Ngày đăng: 01-03-2019     Tác giả: Huy Phục     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, với hơn 71.000ha (chiếm 50% diện tích cả nước) và toàn tỉnh có trên 163.000 hộ trồng dừa, sản lượng dừa Bến Tre hàng năm đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu đạt khoản 200 triệu USD chiếm khoản 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giá trị sản xuất các sản phẩm từ dừa chiếm 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng dừa.

Có thể nói, nghề trồng dừa ở Bến Tre được xem như một sắc thái văn minh miệt vườn và ngành dừa luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre không ngừng phát triển, hiện tỉnh có hơn 1970 cơ sở chế biến dừa với hơn 30 sản phẩm được chế biến từ dừa. Một số sản phẩm chiếm giá trị cao trong cơ cấu sản phẩm như: Sửa dừa, cơm dừa nạo sấy, chỉ sơ dừa, kẹo dừa, than hoạt tính… Hiện nay, thị trường xuất khẩu dừa được mở rộng đến khoản 84 quốc gia vùng lãnh thổ.

Để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu cây dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa, Bến Tre đã tổ chức thành công 04 kỳ Lễ hội Dừa, đặc biệt, năm 2012 được sự chấp thuận của Chính phủ và Bộ, Ngành Trung ương, Bến Tre đổi tên và nâng cấp Lễ hội Dừa thành Festival Dừa Bến Tre lần III, tổ chức với quy mô cấp quốc gia. Trong quá trình tổ chức, Bến Tre đã nhận được chỉ đạo của các Bộ, Ngành Trung ương, sự ủng hộ tham gia của các tỉnh, doanh nghiệp, nhân dân địa phương trồng dừa trên phạm vi cả nước và các doanh nghiệp nước ngoài trong cộng đồng dừa Châu Á Thái Bình Dương (APCC).

Phát huy và kế thừa kết quả đã đạt được qua các kỳ tổ chức Lễ hội Dừa, đồng thời, xác định vị thế của ngành dừa và sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và sản phẩm dừa của Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới. Lễ hội Dừa lần thứ V năm 2019 cũng sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa Bến Tre với du khách trong và ngoài nước; cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa giữa các nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa Bến Tre và Việt Nam.

Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần nầy diễn ra từ ngày 14/11/2019 đến 18/11/2019, khai mạc vào lúc 20h00’ ngày 14/11/2019 và Bế mạc lúc 20h00’ ngày 18/11/2019 tại Sân vận động tỉnh, phường Phú Tân, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Tham dự lễ hội có: thành viên các nước trong Hiệp hội Dừa Châu Á Thái Bình Dương; các tỉnh bạn có thế mạnh về cây dừa; các doanh nghiệp trồng, chế biến, xuất khẩu dừa; nông dân trồng dừa và cộng đồng dân cư trong tỉnh.

Theo Ông Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, Lễ hội Dừa lần thứ V có các hoạt động như:

Triển lãm sản phẩm dừa và Hội chợ Thương mại:

Lễ hội diễn ra từ ngày 12/11/2019 đến 18/11/2019 tại Trung tâm Thương mại Triển lãm và Hội nghị Quốc tế - Việt Nam, đường Võ Nguyên Giáp, Quốc lộ 60, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre.

Triển lãm sản phẩm dừa với quy mô: 400 gian hàng. Trong đó, có tổ chức giải thưởng sáng tạo ngành dừa, thi tuyển chọn sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ dừa và tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong nghành dừa. Ngoài ra, còn bố trí gian hàng trưng bày dừa lạ, độc đáo, quý hiếm và một số loại cây đặc sản của tỉnh.

Hội chợ thương mại với quy mô 300 gian hàng: trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm chất lượng được sản xuất trong nước nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Cùng với Triển lãm và Hội chợ, còn diễn ra Hội thảo với chủ đề: “Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh Bến Tre”

Không gian dừa (Con đường dừa):

Diễn ra từ ngày 12/11/2019 đến 18/11/2019 tại Công viên Cái Cối, xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre.

Trang trí tạo ra không gian dừa với những chất liệu bằng dừa, bố trí các cụm tiểu cảnh hài hòa, ấn tượng, có tính nghệ thuật cao, mang đậm chất dân gian xứ dừa. Tổ chức triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật gắn với nghệ thuật sắp đặt tạo điểm nhấn, ấn tượng con đường dừa.

 

Con đường dừa tại Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ IV năm 2015. (Ảnh sưu tầm)

 

Liên hoan Ẩm thực dừa Nam bộ:

Diễn ra từ ngày 14/11/2019 đến 18/11/2019 tại Đường Hùng Vương, khu vực chân cầu Mỹ Hóa đến Khách sạn Dừa thuộc phường 7, thành phố Bến Tre.

Mời các Công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở du lịch, các nghệ nhân, địa phương trong tỉnh, các tỉnh Nam bộ tham gia khu ẩm thực với các gian hàng được thiết kế xây dựng ấn tượng, giới thiệu nét đặc sắc của nghệ thuật ẩm thực và các món ăn thức uống dân gian, truyền thống đặc sản Nam bộ, đặc biệt là ẩm thực từ dừa.

Tuần lễ Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch:

Tổ chức không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; nghệ thuật đường phố, biểu diễn trang phục dừa… (trong Phố đi bộ vui hội xứ Dừa).

Tổ chức hội thi “Người đẹp xứ Dừa” (mở rộng).

Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật với các tỉnh, thành bạn (có kết hợp mời ca sĩ từ Thành phố Hồ Chí Minh) phục vụ nhân dân và du khách hàng đêm, tổ chức đêm nhạc “Những rặng dừa quê hương” nhằm giới thiệu các tác giả, tác phẩm về xứ dừa Bến Tre.

Tổ chức giải “Nông dân đua xuồng” trên sông Bến Tre (xuồng có chở dừa)

Tổ chức các tour du lịch “Trải nghiệm sông nước, miệt vườn xứ Dừa”, kết hợp với quảng bá về các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái, các vườn dừa đẹp cho du khách tham quan.

Tổ chức các tàu du lịch trải nghiệm sóng nước sông Bến Tre, vận động các doanh nghiệp du lịch tổ chức (bán vé cho khách) tham quan trên sông Bến Tre nghe đờn ca tài tử, hát với nhau nghe, thưởng thức nước dừa xiêm.

Tổ chức các trò chơi vận động (dân gian, truyền thống) cho học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân trồng dừa tham gia.

Còn theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, điểm nhấn của Lễ hội Dừa năm 2019 là việc tổ chức “Cộng đồng vui hội làng Dừa”

Diễn ra từ ngày 14/11/2019 đến 18/11/2019 tại các Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh; 986 khu dân cư trên địa bàn tỉnh, hình thức như ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” do Mặt trận Tổ quốc tổ chức. Trong đó, phát động các cơ quan,đơn vị (tỉnh, huyện, thành phố) doanh nghiệp…; xã, phường, thị trấn vận động nhân dân tham gia “Cộng đồng vui hội làng Dừa” dưới hình thức tổ chức; các trò chơi dân gian, truyền thống; liên hoan trang trí từ chất liệu dừa, liên hoan ẩm thực, ca nhạc tài tử, hát dân ca Bến Tre, đồng dao… tại các vườn dừa của địa phương, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi toàn dân trong những ngày diễn ra Lễ hội Dừa.