương nhận định thống nhất với Ban chỉ huy chiến đoàn: Mỹ đưa quân bằng tàu vào sông Ba Lai và đổ quân bằng trực thăng ở các cánh đồng An Phước Giao Hòa.

Đúng như nhận định, sáng ngày 8-5-1968, địch dùng tàu vào sông Ba Lai đổ quân lên An Phước và đổ trực thăng xuống cánh đồng Giao Hòa. Ta bắn chìm và cháy 12 tàu, Mỹ đã dùng hỏa lực oanh kích 22 phi vụ, bắn trên 10.000 quả pháo các loại, nhưng không ngăn nổi các mũi tiến công của ta. Quân Mỹ hoảng hốt cho máy bay B52 ném bom khu vực Hữu Định - Phước Thạnh, rồi lại liên tiếp đánh phá Phong Mỹ - Châu Hòa.

Đối với quân báo lúc nầy, rất cần một đồng chí biết nghe tiếng Mỹ - đó là điều bức xúc nhất để nắm địch. Lúc đó, được biết Ban tuyên huấn tỉnh có đồng chí Phạm Trường Thiên là cử nhân văn khoa biết được tiếng Anh và tiếng Hoa. Ban quân báo trực tiếp đề nghị với Tỉnh đội và Tỉnh ủy đưa đồng chí Trường Thiên về đội kỷ thuật P20 - quân báo Bến Tre (Đồng chí Trường Thiên sau giải phóng có lúc làm Bí Thư thị xã ủy, Giám đốc nhà máy đường khi nghỉ hưu trong một cơn bệnh đột ngột đã từ trần).

Cuối tháng 5-1968, đồng chí Trường Thiên bắt tay vào nhiệm vụ nghe mỹ nói nhưng rất căng thẳng; tuy đồng chí có biết Anh ngữ, nhưng qua thời gian không ôn luyện khó nhận biết; hơn nửa trong máy truyền tin giọng nói đàm thoại tương đối nhanh, khó nghe và cảm nhận được.

Ban quân báo không nản chí, đồng chí trưởng ban động viên đồng chí kiên nhẩn nghe đến ngày thứ năm, biết được vài từ như “tri tri” tức là số 33- danh hiệu của đài chỉ huy Sư đoàn Mỹ ở Đồng Tâm, trong hệ thống còn có hơn 30 đài khác nhưng không phân biệt được đơn vị nào.

Trên cơ sở theo dỏi đài chỉ huy, ban quân báo phát hiện được một số cuộc càn quét đánh phá của Mỹ trên địa bàn Bến Tre, nhưng đó chỉ là việc đối phó tạm thời. Đồng chí Trưởng ban Quân báo, tổ chức hội ý toàn ban (P20 và nghiên cứu) cùng bàn phương thức nghiên cứu nắm tin Mỹ sao cho thiết thực hơn. Đồng chí nêu vấn đề để cả ban cùng xem xét: bọn Mỹ tuy nói nhiều trong máy nhưng chúng ta cố gắn biết cho được khoản 30 từ như: oanh kích, đột kích, pháo bắn, dội bom, nhảy giò, đổ quân, rút quân, di chuyển…riêng đồng chí Trường Thiên cầm máy nghe Mỹ nói gì, thì ghi lại bằng tiếng việt và dần dần ban sẽ mua tự điển Anh- Việt tra cứu thêm.

Sau nhiều ngày theo dõi thực tế, quân báo đã xác nhận được nhiều từ quan trọng trong truyền tin Mỹ và ban tổ chức đi mua tự điển Anh - Việt về để nâng cao kiến thức cùng trình độ hiểu biết tiếng Anh của Kỷ thuật P20. Để đáp ứng nhanh, rút gọn thời gian hơn; đồng thời cũng để bồi dưỡng lẫn nhau về kiến thức. Ban quân báo quyết định đưa đồng chí Năm Hồng, Ba Lê những cán bộ có trình độ văn hóa, có trách nhiệm và kinh nghiệm nghiệp vụ Kỷ thuật P20 - cùng đồng chí trường Thiên, Chín Hùng nghiên cứu chuyên sâu truyền tin Mỹ (đồng chí Chín Hùng sau giải phóng có lúc làm Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bến Tre, khi nghỉ hưu tham gia làm Phó chủ tịch Hội Luật Gia tỉnh Bến Tre).

