Ngày đăng: 19-06-2024     Tác giả: Đông Quân     Chuyên mục: SẢN PHẨM KH&CN

Ngày 03-6-2024, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 438/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00139 cho sản phẩm nghêu “Bến Tre”. Đến nay địa phương có đến 09 Chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, gồm chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” đối với dừa Diêm Xanh, bưởi Da Xanh, tôm Càng Xanh, cua Biển, Nghêu, Chôm Chôm, xoài Tứ Quý, chỉ dẫn địa lý “Cái Mơn” đối với sản phẩm Sầu Riêng và “Thạnh Phú” cho sản phẩm Gạo. Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre là tổ chức quản lý tấc cả các chỉ dẫn địa lý này.

Tại Việt Nam, loài nghêu trắng phân bố tự nhiên chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ như Cần Giờ (Tp. Hồ Chí Minh), Gò Công (Tiền Giang), Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú (Bến Tre), Cầu Ngang, Duyên Hải (Trà Vinh), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), Ngọc Hiển (Cà Mau). Nghêu trắng phân bố ở những vùng có nền đáy cát hoặc cát bùn chủ yếu ở vùng trung triều tới hạ triều, nơi có độ dốc tương đó bằng phẳng.

 

Nghêu tươi

 

Việt Nam có nhiều vùng nuôi nghêu nhưng đến năm 2022 mới chỉ có duy nhất “Nghêu Bến Tre” được cấp Chứng nhận MSC vào năm 2009. Đây là chứng nhận do Hội đồng Biển Quốc tế về khai thác thủy sản bền vững, còn gọi là Hội đồng Quản lý Biển (Marine Stewardship Council - MSC) cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Chứng nhận này có giá trị 5 năm và đã được gia hạn lần thứ 2 đối với “Nghêu Bến Tre” từ năm 2016-2021. Không chỉ ở trong nước, “Nghêu Bến Tre” còn là sản phẩm thủy sản đầu tiên ở Đông Nam Á đạt chứng nhận MSC. Theo Ông Rupert Howes, giám đốc điều hành MSC nói: “Đây là một sự kiện lịch sử – nghề cá quy mô nhỏ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, quản lý dựa vào cộng đồng được nhận chứng nhận MSC”. Chứng nhận MSC đã giúp cho nghêu Bến Tre mở rộng xuất khẩu sang các thi trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Diện tích nghêu tỉnh Bến Tre có gần 2.854 ha nghêu thương phẩm do 7 hợp tác xã quản lý chủ yếu các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại, gồm các hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, Đồng Tâm (huyện Bình Đại), An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thuận (huyện Ba Tri), Thạnh Lợi, Bình Minh (huyện Thạnh Phú) và các tập đoàn nghêu, với gần 20.000 xã viên, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong số đó, nghêu giống đạt trên 580 ha, nghêu thịt hơn 2.248 ha cho sản lượng đạt gần 4.500 tấn. Tiềm năng về diện tích nghêu ở Bến Tre đạt 15.000 ha, khả năng diện tích có thể phát triển là 7.164 ha.

Nghêu Bến Tre gồm có: nghêu tươi, nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh và thịt nghêu hấp chín đông lạnh. Về cảm quan, nghêu tươi có màu vỏ trắng, trắng ngà, khoảng cách giữa các vân sinh trưởng đều. Nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh có màu sắc thịt trắng, trắng đục. Thịt nghêu hấp chín đông lạnh có màu trắng, trắng ngà. Nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh và thịt nghêu hấp chín đông lạnh có mùi thơm, không có mùi hôi.

 

 

Nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh

 

Về chất lượng, nghêu tươi có tỷ lệ thịt/khối lượng cơ thể từ 7,05 - 7,21%, hàm lượng Axit Glutamic từ 17,7 - 18,2 mg/kg, hàm lượng Lipid từ 1,54 - 2,15%. Nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh có tỷ lệ thịt/khối lượng cơ thể từ 6,95 - 7,01%, hàm lượng Axit Glutamic từ 16,55 - 17,12 mg/kg, hàm lượng Lipid từ 0,93 - 1,32%. Thịt nghêu hấp chín đông lạnh hàm lượng Axit Glutamic từ 16,05 - 16,25 mg/kg, hàm lượng Lipid từ 0,74 - 0,95%.

 

 

Thịt nghêu hấp chín đông lạnh

 

Nghêu Bến Tre có được đặc thù và danh tiếng như vậy là nhờ điều kiện tự nhiên và kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình nuôi nghêu của người dân địa phương.

Khu vực địa lý là những bãi triều gần cửa sông, địa hình bằng phẳng, không có dòng nước ngọt đổ vào trực tiếp, thời gian triều kiệt trong ngày từ 6 - 8 giờ, tỷ lệ cát trong chất đáy của bãi trên 90%, tỷ lệ bùn dưới 10%, thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn, dồi dào và phong phú các loài sinh vật phù du là nguồn thức ăn quanh năm cho nghêu ở Bến Tre, nhờ đó, thịt nghêu ở Bến Tre có thành phần dinh dưỡng cao.

 

Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với CDĐL “Nghêu Bến Tre”

 

Bến Tre có chế độ bán nhật triều (2 lần nước lên và 2 lần nước xuống trong ngày) nên thời gian phơi bãi (nước cạn) ngắn, ít bị ảnh hưởng của bão nên nghêu Bến Tre có tình trạng sức khỏe tốt, vân sinh trưởng đều.

Nhiệt độ và độ mặn nước biển tại Bến Tre là 2 yếu tố môi trường sinh thái quan trọng để nghêu tồn tại, sinh trưởng và phát triển tốt. Do Bến Tre không có mùa Đông nên khu vực nuôi không bị biến động nhiệt lớn giữa các ngày trong tháng và giữa các tháng trong năm, độ mặn nước biển tại các bãi nuôi nghêu dao động từ 15-30‰, ít xảy ra tình trạng cực đoan về độ mặn, nhờ đó, nghêu Bến Tre có khả năng sống sót, sinh trưởng và phát triển tốt.

Thành phần cơ giới chất đáy nền bãi nuôi nghêu tại Bến Tre chủ yếu là cát trong khi tàn dư thực vật trên nền đáy không cao do độ che phủ của rừng ngập mặn ở mức trung bình, vì vậy, hàm lượng các chất gốc SO4, CH4 trong thức ăn của nghêu tại bãi nuôi thấp. Yếu tố này góp phần giúp thịt nghêu Bến Tre có mùi thơm, không tanh và hôi như các vùng có tỷ lệ bùn cao trong chất đáy nền.

Nhờ mật độ nuôi nghêu thấp, khai thác bãi nghêu luân phiên (nuôi trong 18 tháng và ngừng nuôi trong 6 tháng) nên bãi nuôi nghêu tại Bến Tre có thời gian phục hồi nguồn thức ăn tự nhiên. Nghêu Bến Tre được thu hoạch thủ công bằng tay, chỉ thu những cá thể đạt kích cỡ thương mại (từ 50-60 con/kg). Vì vậy, “Nghêu Bến Tre” sau thu hoạch có trạng khái khỏe, thịt chắc.

Khu vực địa lý bao gồm: Xã Thạnh Phong, xã Thạnh Hải thuộc huyện Thạnh Phú; xã Thới Thuận, xã Thừa Đức thuộc huyện Bình Đại; xã Bảo Thuận, xã An Thủy, xã Tân Thủy thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.