Ngày đăng: 03-08-2023     Tác giả: Huy Phục     Chuyên mục: CUỘC THI SÁNG TẠO TTNNĐ

Vào một sáng tháng 5/2023, tôi làm một chuyến hành trình về Mỏ Cày Bắc trong lúc những hạt sương còn đọng long lanh trên lá, để họp Hội đồng Giám khảo vòng sơ khảo chấm Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bến Tre năm 2023. Bước vào Hội trường, trường Tiểu học Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc ánh rực những sắc màu các sản phẩm dự thi được trưng bày. Đi một vòng qua các sản phẩm được trưng bày, tôi dừng lại xem Mô hình “Nhớ ơn Anh hùng Nguyễn Văn Tư” của tác giả Đặng Anh Thư lớp 62, Trường THCS Nguyễn Văn Tư, huyện Mỏ Cày Bắc.

Tôi biết Đặng Anh Thư khi em còn là học sinh Trường Tiểu học 1, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, đó là năm đầu tiên tôi chấm sản phẩm dự thi của em, Vì Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh phân công tôi làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo lĩnh vực Đồ dùng dành cho học tập; năm đó, em dự thi Mô hình “Vòng đời con Muỗi”, mô hình được thiết kế có hệ thống bằng sơ đồ vòng đời con Muỗi, nhìn vào sơ đồ giáo viên sẽ giảng bài này rất sinh động mà không cần sử dụng giáo trình. Em trả lời câu hỏi phỏng vấn của tôi rất tự tin, rất đặc sắc nên cả hội đồng đều đồng ý trao giải cho em. Trong các năm học, ở bậc Tiểu học năm nào em cũng có sản phẩm dự thi đạt giải thưởng vòng tỉnh, cao nhất là giải nhì.

Hôm chấm vòng sơ khảo, tôi đặc câu hỏi vì sao em làm sản phẩm dự thi “Nhớ ơn Anh hùng  Nguyễn Văn Tư”?  Em trả lời: Em là học sinh lớp 62, vừa bước vào ngôi trường mới, một cấp học mới, em đã rất ấn tượng với ngôi trường mang tên vị anh hùng Nguyễn Văn Tư. Thông qua tiết sinh hoạt Đội, em được thầy Tổng phụ trách giới thiệu về tấm gương của anh hùng Nguyễn Văn Tư và những chiến công vang dội của anh. Càng học tập và tìm hiểu em càng cảm thấy rất khâm phục về tinh thần luôn chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước của anh. Và em lại càng khâm phục hơn về cách đánh giặc của anh bằng “binh đoàn ong vò vẽ” thật sáng tạo và hiệu quả. Với mong muốn giới thiệu tuyên truyền sâu rộng hơn nữa cho tất cả học sinh của trường biết nhiều hơn về vị anh hùng tài ba của vùng đất địa phương Tân Thành Bình – Mỏ Cày – Bến Tre, cũng như là lan rộng ra khắp cả nước. Nên em đã tạo ra mô hình “Nhớ ơn anh hùng Nguyễn Văn Tư” như là một lời tri ân những công ơn mà anh đã hi sinh cho vùng đất Bến Tre yêu dấu. Đồng thời mô hình góp phần tăng thêm tính sinh động hấp dẫn trong các buổi học tập và tuyên truyền về anh. Để tấm gương của anh được mãi sáng ngời cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo.

 

 

Theo em, trước đây, các tài liệu tìm hiểu học tập về anh hùng Nguyễn Văn Tư chủ yếu là kênh chữ viết và rất ít hình ảnh. Vì vậy nên, mô hình sẽ mô tả thật sinh động và hấp dẫn về tiểu sử, các chiến công đánh giặc bằng ong vò vẽ kết hợp chông mìn của anh hùng Nguyễn Văn Tư. Qua đó, giúp học sinh dễ tiếp thu và hứng thú hơn trong giờ học. Học sinh sẽ tự hào hơn khi học ở ngôi trường mang tên Nguyễn Văn Tư và từ đó sẽ ra sức học tập tốt, tham gia phong trào tốt hơn.

