Ngày đăng: 20-10-2021     Tác giả: Nguyễn Thị Nguyệt     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

 

Gừng là một trong những gia vị thông dụng trong các món ăn Việt Nam. Gừng dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt gừng được chế biến thành mứt là một món ăn đặc trưng trong dịp Tết cổ truyền. Vì thế, thị trường đầu ra cho gừng khá rộng, nông dân có thể chuyên canh hoặc xen canh cây gừng, mặc dù là cây ưa sáng nhưng gừng có khả năng chịu bóng râm, nên thường được trồng xen với những cây trồng khác. Hiện nay gừng được trồng ở nhiều nơi, trồng theo liếp hoặc trồng trong bao dưới bóng râm. Cho dù trồng theo kỹ thuật nào thì cần thiết đạt năng suất cao, sản phẩm sạch, an toàn. Muốn thế, nông dân cần chú ý từ khâu chọn giống, chăm sóc đến quản lý dịch hại.

Chọn giống gừng củ to, già (gừng từ 9 tháng tuổi trở lên), bóng không khô héo, không nhăn nhúm và không bị sâu bệnh. Muốn gừng lên đều cần ủ giống cho nảy mầm trước khi trồng. Khâu chuẩn bị hom giống rất quan trọng, nếu xử lý tốt hom nhanh nảy mầm, hạn chế nấm bệnh và đây được coi là khâu quyết định phần lớn đến năng suất của gừng.

 

 

Gừng giống phải được chuẩn bị một tháng trước khi trồng. Lượng giống cần chuẩn bị là 300 kg/1.000 m2. Đem gừng về để nơi thoáng mát khoảng 1 tuần rồi tiến hành bẻ hom. Khi bẻ hom giống phải to, nguyên vẹn (từ 40-60g). Vì hom giống to mới đủ sức nuôi cây con mạnh khoẻ. Trên mỗi nhánh phải có ít nhất một mắt mầm. Dùng tay bẻ hom chứ không dùng dao vì khi dùng dao, mầm bệnh sẽ từ củ này lây sang củ kia. Để hạn chế nấm bệnh xâm nhiễm vào củ, sau khi bẻ xong cho gừng vào dung dịch thuốc trừ nấm ngâm khoảng 20 phút sau đó vớt ra rãi chổ khô ráo khoảng 1 tuần rồi tiến hành ủ giống. Gom gừng lại thành đống cao không quá 8 tấc, phủ lên một lớp rơm rồi tưới cho đủ ẩm.
Chú ý khi ủ nên trãi trên nền ủ một lớp tro trấu từ 10-20cm, sau đó mới xếp gừng lên ủ. Tránh để ẩm độ cao quá làm gừng dễ bị thối. Khoảng nữa tháng sau khi ủ, thấy u mầm thì mang đi trồng, không để mầm quá dài sẽ dễ bị gãy trong quá trình vận chuyển (hom già mọc chậm hơn hom bánh tẻ). Trước khi đem trồng nên loại bỏ ngay những hom mềm, bị thối để tránh lây lan.

Bộ phận chính thu hoạch là củ gừng (thân ngầm) nằm ở dưới đất, muốn củ gừng phát triển to và nhiều củ, đất trồng gừng cần có độ mùn, độ xốp nhất định, đủ ẩm và thoát nước tốt. Nên trồng gừng theo luống ở nền đất có độ ẩm cao. Nếu trồng trong bao thì cần trộn đất sạch cùng tro trấu, trùn quế theo tỷ lệ 1 : 2 : 1. Gừng non vừa trồng cần được che phủ bằng biện pháp tủ gốc, tủ luống. Bón lót trước khi xới đất tạo luống. Gừng là loại cây ưa sáng nhưng cũng có khả năng chịu rợp. Tuy nhiên, nếu che ánh sáng nhiều quá thì năng suất giảm rõ rệt.

Trong quá trình phát triển không để gừng thiếu nước vì thiếu nước củ ít và nhỏ, thời gian sinh trưởng bị kéo dài. Mặc dù gừng là loại cây thích đất ẩm nhưng lại không thể chịu được ngập úng, khi bị úng, gừng sẽ dễ bị bệnh thối củ. Vì thế, liếp phải thoát nước tốt để khi tưới không bị úng nước. Khi lớn, củ gừng sẽ dần trồi khỏi mặt đất và lá gừng chuyển vàng bắt đầu rụng. Ở giai đoạn này, không cần phải tưới nước cho cây gừng nữa.

