Lưu giữ nghề làm bánh dừa Giồng Luông truyền thống
Ở xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, bánh dừa Giồng Luông từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc với người dân bản địa và du khách gần xa. Người dân trong vùng kể rằng, nghề làm bánh dừa Giồng Luông ra đời cách nay hơn trăm năm, lúc đầu chỉ một số hộ gia đình làm để ăn trong những ngày cúng giỗ, lễ, tết, hoặc chỉ đến bán cho người dân trong xóm, thời ấy chủ yếu là chiếc bánh đậu đen cỡ nhỏ. Qua thời gian, mọi người dạy nhau cách làm bánh với nhiều loại nhân khác nhau, theo những chuyến đò giao thương, bánh dừa Giồng Luông đã được lưu truyền đến khắp các địa phương từ miền Tây đến Đông Nam Bộ. Dần dà, nhiều du khách biết đến và trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng tại miệt biển Thạnh Phú của quê hương Đồng Khởi anh hùng.
Ngày nay, người làm bánh dừa ít dần, tuy nhiên vẫn còn đó một số hộ miệt mài bám nghề từ đời ông bà, cha mẹ gầy dựng nên tên tuổi bánh dừa Giồng Luông nức tiếng cho đến hôm nay. Trong đó, vợ chồng ông Huỳnh Văn Tư, ngụ ấp Vĩnh Bắc, xã Đại Điền đã gắn bó gần 50 năm với nghề gói bánh dừa Giồng Luông. Gần nửa thế kỷ giữ nghề, ông bà đã góp phần làm phong phú thêm đặc sản địa phương và tiếp tục lan tỏa thương hiệu bánh dừa Giồng Luông.
Vợ chồng ông Huỳnh Văn Tư thức từ 1 giờ sáng để làm bánh dừa.
Theo bà Đoàn Thị Bé – vợ ông Tư, nghề làm bánh dừa là cái nghề truyền thống của dòng họ và cũng là cái nghiệp mưu sinh của gia đình đến tận bây giờ. Chiếc bánh dừa này ông bà nối nghiệp đã là đời thứ tư. Từ cái nghề làm bánh dừa, mấy chục năm qua ông bà đã nuôi 7 người con khôn lớn, thành đạt, cuộc sống gia đình ngày khấm khá hơn, do vậy gia đình quyết giữ nghề không để mai một theo thời gian.
Để làm ra chiếc những chiếc bánh dừa, mỗi ngày 2 vợ chồng bà Tư phải thức lúc 1 giờ sáng để thực hiện các công đoạn: ngâm và đãi nếp, rồi đến các công đoạn khác như quấn nồng, gói bánh, buộc bánh và hấp bánh... Bánh hấp lúc 3 giờ sáng trong vòng 5 giờ tiếp theo sẽ chín, sau đó vớt ra để nguội rồi giao cho khách. Bánh dừa ông bà Tư làm ra có 2 nhân chủ yếu là nhân chuối và nhân đậu; nhân đậu có nguyên liệu chính để làm bánh là nếp và dừa, đậu xanh, đậu đen; còn nhân chuối thì cũng có nếp, dừa, đậu đen và thêm chuối. Ngoài kích cỡ và nhân truyền thống, khi khách đặt hàng, ông bà Tư cũng xuất lò mẻ bánh theo yêu cầu. Cứ mỗi ký nguyên liệu, ông bà làm ra chừng 30 chiếc bánh dừa. Bình quân mỗi tháng, gia đình tiêu thụ khoảng 500kg nếp, gần 200kg đậu (đậu đen và đậu xanh), gần 400kg chuối và gần 500 trái dừa - là các nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh dừa.
Ông Tư bên mẻ bánh dừa Giồng Luông vừa ra lò.
Bánh dừa Giồng Luông được gói từ lá cây dừa nước non, còn gọi là cà bắp, phần sống lá làm dây buộc bánh. Để thành phẩm một chiếc bánh dừa Giồng Luông thơm ngon và đẹp mắt người làm bánh cũng cần phải khéo tay và tỉ mỉ. Bánh dừa chín nhờ sức nóng từ hơi nước, do vậy người làm bánh phải làm nồng kín, buột dây chặt thì khi hấp nước mới không ngấm vào bên trong. Hiện tại mỗi ngày ông bà Tư làm chừng 800 bánh cho các mối trong, ngoài huyện; mỗi chục bánh (12 cái) ông bà bỏ mối 30 ngàn đồng. Những lúc cao điểm như lễ, tết, ông bà làm từ 1.000 đến 1.200 bánh mỗi ngày. Bánh muốn ngon, phải ăn khi bánh vừa nguội khi được lấy từ lò hấp ra mới cảm nhận hết hương vị vốn có của nó. Khi ấy, bánh ngọt vừa, nếp dẻo, béo vị cốt dừa, bùi vị đậu, thơm mùi chuối chín tự nhiên. Bánh có thời hạn sử dụng 3 - 4 ngày trong điều kiện bảo quản thường, khoảng 30 ngày nếu bảo quản lạnh. Nhờ chăm chút, tỉ mỉ trong từng công đoạn mà bánh dừa của gia đình ông Tư luôn làm hài lòng thực khách và duy trì, phát triển, bền vững cho đến nay. Ông Huỳnh Văn Tư cho haY, bánh này gia đình bỏ mối ở Bình Dương, Bình Phước, Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh… cũng như các địa phương trong huyện. Bánh có chất lượng, nên bà con tìm đến mua để ăn nhiều. Vợ chồng ông bà thường bảo ban nhau cố gắng giữ chất lượng bánh “trước sau như một” để quảng bá thương hiệu bánh dừa Giồng Luông truyền thống.
Thời gian qua, các cấp chính quyền trong huyện, cũng như xã Đại Điền quan tâm đẩy mạnh việc giới thiệu sản phẩm bánh dừa Giồng Luông đến du khách gần xa, không chỉ trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh, ngoài nước để nhiều người biết và thưởng thức. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Điền cho biết, hưởng ứng Tuần lễ Văn hóa – Thể thao và Du lịch biển Thạnh Phú năm 2023 tới đây, xã Đại Điền sẽ mang các sản phẩm đặc trung của địa phương tham gia trưng bày, trong đó có lạp xưởng Giồng Luông và bánh lá dừa Giồng Luông. Địa phương muốn mang các sản phẩm này quảng bá, lam tỏa sản phẩm đến du khách. Hướng tới, xã sẽ xây dựng 2 sản phẩm OCOP mang thương hiệu Giồng Luông là Bánh dừa Giồng Luông và Lạp xưởng Giồng Luông”./.
Bài, ảnh: Minh Mừng