Sau hơn 1 tháng theo dõi Mỹ đã phát hiện được nhiều từ ngữ, nhiều danh hiệu của các đơn vị Mỹ tham chiến ở Bến Tre như: Tiểu đoàn pháo căn cứ nổi, Tiểu đoàn không vận, Hạm đội đổ bộ… các danh hiệu nầy mỗi tuần chúng điều thay đổi nhưng các đồng chí đã bám chặt và luôn theo kịp chúng. Về nội dung trên truyền tin Mỹ, đồng chí Trường Thiên, Chín Hùng cũng đã định nghĩa được nhiều từ, đi sâu khai thác P20 càng hiểu rỏ về Mỹ hơn, chúng bị ràng buộc nhiều yếu tố, độ mật dể bị sơ hở hơn bọn ngụy.

Các khu vực Mỹ nhảy vào hoạt động như: không kỵ, oanh kích, tập kích, pháo kích chúng phải “thông báo không lưu” để các loại máy bay quốc tế, dân sự “quá cảnh” qua không phận biết mà tránh và chúng phải thông báo cho các đồn bót Bảo an, Dân vệ trong khu vực hoạt động tránh ngộ nhận…

Trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng phát triển rộng, càng át liệt và liên tiếp đối diện với những khó khăn thử thách, nhưng quân báo không ngừng khắc phục vượt qua, đoàn kết gắn bó, nắm chắc mọi diển biến của kẻ thù bằng nhiều phương thức, bằng phát huy khả năng và trí tuệ của tập thể để giành thắng lợi.

Chiều ngày 22-7-1968 trinh sát kỷ thuật P20 được tin hiện tượng liên quân Việt –Mỹ mở cuộc hành quân nhưng ở địa bàn Giồng Trôm hay Mỏ Cày chưa xác định. Đến 10 giờ ngày 22- 7-1968, tổng đài của quân Mỹ thông báo khu tứ giác bao trùm không phận các xã Lương Phú, Thuận Điền, Long Mỹ, Tân Hào Giồng Trôm “ cấm không lưu”. Hiện tượng bầu trời Bến Tre yên vắng lạ thường không có tiếng động cơ nào của phi cơ, pháo binh như báo trước một “cơn giông” B52 sắp đến.

Với lượng thông tin nầy quân báo nhận định: Địch sẽ đánh bom bằng B52 trước khi đổ quân càn quét vào vùng Lương Phú, Long Mỹ và đổ quân bằng trực thăng xuống đồng Tân Hào. Ban chỉ huy Tỉnh đội ra lệnh di chuyển cấp tốc các đơn vị, cơ quan ra khỏi khu vực nhận định địch đánh bom, số lượng gần 2000 người trong một thời gian ngắn nhất.

Sau đó, tham mưu xây dựng phương án tác chiến, bố trí lực lượng. Đúng như nhận định của ta, Mỹ đã dưa 18 lượt máy bay B52 (6 đợt) rải thảm xuống khu vực Thuận Điền, Lương Phú, Long Mỹ, với chiều dài không quá 4 km. Sử dụng “hạm đội nhỏ trên sông” vào sông Giồng Trôm và đổ trực thăng xuống đồng Gò Tranh, Tân Hào. Ngay loạt đạn đầu lực lượng vũ trang ta đã bắn cháy, bắn rơi 15 chiếc máy bay trực thăng diệt và làm bị thương nhiều tên, bẻ gãy cuộc càn quét liên quân Việt- Mỹ. Bị thất bại nặng nề, Mỹ ngụy dội bom bắn pháo khắp nơi và tăng cường đến 2 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến ngụy và 1 lữ đoàn bộ binh Mỹ vào Bến Tre.

Ngày 3 tháng 11 năm 1968, tiểu đoàn 5 của ta đánh tiêu hao 1 đại đội Bảo an ngụy ở khu vực tả ngạn thị xã, tiểu đoàn thủy quân lục chiến nhảy vào tiếp ứng chiến trận xảy ra quyết liệt. Trước tình hình đó, Tỉnh đội và Ban chỉ huy Chiến đoàn gọi quân báo xác định tình hình địch sắp đến. (Trong thời điểm nầy, địch sử dụng 15 tiểu đoàn chủ lực và Bảo an kể cả quân Mỹ càn quét khắp địa bàn Giồng Trôm), để bàn phương án phòng ngự. Có 2 loại ý kiến; một là về Lương Phú, hai là ém quân ở Sơn Phú, vì đây là vùng tiếp giáp thị xã, địch ít chú ý và tránh được B52. Cuối cùng đồng chí tỉnh đội Trưởng quyết định đưa 2 tiểu đoàn về Sơn Phú. Nhưng khi ta về Sơn Phú do có sở hở trong bảo vệ bí mật địch phát hiện và ra lệnh bao vây.

