Nhóm Giáo dục - Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh Bến Tre tổ chức bàn thảo chuyên đề “Phát triển tư duy sáng tạo khoa học, định hướng giải pháp gắn kết ý tưởng sáng tạo khoa học với sáng tạo khởi nghiệp trong trường học”
Tháng 10/2019 vừa qua, tại trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nhóm Giáo dục - Câu lạc bộ Trí thức trẻ (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bến Tre) đã tổ chức hoạt động chuyên đề năm 2019 với chủ đề: “Phát triển tư duy sáng tạo khoa học, định hướng giải pháp gắn kết ý tưởng sáng tạo khoa học với sáng tạo khởi nghiệp trong trường học”.
Tham dự buổi bàn thảo về chuyên đề này có trên 89 giáo viên và học sinh của 16 trường THPT và Trung tâm GDNN-GDTX.
Đến dự có Cô La Thị Thúy – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Cô La Thị Thúy đã điểm qua một số kết quả đạt được của học sinh trong phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học cũng như hoạt động truyền thông khởi nghiệp trong trường học thời gian qua. Năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre chọn 06 dự án NCKH của học sinh dự Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Kết quả đạt giải 100%, trong đó có 2 giải Nhì và 04 giải Tư. Đồng thời Cô La Thị Thúy cũng mong muốn qua chuyên đề này giáo viên và học sinh sẽ có thêm một số kiến thức, kỹ năng để phát triển phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học cũng như truyền thông, giáo dục khởi nghiệp tại các trường trong thời gian tới.
Chuyên đề được tổ chức 02 buổi, với các nội dung:
- Buổi sáng: Học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng hình thành và phát triển tư duy sáng tạo, sáng tạo khoa học. Các em được trang bị kỹ năng viết kế hoạch thực hiện một dự án khoa học kỹ thuật và sau đó là hoạt động nhóm để xây dựng kế hoạch thực hiện dự án khoa học kỹ thuật, báo cáo kế hoạch của nhóm để cùng phân tích, chia sẻ và hoàn thiện với tất cả giáo viên, học sinh tham dự chuyên đề.
Giáo viên cùng tham gia phản biện, góp ý cho kế hoạch nghiên cứu khoa học của học sinh
- Buổi trưa: Học sinh tham quan khu sản xuất rau hữu cơ tại sân trường THPT Lương Thế Vinh. Đây là một mô hình sản xuất rau sạch của Tổ chức Seed to Table hỗ trợ về kỹ thuật. Qua tham quan mô hình, giáo viên và học sinh có thể rút kinh nghiệm, học hỏi để có thể nhân rộng, phát triển mô hình này ở nhà trường.
- Buổi chiều: Chia sẻ những kinh nghiệm, hành trình đến với hoạt động NCKH và đạt được kết quả của 03 em học sinh Nguyễn Mai Thi, Phùng Đức Hiếu, Nguyễn Thanh Hiền (học sinh trường THPT Nguyễn Đình Chiểu - dự án NCKH đạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019). Tại đây, các em học sinh có nhiều câu hỏi giao lưu, học tập kinh nghiệm thực tiễn, những khó khăn phải vượt qua khi tham gia nghiên cứu dự án khoa học.
Học sinh giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với 03 tác giả có dự án NCKH đạt giải Nhì cấp Quốc gia năm học 2018-2019
Cũng trong buổi giao lưu này, các em học sinh được lắng nghe thầy cô chia sẻ kinh nghiệm triển khai các giải pháp để gắn kết ý tưởng sáng tạo khoa học với sáng tạo khởi nghiệp trong trường học. Một số giải pháp đã được triển khai hiệu quả ở một số trường, những vấn đề cần lưu ý như sau:
- Về ý tưởng nghiên cứu khoa học: lựa chọn ý tưởng nghiên cứu khoa học phải hướng đến yêu cầu đáp ứng nhu cầu của người sử dụng sản phẩm, sáng tạo, khả năng hoàn thiện sản phẩm từ ý tưởng, việc này đồng nghĩa với việc nghiên cứu khoa học phải đi đến cho ra một sản phẩm hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu người dùng thì mới có thể gắn kết với sản phẩm để khởi nghiệp.
- Về xây dựng lực lượng cho Câu lạc bộ nghiên cứu sáng tạo, khởi nghiệp tại trường: phải hướng đến việc chọn lựa, thu hút được các cá nhân có khả năng “Sáng kiến/sáng tạo liên tục, nói tốt/truyền thông tốt, làm tốt/kỹ thuật tạo sản phẩm, viết tốt/thuyết minh để cho người khác hiểu về sản phẩm, CNTT tốt/kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin”, bên cạnh đó phải có được “quyết tâm, nguồn tài chính và người dẫn dắt”. Đây là những phần quan trọng tối thiểu mà một CLB cần có để có thể phát triển được hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp trong trường học.
- Về giáo viên: giáo viên phải là người dẫn dắt để học sinh đi đúng định hướng trong hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp, phải là người tạo được động lực và niềm tin để các em có thể phát huy được các khả năng tiềm ẩn của bản thân,….
- Về học sinh: phải mạnh dạn, tự tin tham gia và trải nghiệm để từ đó có thể khơi gợi được những ý tưởng sáng tạo, tìm được những môi trường, điều kiện thích hợp để có thể phát huy những tiềm năng có ở bản thân, các em phải biết gắn kết cùng nhau, nhằm phát huy tốt nhất sức mạnh của tập thể đó là con đường nhanh nhất dẫn đến thành công trong khởi nghiệp.
Bài, ảnh: ThS. Nguyễn Văn Ngon
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu