Những vấn đề đặt ra qua đối thoại “Trí thức trẻ Bến Tre và khát vọng xứ dừa”
Chương trình đối thoại: “Trí thức trẻ Bến Tre và khát vọng xứ dừa” do Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, tinh thần say mê nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của các Trí thức trẻ với khát vọng hiện thực hóa về một Bến Tre hưng thịnh tại Chương trình đối thoại. Là cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN của tỉnh, Sở KH&CN đã ban hành công văn tiếp thu, phúc đáp ý kiến của Trí thức trẻ về một số nội dung sau:
Đối với ý kiến của anh Tô Chí Hải
Sở KH&CN ghi nhận và biểu dương việc nghiên cứu và thương mại hóa thành công kết quả nghiên cứu sản phẩm mật hoa dừa của Bến Tre ngay tại địa phương, hiện sản phẩm đang lưu thông trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đề tài này, trước đây đã từng nghiên cứu và hình thành các dòng sản phẩm như: rượu cao độ, rượu vang, nước giải khát và đường từ mật hoa dừa nhưng kết quả thương mại chưa thành công như mong muốn.
Hơn 40 năm trước địa phương đã tiến hành trồng dừa ở vùng đất ven biển theo phương châm dừa lấn rừng - rừng lấn biển nhưng hiệu quả chưa cao. Việc trồng dừa khai thác mật vùng ven biển hoặc vùng đất cát có thể ứng dụng mô hình trồng thủy canh, bán thủy canh… để khai thác đối đa tiềm năng nông nghiệp ven biển, kết hợp du lịch theo đề xuất của anh Tô Chí Hải. Có khẳng định, anh Tô Chí Hải đã làm chủ được công nghệ khai thác mật hoa dừa, kỹ thuật trồng dừa và trồng rau thủy canh. Do đó, vấn đề còn lại là làm sao chứng minh được lợi nhuận trồng dừa khai thác mật vượt trội hơn việc trồng rau màu, dưa hấu, xoài và nuôi tôm công nghệ cao nổi để thuyết phục người dân đồng tình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tham gia dự án trồng dừa hay trồng rau thủy canh như ý anh đề xuất.
Để hỗ trợ phát triển sản phẩm mật hóa dừa trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN sẽ nghiên cứu hỗ trợ nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
PGS.TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở KH&CN phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại
Ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Thiên Quang, Khoa Công nghệ sinh học Trường Đại học Quốc tế
Sở xin cảm ơn và trân trọng ý kiến đóng góp và mong muốn tiến sĩ Nguyễn Thiên Quang trong thời gian tới sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre nói chung.
Về việc trồng dừa ven biển, Sở KH&CN đã trả lời ở phần trên. Về nông nghiệp xanh và hạn mặn, Bến Tre xác định tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng chủ đạo, bao trùm trong định hướng, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN. Về vấn đề này, Sở KH&CN trân trọng kính mời tiến sĩ Nguyễn Thiên Quang đề xuất, đăng ký nhiệm vụ KH&CN theo các thông báo trên trang tin điện tử của Sở KH&CN tỉnh Bến Tre tại địa chỉ http://dost-bentre.gov.vn/thong-bao.
Về phát triển cây giống Chợ Lách trong tương lai, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện Sở KH&CN đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị tư vấn đang khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Giống hoa kiểng Chợ lách có quy mô tầm cỡ quốc gia để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Sở KH&CN rất mong tiến sĩ Nguyễn Thiên Quang đóng góp vào dự thảo của đề án và sẽ là cộng sự đắc lực của Trung tâm khi đi vào hoạt động.
Về xây dựng thương hiệu, có chính sách rõ ràng: Sở KH&CN thông tin thêm, tính đến nay có 05 chỉ dẫn địa lý[1], 22 nhãn hiệu tập thể[2], 07 nhãn hiệu chứng nhận[3] và trên 1.300 nhãn hiệu thông thường. Có được thành quả đó ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế và người dân còn nhờ vào chính sách hỗ trợ phát triển sở hữu trí tệ kịp thời của địa phương. Hiện nay, để phù hợp với giai đoạn phát triển mới, Sở KH&CN đang dự thảo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bến Tre đến năm 2030 theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo về chính sách sở hữu trí tuệ trên địa bàn.
Ý kiến của Giám đốc Khách sạn Dừa Trần Thị Hải Vân
Sở KH&CN xin ghi nhận và trân trọng những cống hiến hết mình của Giám đốc Trần Thị Hải Vân cho sự phát triển của Bến Tre và vì một Bến Tre thân yêu.
Về quy hoạch tập hợp trồng các loại cây dừa để khách tìm hiểu, Bến Tre có 73.990 ha với sản lượng 170 triệu trái và hiện nay Trung tâm Dừa Đồng Gò đang sở hữu vườn dừa giống kiểu mẫu với hơn 51,5 ha, bao gồm các phân khu chức năng: Vườn dừa quỹ gen nhập nội và trong nước (lô B1, B2, C1, C2, KTT) có diện tích 13,5 ha, Vườn dừa cao giống gốc (lô B1, C1, C2): 8,5 ha, Vườn dừa Dứa được tạo ra từ Dự án dừa (lô B2, KTT): 1,5 ha, Vườn dừa giống gốc (lô A85, A87) là 22 ha, Vườn khảo nghiệm dừa lai nhập nội và dừa lai trong nước (lô A95, C1, C2): 04 ha và Vườn ươm giống dừa (lô B2) là 02 ha. Trung tâm đang bảo tồn và lưu giữ tập đoàn giống dừa 51 giống, bao gồm các giống dừa có nguồn gốc trong nước và nhập nội, trong đó có nhiều giống dừa quí, hiếm như Sáp, Dứa, v.v… Tập đoàn giống dừa này đã được tổ chức Đa dạng Sinh học Quốc tế (Bioversity International) ghi vào danh mục nguồn gen cây dừa quốc tế CGRD (Coconut Genetic Resource Database) với ký hiệu DGEC (Dong Go Coconut Experimental Center). Đến nay đã có 19 giống (5 giống bố và 14 giống mẹ) được Trung tâm khai thác đưa vào sử dụng lai tạo được 17 giống mới. Trong đó, có các giống dừa lai PB121, JVA 1, JVA 2 đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời và một số giống khác đang được trồng khảo nghiệm ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung như PCA-15-1, PCA 15-2, PCA 15-3, ĐG 13, ĐG 14, ĐG 16,… Do đó, Giám đốc đốc Khách sạn Dừa Trần Thị Hải Vân có thể kết nối với Trung tâm Dừa Đồng Gò tọa lạc tại xã Lương Hòa huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre để hình thành và khai thác tour tham quan, trải nghiệm vườn dừa.
Về đa dạng các sản phẩm về dừa, tính đến thời điểm 30/5/2021, Sở KH&CN đã kiểm đếm, thống kê và phân loại được 219 sản phẩm dừa và chế biến từ dừa; Sở KH&CN đang phối hợp với các tổ chức KH&CN trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, hình thành các dòng sản phẩm mới nhằm đa dạng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm dừa.
Đom đóm gắn liền với tuor tham quan cồn Long, Lân, Quy và Phụng nổi tiếng lâu nay, ngắm đom đóm là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, được thiên nhiên ban tặng cho Bến Tre, một số nước như Malayxia, Philippines, Nhật Bản, Hoa Kỳ đã khai thác hiệu quả dịch vụ và sản phẩm ngắm đom đóm về đêm; Bến Tre chọn đom đóm là một trong các sản phẩm nhằm thúc đẩy việc phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương. Hiện số lượng quần thể đom đóm đang đà suy giảm. Sở KH&CN đang xúc tiến việc điều tra, đánh giá hiện trạng và nghiên cứu các giải pháp để khôi phục, dẫn dụ phát triển quần thể đom đóm như đã từng làm khá thành công đối với việc khôi phục và dẫn dụ quần thể cò vạc ở Vàm Hồ do Sở KH&CN thực hiện. Thời gian tới, khi triển khai các hoạt động nghiên cứu về đom đóm, Sở KH&CN sẽ liên lạc và mong Giám đốc Khách sạn Dừa Trần Thị Hải Vân phối hợp thực hiện.
Sách khát vọng Bến Tre 2045 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Bến Tre
Ý kiến của chị Ngô Tường Vy, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Chánh Thu
Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Chánh Thu nói chung và cá nhân chị Ngô Tường Vy nói riêng đã có nhiều công sức trong việc triển khai, ứng dụng KH&CN hoạt động canh tác, bảo quản và chế biến trái cây phục vụ xuất khẩu rất thành công và đã tạo dựng được danh tiếng và uy tín trên thị trường quốc tế, Sở KH&CN mong muốn Doanh nghiệp Chánh Thu tiếp tục dẫn đầu trong hoạt động xuất khẩu trái cây trong thời gian tới.
Về đầu tư nghiên cứu để phân tích gene, Sở KH&CN sẽ nghiên cứu hỗ trợ thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Về đăng ký Chỉ dẫn địa lý Sầu riêng: Sở KH&CN đã xây dựng, đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Cái Mơn cho sản phẩm sầu riêng. Hiện Sở KH&CN đang đăng ký bảo hộ độc quyền Chỉ dẫn địa lý Cái Mơn cho sản phẩm sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, Chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh tại thị trường Canada.
Về xây dựng lại chuỗi liên kết bưởi da xanh và sầu riêng, ngày 08 tháng 6 năm 2021, Sở KH&CN đã ban hành Kế hoạch số 861/KH-SKHCN Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung định vị và định vị lại cũng như củng cố các chuỗi liên kết các sản phẩm chủ lực của tỉnh nhà.
Ý kiến của anh Võ Trung Âu
Sở KH&CN xin chân thành cảm ơn anh Võ Trung Âu đã quan tâm đến hoạt động chuyển đổi số ngành nông nghiệp và nghiên cứu khoa học của tỉnh nhà.
Về phổ biến các quy chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng, trực thuộc Sở KH&CN, đã duy trì và cập nhật kịp thời, thường xuyên các tin tức cảnh báo và thị trường về các rào cản kỹ thuật thương mại (được gọi tắt là TBT) đối với các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới tại địa chỉ http://chicuctdcbentre.vn. Ngoài ra, Chi cục đã phát hành Bản tin TBT định kỳ hàng tháng đến 191 cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp, các tổ chức/cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin TBT xin truy cập vào địa chỉ http://chicuctdcbentre.vn hoặc liên hệ số điện thoại 0275.3822272 để được phục vụ.
Về bảo tàng gene các loại nông sản chủ lực: Hiện việc lưu trữ và bảo tồn giống dừa đang được thực hiện khá tốt tại Trung tâm Dừa Đồng Gò như đã thông tin ở phần trên; Sở KH&CN đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện đề tài cấp quốc gia: “Nghiên cứu chọn tạo giống dừa có khả năng thích ứng với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Việc bảo tồn gene đối với các loại nông sản chủ lực còn lại sẽ được đưa vào Đề án thành lập Trung tâm Giống hoa kiểng Chợ Lách.
Tuy nhiên, về chiến lược lâu dài, tỉnh Bến Tre sẽ tiến hành xây dựng dự án với quy mô đầu tư khoảng 1.560 tỷ (1.000 tỷ đồng từ vốn viện ODA không hoàn lại và 560 tỷ từ trung ương hỗ trợ) để Thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại Đồng bằng sông Mekong trong khuôn khổ hợp tác ASEM và Việt Nam-Rumania. Khi dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động không chỉ phục vụ tốt việc bảo tồn, bảo tàng nguồn gene các loại nông sản chủ lực của tỉnh mà còn có vai trò bảo tồn, lưu giữ, cung cấp, điều phối và cung cấp nguồn gene quý hiếm, có năng suất cao của vùng hạ lưu sông Mekong, trở thành nơi bảo tồn nông nghiệp quy mô khu vực.
Về vấn đề đồng thời nghiên cứu nhiều hơn về các sản phẩm thứ cấp là những loại cho giá trị cao hơn sản phẩm thô khi xuất khẩu. Trong những năm gần đây, trong phụ lục báo cáo thống kê một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu ở mục Thương mại –Dịch vụ điểm Tổng giá trị xuất khẩu khoản Mặt hàng chủ yếu không còn đề cập đến số liệu thống kê mặt hàng dừa trái xuất khẩu. Điều đó phần nào cho thấy Bến Tre đã hạn chế tối đa việc xuất khẩu nguyên liệu thô mà điển hình ở đây là xuất khẩu dừa trái. Để làm được điều này không thể thiếu hoạt động KH&CN nghiên cứu các sản phẩm thứ cấp, các sản phẩm thông thường mà còn có cả các phụ phẩm trong hoạt động sản xuất và các sản phẩm có giá trị gia tăng nhằm kéo dài chuỗi sản xuất sản phẩm, chuỗi giá trị ngành hàng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo quy luật của thị trường. Sở KH&CN xin tiếp thu và chú trọng trong việc nghiên cứu các sản phẩm thứ cấp theo đề nghị trong thời gian tới.
Sở KH&CN xin trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp quý báu của Trí thức trẻ Bến Tre và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp về hoạt động KH&CN của tỉnh. Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về Sở KH&CN thông qua địa chỉ Email: banbientap@dost-bentre.gov.vn.
Xin cảm ơn Câu lạc bộ Trí thức trẻ và Liên hiệp Các Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tạo điều kiện để Sở KH&CN gặp gỡ Trí thức trẻ Bến Tre.
[1] Bưởi da xanh Bến Tre, dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre, sầu riêng Cái Mơn, cua biển Bến Tre, tôm càng xanh Bến Tre
[2] Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, HTX thủy sản Rạng Đông, bánh phồng Sơn Đốc, cây giống và hoa kiểng Cái Mơn, tôm khô An Thủy, cá khô An Thủy, cá khô Bình Thắng, tổ bó chổi cọng dừa Trương Thị Mộng, logo HT của câu lạc bộ bonsai Hòa Thuận, rau an toàn Đức Trí, lúa sạch Thạnh Phú, măng cụt và chôm chôm Chợ Lách, chổi Mỹ An, rau an toàn Phú Nghĩa, tép rang dừa Mỹ Hưng, tôm sinh thái Thạnh Phước, nhãn Tam Hiệp, nhãn Long Hòa, gà nòi Mỹ Sơn Đông, lúa gạo Ba Nhựt, bánh tráng Mỹ Lồng, nem chay Phú Đức.
Gà nòi thả vườn, Thạnh Phước Tôm Sinh Thái, Nhãn Tam Hiệp, Phú Đức NEM CHAY, Lúa gạo Ba Nhựt, Bánh tráng Mỹ Lồng, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phong, Hòa Lộc, Lộc Thuận , Tân Thiềng, Sơn Đông, Thanh Tân
[3] Rượu Phú Lễ, bò Ba Tri, heo Mỏ Cày Nam, xoài tứ quý Thạnh Phú, tôm biển Bến Tre, tôm xàng xanh Bến Tre, cua biển Bến Tre