Ngày 4-11-1968, địch đưa đến Sơn Phú gồm có Trung đoàn 10, Trung đoàn 11, 2 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến, 2 tiểu đoàn Biệt động quân, 3 chi đoàn xe lội nước M113 (36 chiếc) và Hải thuyền 23. Yểm trợ cho bọn nầy có 21 khẩu pháo 105 và 155mm, địch oanh kích xuống trận địa nhiều đợt, bắn hơn 10.000 quả pháo. Nhưng do nắm chắc địch, quân báo đã tham mưu cho quân ta thoát khỏi vòng vây an toàn.

Đầu năm 1969, Mỹ tiếp tục quét và giử kết họp với hành quân Việt-Mỹ, tìm diệt lực lượng ta “đẩy việt cộng” ra vành đai thị xã, ráo riết bắt lính đôn quân nâng chất Bảo an, dân vệ để giử địa bàn, thay đổi trang bị, tăng cường hỏa lực Mỹ; địch dùng mọi thủ đoạn đánh phá vùng giải phóng; ngăn chặn hành lang giao thông; đóng đồn bót gây khó khăn cho phong trào cách mạng ở Bến Tre. Chúng đưa từng trung đội, tiểu đội càn quét biệt kích “nhảy giò” và thủ đoạn “bừa gãy răng” hòng bắn giết nhân dân gây hổn loạn, mất ổn định trong vùng hậu phương của ta. Địch dùng “hạm đội nhỏ trên sông” tận dụng thuận lợi của sông rạch Bến Tre, đánh phá ven sông đột kích liên tiếp. Do vậy quân và dân ta quyết tâm tìm mọi cách đánh diệt cho được bọn chúng.

Trong thời điểm nầy, quân báo nắm tham mưu cho tỉnh đội di chuyển địa bàn an toàn cho 300 đồng chí về tham dự hội nghị quân chính tại xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày, (nay là xã Bình Khánh Tây, huyện Mỏ Cày Nam) khi nhận được tin mật quân Mỹ sử dụng chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông đánh vào điểm hội nghị và phát hiện địch đưa lử đoàn A Thủy quân lục chiến ngụy càn quếét vào địa bàn trên gồm: Tiểu đoàn Kình Ngư, Tiểu đoàn Trâu Điên, Tiểu đoàn Hắc Hổ; ta triển khai lực lượng đánh địch theo chiến thuật du kích chiến tranh, chặn đánh khắp nơi, làm cho địch chết và thương vong trên 400 tên, buộc địch phải rút về Sài Gòn.

Đầu tháng 4-1969, do chiến trường căng kéo buộc Mỹ phải rút quân khỏi địa bàn Bến Tre. Ở Bến Tre lực lượng địch còn lại Trung đoàn 10,11 Sư đoàn 7; Trung đoàn 14,15 Sư đoàn 9; Tiểu đoàn Biệt động quân 41, 42 và quân Bảo an tỉnh. Bọn chúng ngày đêm đánh phá, chà xác khắp nơi trong vùng giải phóng hổ trợ cho bọn Dân vệ, Bảo an đóng đồn bót khắp nơi trong tỉnh. Đến tháng 9/1969, chúng đã đóng 57 đồn, 70 tháp canh, 1 cứ điểm, thành lập 10 ấp Tân sinh.

Mạng lưới truyền tin của địch củng thay đổi mã khóa, tầng số thường xuyên, để chống nghe trộm nên ta gặp nhiều khó khăn. Do vậy cơ quan quân báo chỉ đạo cơ sở điệp báo, đặc tình phải cố gắng nắm nguồn tin chính xác, chuyển báo cáo nhanh chóng, kịp thời về ban giúp các đồng chí nghiên cứu tổng họp xác định từng mã khóa.