Mô hình “Nhớ ơn anh hùng Nguyễn Văn Tư” là sự mới lạ góp phần làm phong thêm các hình thức để xây dựng hình ảnh về vị anh hùng dân tộc mà ngôi trường được vinh dự mang tên. Nhằm nâng cao hiệu quả tính tuyên truyền, giáo dục học sinh.

Mô hình được thiết kế như quyển sách nên rất tiện lợi cho các em sử dụng trong giờ học lịch sử địa phương, giờ sinh hoạt Đội. Đồng thời các chất liệu tạo ra mô hình là ở dạng khô nên mô hình rất nhẹ nhàng, dễ bảo quản và phù hợp với việc vận chuyển.

Với các chất liệu thật đơn giản và gần gũi, dễ tìm kiếm như xơ dừa, lá chuối khô,… Và khi kết hợp chúng lại với nhau sẽ tạo ra mô hình sống động, bền đẹp tự nhiên. Là mô hình nói về anh hùng Nguyễn Văn Tư đầu tiên được thực hiện với chất liệu sẵn có tại địa phương. Nhưng lại có tác dụng rất lớn là vừa làm đồ dùng dạy học môn Sinh hoạt đội, Lịch sử địa phương. Vừa là phương tiện giúp tuyên tuyền giới thiệu về anh hùng Nguyễn Văn Tư trong các buổi học tập, sinh hoạt đầu năm của nhà trường dành cho các học sinh.

Chính sản phẩm của em đã góp phần cho môn học giáo dục lịch sử địa phương thêm sinh động và hấp dẫn.

Vài nét về Anh hùng Nguyễn Văn Tư, tên khai sinh là Nguyễn Thành Ngọc (1935-1964), quê tại ấp Thành Hóa 1, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, (nay là Mỏ Cày Bắc), tỉnh Bến Tre. Ông xuất thân từ gia đình nông dân cần cù, yêu nước, bám đất giữ làng trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Gia đình có 11 anh chị em ruột đều tham gia cách mạng, 3 người đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Là người thông minh nên ông Tư luôn sáng tạo ra cách đánh địch phù hợp, bất ngờ.

Từ năm 1960 đến tháng 10 năm 1964, Nguyễn Văn Tư đã tham gia hơn 200 trận chiến đấu của quân dân ta, tiêu diệt 6 tên giặc, bắt sống 1 tên ác ôn, làm bị thương 113 tên khác, phá 3 xe quân sự của giặc, phá hủy nhiều súng đạn và máy bay của giặc. Nguyễn Văn Tư là chiến sĩ du kích đánh độc lập trong tay chỉ có vũ khí thô sơ. Nhờ sự thông minh, nhanh nhẹn đồng chí đã nghĩ ra việc dùng ong vò vẽ đánh lại quân giặc.

Tháng 8 năm 1962, do hiểu rõ được quy luật đi về của quân giặc, anh đã chỉ huy một đội du kích phục kích gần đồn của giặc, đợi khi bọn lính ra khỏi đồn đi càn quét, tận dụng cơ hội đội quân du kích do anh phụ trách xông vào giết chết tên đồn trưởng, tịch thu được rất nhiều vũ khí và an toàn quay về. Tháng 6 năm 1963, Nguyễn Văn Tư lần đầu có lựu đạn, anh đã nghĩ ra một cách đánh là đặt quả mìn giả lên trên và gài lựu đạn thật bên dưới, để lừa quân giặc. Khi quân giặc nhìn thấy, chúng liền gỡ quả mìn giả thì bị lựu đạn thật nổ giết chết 1 tên và3 tên khác bị thương.

Đặc biệt, anh còn nghĩ cách huấn luyện được ong vò vẽ kết hợp cùng vũ khí thô sơ để đánh địch. Để có những tổ ong vò vẽ, ông Tư phải vào trong vườn lùng hàng tuần, khi bắt những tổ ong còn nhỏ về nuôi, kết hơp tiến hành xây dựng trận địa phục kích để khi địch hành quân vào địa hình để đánh. Hằng ngày ông cho ong ăn thịt trâu, thịt bò cho chúng mau lớn. Sau đó, ông chỉ huy binh đoàn đặc biệt này, kết hợp với trận địa chông, mìn đánh địch rất hiệu quả. Ông nối tổ ong với một sợi dây dài, khi địch lọt vào ổ phục kích, từ xa ông giật dây cho ong bay ra rượt bọn địch tới tấp, khiến chúng hoảng loạn đâm đầu chạy mà không biết xung quanh có trận địa đã gài sẵn mìn, hầm chông. Cứ thế, ông Tư cùng với đội quân cảm tử này lập rất nhiều chiến công.

