Ngày đăng: 05-04-2024     Tác giả: Hồ Văn Lập - Trung tâm Khuyến nông và TVDVNN     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Ngày 16-3-2024, UBND tỉnh Bến Tre đã có Công văn số 1551/UBND-KT về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn và hiện nay tình hình xâm nhập mặn đã bước vào cao điểm của mùa khô năm 2023-2024 và sẽ kéo dài đến tháng 5 năm nay, trước khi mùa mưa bắt đầu.

Dựa trên tình hình thực tế tại các vùng trồng chôm chôm, sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, chúng tôi khuyến cáo nông dân lựa chọn một số giải pháp phù hợp ứng phó với hạn mặn trong thời gian tới như sau:

Đối với các vườn ươm cây giống cần khẩn trương dùng bạt lót các mương vườn, ao chứa chủ động bơm nước ngọt dự trữ  để giải quyết nước tưới cho vườn ươm. Về lâu dài cần dành khoảng 10% diện tích vườn giống để làm ao chứa nửa nổi nửa chìm sâu khoảng 3-4 mét có lót màng nhựa HDPE chuyên dụng (màng nhựa lót ao tôm) để trữ nước ngọt dự phòng sử dụng trong mùa nắng.

Đối với các vườn chôm chôm, sầu riêng tùy theo vị trí xa, gần bến sông có thể cung ứng nước ngọt trong mùa nắng khi nước mặn xâm nhập vùng trồng mà có phương án giải quyết khác nhau.

Các vườn xa sông nhất thiết phải lót bạt trong ao, mương vườn để trữ ngọt khẩn cấp để đáp ứng nước tưới trong thời gian mùa khô còn lại trước khi mùa mưa bắt đầu. Về lâu dài cần dành khoảng 10% diện tích vườn làm ao chứa nước ngọt giải quyết nước tưới trong mùa nắng như các vườn ươm.

Các vườn tiếp giáp sông lớn sà lan chở nước ngọt có thể tiếp cận được thì dùng phương án cấp nước ngọt qua sà lan. Các vườn này cần lắp đặt đường ống hoàn chỉnh đưa nước từ sà lan vào vườn kết nối với mương chứa và hệ thống tưới trong vườn để chủ động cung cấp đầy đủ nước ngọt kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm.

Điều cần chú ý là ngoài việc tưới đủ nước cho cây, nhà vườn còn phải duy trì nước mương không bị khô đáy để tránh bị xì phèn gây độc cho cây.

Ngoài giải quyết nước tưới, nông dân còn phải bón vôi khử chua cho đất vườn; vì qua khảo sát, đa số các vườn cây trong vùng pH đất đều ở mức rất thấp từ dưới 4 đến dưới 3 (nghĩa là đất rất chua) do sự tích lũy các gốc phân bón hóa học gây chua và bị xì phèn. Hậu quả của đất quá chua gây ra là rễ cây bị chết, các loại dưỡng chất ở trạng thái tan kém dẫn đến cây không hút được nước và phân bón làm cho lá cây bị cháy do mất nước, cây bị thiếu dinh dưỡng. Khi cây suy yếu nấm bệnh thán thư, bệnh xì mủ thân và bệnh thối rễ cũng tấn công làm chết cây.

 

Cây chôm chôm bị cháy lá ứng với pH đất dưới tán cây là 3,4

 

Cây sầu riêng bị cháy lá nặng khi pH đất dưới tán cây là 3,2

 

Lượng vôi cần bón tùy theo pH đất đo được theo bảng 1 dưới đây:

 

Ngoài vôi, nhà vườn cũng cần bón thêm lân nung chảy, phân hữu cơ và phân NPK để bổ sung các chất dinh dưỡng. Đặc biệt là lân, canxi, ma giê và silic trong lân nung chảy giúp cây tăng tính chống chịu trong thời gian bị hạn mặn. Liều lượng phụ thuộc tuổi cây trong vườn, được tóm tắt qua bảng 2:

 

Nhà vườn cũng cần tăng cường đậy liếp giữ ẩm cho đất bằng cỏ xanh, rơm hoặc từ lá cây rụng trong vườn.

Ở những vườn cây đang mang trái, nếu đánh giá không đủ nước tưới để nuôi trái, nhà vườn cần cắt hủy trái để cây giảm nhu cầu nước nhằm cứu vườn cây khỏi bị chết.

Trên đây là một số giải pháp giúp vườn cây vượt qua hạn mặn trong mùa khô năm nay. Chúc nhà vườn bảo vệ thành công vườn nhà của mình góp phần ổn định thu nhập cho gia đình./.

:)