Cuối năm 1969, được sự đồng ý của Ban chỉ huy tỉnh đội, đồng chí Hai Tình Trưởng ban về quân khu họp chuyên ngành bằng đường công khai, thông qua anh Trần Hùng, cơ sở quân báo của Bến Tre ở cầu bắc Mỹ Thuận (Vĩnh Long) lo giấy tờ tùy thân. Trong chuyến đi nầy đồng chí tiếp xúc tuyên truyền giáo dục Trần Hùng nâng cao hiểu biết cách mạng, lòng yêu nước. Do Trần Hùng làm nghề mua bán vật liệu quân sự, phương tiện chiến tranh, nên đồng chí gợi ý Trần Hùng mua giúp vài chục máy PRC25 mà quân báo Bến Tre đang cần. Trần Hùng mua được 10 máy cho quân báo Bến Tre và 10 máy cho Y4 (Sài Gòn Gia Định). Sau đó, quân báo và an ninh tỉnh phối họp sử dụng Trần Hùng đưa đón nhiều cán bộ Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Khu ủy, quân khu ủy đi đường công khai.

Cùng thời gian nầy, do việc vận chuyển vũ khí từ biên giới về Bến Tre và các tỉnh gặp khó khăn, lực lượng vũ trang ta hạn chế thắng lợi. Quân khu quyết tâm tổ chức đưa tàu vào khu vực Bến Tre - Trà Vinh lần nữa. Ban quân báo phải tổ chức 1 tổ Kỷ thuật trực thuộc Ban chỉ huy Đoàn ở bến (Tiểu đoàn 518) và một bộ phận liên lạc VTĐ trực tiếp với tỉnh đội và Quân khu 8.

Đầu năm 1970, thế và lực giữa ta và địch chưa chuyển cân bằng, ta chưa giành được thế chủ động trên chiến trường. Toàn tỉnh địch có 948 đồn bót, địa bàn giải phóng bị thu hẹp dần. Ban chỉ huy Tỉnh đội và Tỉnh ủy di chuyển về căn cứ Thạnh Phú. Tại Giồng Trôm và Mỏ Cày có 2 Ban chỉ huy, lãnh đạo tiền phương, quân báo phải phục vụ cả 3 bộ phận trung tâm và Tiền phương 1 và 2. Sau đó Ban chỉ huy Tỉnh đội trở về Mỏ Cày - Giồng Trôm, nên cử đoàn cán bộ đi “tiền trạm”, trong đó có tên ở Ban Dân quân thuộc Ban tham mưu, Tỉnh đội Bến Tre đi đến Hương Mỹ tên nầy ra đầu hàng địch chỉ điểm các cơ quan ta còn đang ở khu vực căn cứ (Mặt Đá Hàn - Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú). Khi quân báo phát hiện tin nầy chưa ai biết tên nầy phản bội.

Vào chiều ngày đoàn đi tiền trạm xuất phát, P20 phát hiện địch chuẩn bị đánh phá vào căn cứ của ta khu vực 4 km. Kế hoạch chúng hoạch định: Đầu tiên dội bom (kể cả bom 7 tấn), bắn pháo và đưa trực thăng đến quan sát; tiếp theo máy bay trực thăng (loại bầu nóc” thả 100 thùng bom cay và cuối cùng chỉ đổ quân xuống “với quyển sổ tay” ghi nhận xác chết và thu chiến lợi phẩm của “Việt cộng”. Kế hoạch nầy do Tướng Nguyễn Khoa Nam tư lệnh vùng 4 chiến thuật chỉ huy, nhưng đến 24 giờ đêm ta mới nhận chính xác tọa độ khu tứ giác địch đánh. Từ đó, Tỉnh ủy, Tỉnh đội điều động lực lượng gần 3.000 người đến 4 giờ sáng mới ra khỏi khu vực bao vây đánh phá của địch. Lúc 5 giờ máy bay C130 của địch đến thả bom 7 tấn theo như kế hoạch. Suốt 4 ngày đêm quân báo tham mưu cho Tỉnh ủy, Tỉnh đội chỉ đạo toàn lực lượng “chơi cút bắt” với địch, lực lượng ta an toàn, địch bị thiệt hại gần 1 tiểu đoàn.

Cuộc đấu trí giữa ta và địch ngày càng át liệt trên chiến trường, những bằng trí thông minh và lòng dũng cãm ta đã giành thắng lợi toàn diện trên chiến trường làm thay đổi cục diện chiến tranh trên địa bàn Bến Tre.

                                                             Đại tá Nguyễn Huy Phục,
Phó Ban Liên lạc ngành Tình báo Quốc phòng tỉnh Bến Tre