Những ngày đầu mới dùng ong vò vẽ đánh giặc, sau khi đánh xong thường bị mất luôn tổ ong, vì nếu lại thu ổ ong về sẽ bị chúng xông vào cắn. Ông Tư lại nghĩ ra một cách có thể đưa những “chú lính” đặc biệt này về để phục vụ những trận đánh khác bằng cách hàng ngày ông treo quần áo của mình gần ổ ong, ong quen mùi nên không đốt ông Tư nữa. Có những lần ông cải trang gánh ong ra chợ đánh Mỹ ngụy giữa ban ngày trong lúc đông người.

Kỳ lạ là ong không đốt dân, lý do vì sao thì lúc đó chỉ có ông Tư biết. Sau này, khi cách đánh này hiệu quả, ông Tư mới cho biết là ông thường xuyên đem quần áo đen trắng, khăn rằn, nón lá treo xung quanh các tổ ong nuôi trong vườn, ong tiếp xúc hàng ngày, quen hơi, quen màu sắc nên rất thân thiện Khi đem những quần áo, nón sắt của lính Mỹ, ngụy treo gần các tổ ong thì lập tức chúng bay đến đốt rất ác chiến vì đồ khác màu, khác mùi".

Áp dụng kế này trong 30 trận đánh và đã làm bị thương và giết chết được 50 tên. Đồng chí còn luôn vận động nhân dân đứng lên đấu tranh, nổi dậy phá vỡ ấp chiến lược quay trở về làng tham gia sản xuất và chế tạo vũ khí đánh giặc. Ngày 26 tháng 10 năm 1965, khi đang cùng đội quân du kích đang chiến đấu đánh giặc, không may bị quân giặc bắn gãy một chân và bị chúng bắt, đồng chí bị chúng dùng cực hình tra tấn một cách dã man, nhưng anh vẫn không khuất phục cho đến hơi thở cuối cùng.Ngày 5 tháng 5 năm 1965, Đồng chí Nguyễn Văn Tư đã được Đảng, nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đặc biệt, với sáng kiến nuôi ong vò vẽ, ông Tư cùng đội du kích xã Tân Thành Bình đã lập nhiều chiến công, hạ gục giặc, thu gom nhiều vũ khí của địch, chi viện cho bộ đội địa phương huyện Mỏ Cày. Lối đánh giặc rất hiệu quả bằng ong vò vẽ đã nhanh chóng được phổ biến nhân rộng trên khắp chiến trường miền Nam trong khoảng thời gian từ năm 1962. Chỉ tiếc là người "chỉ huy" đội quân đặc biệt này không thể sống cùng với đội quân của mình đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Ngày 26/10/1964, khi lực lượng địch hành quân về ấp Thành Hóa 1, nơi ông và các đồng đội đang đóng quân. Lực lượng địch đông cùng với vũ khí hiện đại nên ông Tư cho ém quân, chờ thời cơ chứ không tổ chức đánh.

Sau đó, địch rút êm và bí mật cài lại bốn tên. Không nắm được hết âm mưu của địch, ông Tư đã bị địch phục kích bắn chết tại chỗ, sau đó chúng nắm hai chân kéo ông bê bết trên lộ đá về đến bốt cầu Chợ Xép và chôn tại đó. Khi chôn xác ông, chúng còn cài hai quả lựu đ.ạn bên cạnh để gia đình không thể đem xác về an táng. Sau ngày đất nước giải phóng, hài cốt ông được cải táng đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre.

Tên ông được ghi đầu tiên trong danh sách các anh hùng, liệt sĩ tại nhà bia liệt sĩ xã Tân Thành Bình.

Huy Phục