Phân bón cho gừng cần thiết nhất là phân hữu cơ vì đây là yếu tố quan trọng quyết định năng suất gừng. Lượng phân hữu cơ cho 1 ha khoảng 5 tấn phân chuồng hoai mục (hoặc có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh), 120-150kg super lân, 80-100kg Urea, 100kg KCL, nếu đất chua nên bón lót 100-150kg vôi bột (vôi phải bón lót trước không bón cùng với lân). Bón thúc khi thấy gừng có 2-3 cây con. Sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ để bón lót có tác dụng rất tốt để hạn chế bệnh thối củ. Mỗi tháng làm cỏ và xới nhẹ xung quanh chống lèn đất.

Trong quá trình sinh trưởng, gừng ít bị côn trùng phá hại nhưng thường bị bệnh cháy lá và bệnh thối củ. Bệnh cháy lá do nấm Pyricularia grisea gây ra. Triệu chứng nhận biết là những đốm hình thoi, màu nâu xám, xung quanh viền nâu đậm. Nhiều vết bệnh liên kết với nhau thành mãng cháy lớn trên lá. Vết bệnh có thể xuất hiện ở đỉnh hoặc mép lá. Bệnh nặng làm cả lá bị cháy, bụi gừng trông xơ xác, còi cọc, củ ít và nhỏ, năng suất giảm, đôi khi làm cả bụi gừng bị cháy rụi. 

 

Bệnh cháy lá gừng

Bệnh thối khô củ gừng

 

Ngoài bệnh cháy lá, bệnh thối củ khá phổ biến. Bệnh thối củ có hai loại: bệnh thối khô củ và bệnh thối nhũn củ. Bệnh thối khô củ do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Nấm bệnh tấn công vào phần gốc cây gần mặt đất, xuất hiện những đốm màu nâu xám. Bệnh nặng, vết bệnh lan rộng ra, không có hình dạng nhất định, xung quanh có viền nâu đen. Phần lớn vết bệnh có xu hướng lan xuống phía gốc, làm thối một phần củ. Vết bệnh thối khô và xốp. Bệnh nặng có thể làm chết cả cây và toàn bộ củ bị thối. Bệnh sinh sản bằng hạch nấm. Hạch nấm tồn tại trong đất rất lâu, có thể tới 2-3 năm. Hạch nấm trong đất, nảy mầm thành sợi nấm, xâm nhập vào gốc và củ gừng. Điều kiện thời tiết nóng và ẩm là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển, có khi làm thối cả khóm gừng. Bệnh thối nhũn củ do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra. Cây bị bệnh lá héo, úa vàng và đổ gục,  khi nhổ lên thấy củ bị thối và có mùi khó chịu. Vết bệnh trên củ lúc đầu là một đốm nhỏ màu nâu xám, hơi mọng nước. Sau đó vết bệnh lớn dần và ăn sâu vào trong làm một phần củ bị thối mềm, cắt ngang chỗ thối thấy có dịch nhờn. Bệnh thối nhũn còn gây hại trong thời gian bảo quản.

 

Triệu chứng cây gừng bị bệnh thối nhũn Củ bị thối nhũn do vi khuẩn Erwinia carotovora

 

Để quản lý bệnh hại gừng nên vệ sinh đồng ruộng; thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch; không trồng quá dày, không trồng nơi thiếu ánh sáng nhiều; Cần thiết nhất là đất phải thoát nước tốt, tránh bón nhiều phân đạm; Ngay từ đầu vụ khi làm đất nên sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ hoai mục; Khi ruộng gừng bị bệnh bổ sung phân kali; phát hiện luống gừng có triệu chứng thối củ thì tách củ bị thối loại bỏ để hạn chế lây lan; Thăm ruộng gừng thường xuyên, khi bệnh cháy lá xuất hiện, phun nhóm thuốc có hoạt chất Isoprothiolane (Fuji-one 40 EC) hoặc nhóm thuốc hổn hợp hoạt chất Cuprous oxide + Dimethomorph (Eddy 72WP,…). Nếu bệnh thối khô củ, sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Validamycin (Validan 3SL, Vivadamy 3DD) hoặc Hexaconazole (Anvil 5SC); Đối với bệnh thối nhũn có thể phun nhóm thuốc có hoạt chất Kasugamycin và Copper oxychloride (Kasuran 50WP). Chú ý bảo đảm thời gian cách ly.

Nếu sử dụng làm thực phẩm có thể thu hoạch gừng dần từ tháng thứ 5. Gừng để làm giống thì phải thu hoạch sau 9 tháng. Lúc thu hoạch cần phải thật kỹ và cẩn thận để tránh trầy xước củ sẽ tạo điều kiện cho bệnh thối nhũn phát triển. Gừng cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát./.

Nguyễn Thị Nguyệt