Tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn mặn mùa khô 2023-2024 trong lĩnh vực thủy sản
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016, dự báo mặn bắt đầu xâm nhập trên các sông chính từ nửa cuối tháng 11 năm 2023.
Để ứng phó kịp thời với hạn hán, xâm nhập mặn gây ra và giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trong mùa khô năm 2023-2024, Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre vừa có văn bản đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện phối hợp tập trung thực hiện các giải pháp để phòng, chống hạn mặn và hướng dẫn người dân một số giải pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong lĩnh vực thủy sản.
Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh hiện nay trên 47.000 ha
Theo đó, các địa phương cần chủ động theo dõi thời tiết, thủy văn; cập nhật thông tin diễn biến mực nước, mức độ hạn và xâm nhập mặn; cập nhật kết quả quan trắc môi trường để kịp thời phổ biến, tuyên truyền đến người dân biết, chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi trồng thủy sản, điều chỉnh thời gian thả giống và mật độ nuôi cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện, tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương, khuyến cáo người dân không nên nuôi thủy sản tại những nơi không đảm bảo điều kiện sản xuất.
Cần nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi để tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, thoát nước, khoanh vùng khả năng thiếu nước, chuẩn bị vật tư, nhiên liệu bơm, trữ nước ngọt bổ sung cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra, nâng cấp hệ thống cống điều tiết nước và có chế độ điều tiết nước chủ động ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đặc biệt là vùng nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa, cần hạn chế tối đa nhiễm mặn cục bộ. Đồng thời, khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi ít thay nước, chăm sóc và quản lý chặt chẽ môi trường nuôi, quản lý thức ăn và tăng cường sử dụng vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên, giảm chi phí sản xuất.
Người dân chủ động dự trữ nước và có kế hoạch thả giống phù hợp
Đối với nuôi tôm nước lợ, việc lựa chọn giống tôm phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt, thực hiện ương giống trước khi thả nuôi thương phẩm, chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 300C (sáng sớm hoặc chiều mát) với mật độ hợp lý tùy theo từng hình thức nuôi, trong quá trình nuôi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để đảm bảo sức khỏe tôm nuôi và giữ môi trường bền vững. Đối với nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, cần duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,3-1,5m; nếu cần cấp bổ sung nước thì phải lấy nước từ ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi. Đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và không để thiếu oxy cục bộ và duy trì các yếu tố môi trường hợp lý (độ mặn: 10-25‰; O2: >3mg/l; pH: 7,5-8,5; độ kiềm: 80-150mg/l).
Về nuôi Nghêu, Sò trong bãi triều, người dân chỉ nên thả nuôi trong vùng có điều kiện môi trường thích hợp cho sinh trưởng và phát triển như: gần cửa sông, bằng phẳng, độ dốc thấp; thời gian phơi bãi không quá 4-5 giờ/ngày; độ mặn thích hợp từ 15-25‰, không nên thả giống mật độ quá dày, phù hợp từ 180-200 con/m2, cỡ giống nuôi 400-600con/kg. Bên cạnh đó, người nuôi cần theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, độ mặn...) nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường để có giải pháp phù hợp như: san thưa (chỉ san thưa khi cần thiết, thực hiện khi thủy triều xuống và hoàn thành trước khi phơi bãi), di dời đến vùng an toàn hoặc thu hoạch khi đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Đối với nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi lồng/bè, người nuôi cần chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ và có kế hoạch thả giống phù hợp, quản lý môi trường ao nuôi chặt chẽ, đặc biệt là quản lý thức ăn, trong khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các Vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng; tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, đáy ao nuôi, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên; đồng thời chủ động thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm trước khi xâm nhập mặn tăng cao.