Ngày đăng: 15-03-2024     Tác giả: Thạch Thảo     Chuyên mục: SẢN PHẨM KH&CN

Cây dưa lưới rất khó trồng, chăm sóc rất nhiêu khê, với sáng kiến “Quy trình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp” được UBND tỉnh công nhận là hiệu quả, hai giáo viên tại huyện Chợ Lách đã giúp cho công việc trồng dưa lưới trở nên dễ dàng, đem lại lợi nhuận cao.   

Trồng dưa lưới thời 4.0

Các phương pháp trồng dưa lưới thường thấy như mô hình dưa lưới trong các nhà màng, cây được trồng trong các giá thể (bầu) lớn và được lót bạt cao su trên đất nên cây không tiếp xúc trực tiếp đất có nhược điểm tốn nhiều giá thể và nhân công trước khi gieo trồng và sau khi thu hoạch. Với đam mê nghiên cứu khoa học, hai giáo viên tại huyện Chợ Lách là ông Đỗ Văn Ro - Giáo viên Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Lách và bà Nguyễn Thị Xuân Trang - Giáo viên Trường Trung học Cơ sở Long Thới, huyện Chợ Lách đã tìm hiểu, ứng dụng thành công mô hình trồng dưa lưới ứng dụng chuyển đổi số.

Cây dưa được trồng trong các ống trồng, rễ cây lơ lửng trong khoang chứa dung dịch dinh dưỡng. Dung dịch dinh dưỡng thủy canh phải chứa đầy đủ các nguyên tố cần thiết. Có tất cả 11 loại phân hóa học cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây dưa lưới, chúng cần được pha hỗn hợp các chất tương thích với nhau. Ông Đỗ Văn Ro đại diện nhóm tác giả cho biết: “Chúng tôi áp dụng phần mềm HydroBuddy v1.50 giúp việc pha trộn hàm lượng giữa các loại phân đảm bảo chính xác. Nếu pha trộn phân không đúng tiêu chuẩn sẽ gây ra hiện tượng phân bị kết tủa, làm mất dinh dưỡng dẫn đến không sử dụng được. Phân phải được pha thành 2 bồn chứa riêng biệt, còn gọi là bồn A và bồn B để nhóm các loại phân phù hợp với nhau. Ngoài ra, còn có thêm bồn chứa đựng dung dịch tăng pH và bồn chứa giảm pH trong nước để điều chỉnh nước cung cấp cho cây trồng luôn ổn định ở thông số pH từ 6.0-6.5”.

Trồng dưa lưới bằng phương pháp thủy canh hoàn toàn trong nhà màng còn tích hợp thêm công nghệ chuyển đổi dữ liệu, để điều khiển sự sinh trưởng phát triển của cây qua điện thoại thông minh có kết nối internet. Bộ điều khiển chuyển đổi số là bộ điều khiển để chuyển đổi hàm lượng dinh dưỡng trong nước, độ pH hiện có trong nước và nhiệt độ hiện tại qua các thông số cụ thể, nhằm giúp cho người dùng biết để điều chỉnh theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Bên cạnh đó, bộ điều khiển này còn được chuyển dữ liệu đến tất các điện thoại thông minh và máy tính bảng khi có kết nối internet. Người dùng có thể cài đặt và điều khiển nồng độ dinh dưỡng (phân), pH, và nhiệt độ trong nước hàng ngày ở bất kỳ nơi đâu khi thiết bị có kết nối internet.

 

Vườn dưa lưới tại xã Hưng Khánh Trung B được trồng theo quy trình thủy canh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp (T.Thảo)

 

Hiệu quả được công nhận

“Quy trình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp” được ông Đỗ Văn Ro và bà Nguyễn Thị Xuân Trang trồng thử nghiệm 5 vụ trên nhiều giống dưa khác nhau. Sau khi thu hoạch, dưa lưới được bảo quản nơi thoáng mát với thời gian đảm bảo chất lượng quả từ 15 ngày trở lên và 25 ngày nếu để trong ngăn mát tủ lạnh. Độ ngọt dưa lưới trung bình từ 15 đến 16 độ Brix.

Dưa lưới là cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định; năng suất canh tác cao trên một đơn vị diện tích trong nhà màng. Với vườn dưa lưới tại trồng thử nghiệm tại xã Hưng Khánh Trung B, nhóm tác giả sử dụng diện tích đất 500m2 trồng 1.500 cây dưa lưới. Sản lượng sau khi thu hoạch đạt hơn 2 tấn/vụ/70 ngày trồng. Giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, giúp người trồng thu về khoảng 320 triệu đồng, trong đó, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Chia sẻ về khó khăn khi nghiên cứu “Quy trình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp”, ông Đỗ Văn Ro cho hay:Thời gian đầu chúng tôi gặp khó khăn khi áp dụng phần mềm HydroBuddy v1.50, do phần mềm tính toán hàm lượng dinh dưỡng dựa trên các sản phẩm phân phù hợp với điều kiện cây trồng ôn đới. Chúng tôi đã cải tiến tăng, giảm giữa các loại phân với nhau cho ra một công thức pha trộn phân riêng biệt phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới riêng biệt cho vùng Nam Bộ và tỉnh Bến Tre”.

Đánh giá về hiệu quả về môi trường, “Quy trình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp” giúp giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không gây ô nhiễm môi trường đất và nước do quy trình trồng thủy canh luôn được khép kín, tiết kiệm gấp 3 lần lượng nước theo phương pháp tưới nước nhỏ giọt hoặc trồng trên đồng ruộng.

Ngày 4-1-2024, UBND tỉnh có quyết định công nhận hiệu quả và phạm vi áp dụng trên địa bàn tỉnh đối với sáng kiến “Quy trình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp” của ông Đỗ Văn Ro - Giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục Nghề nghiệp huyện Chợ Lách và bà Nguyễn Thị Xuân Trang - Giáo viên Trường Trung học Cơ sở Long Thới, huyện Chợ Lách. Quyết định của UBND tỉnh nêu rõ: “Hiệu quả sáng kiến: ứng dụng công nghệ 4.0 để thiết lập cơ sở dữ liệu về hàm lượng dinh dưỡng, độ pH, nhiệt độ hiện hữu có trong nước chuyển đến điện thoại thông minh nhằm giúp cho người nông dân nhận biết, để kịp thời điều chỉnh dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây dưa lưới một cách chính xác và khoa học. Sáng kiến tạo sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không gây ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững”.