Ngày đăng: 04-04-2025     Tác giả: Quang Thông     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

1. Lừa đảo tham gia đầu tư chứng khoán ảo, tiền ảo, đa cấp... sau đó khóa, báo cháy tài khoản hoặc đánh sập sàn giao dịch

Dấu hiệu nhận biết

Các đối tượng chủ động tiếp cận, giới thiệu, quảng cáo về trang web hoặc sàn giao dịch thu được lợi nhuận cao để người dân tìm hiểu, tham gia. Nạn nhân thường được đưa vào các nhóm kín trên mạng xã hội (Zalo, Telegram...) có nhiều tài khoản ảo đóng vai “chuyên gia đọc lệnh”, “thầy hướng dẫn”, thành viên cùng tham gia đầu tư.

Đối tượng sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để đóng vai là người đầu tư cùng tham gia nhóm kín, thường xuyên đăng tin chuyển tiền thành công hoặc đã nhận được lãi suất từ sàn đầu tư sau khi làm theo hướng dẫn của các “chuyên gia” nên mặc dù nạn nhân có nghi ngờ bị lừa đảo nhưng vẫn tin tưởng vào người bạn của mình nên tiếp tục chuyển tiền.

Biện pháp phòng tránh

Cảnh giác khi tham gia đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo... vào các sàn giao dịch trực tuyến trên mạng không rõ thông tin hoặc thông tin có dấu hiệu giả mạo.

Tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ về đầu tư tài chính trên mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về đầu tư chứng khoán, tài chính; không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc; không chuyển tiền cho các tài khoản cá nhân, doanh nghiệp khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin.

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đầu tư tài chính trên không gian mạng, chỉ nên tham gia đầu tư những sàn giao dịch uy tín các nguồn thông tin chính thống từ website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng. Trước khi đầu tư, nên đến trực tiếp văn phòng của các sàn giao dịch để được tư vấn, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin.

2. Giả danh Cơ quan Công an để lừa đảo

Dấu hiệu nhận biết

Đối tượng xưng danh là Công an xã, phường, thị trấn, thông báo đề nghị người dân bổ sung hoặc sửa đổi dữ liệu thông tin cá nhân để chuẩn hóa theo quy định của pháp luật hiện hành.

Yêu cầu người dân truy cập vào các đường dẫn giả mạo, tải ứng dụng chứa mã độc (các ứng dụng giả mạo thời gian gần đây như “ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ’, “DỊCH VỤ CÔNG” ...) để chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử hoặc các tài khoản ngân hàng, thuê bao di động...

Trong một số trường hợp, các đối tượng sử dụng công nghệ “deepface” gọi video call cho người dân với trang phục Công an để tạo lòng tin với nạn nhân.

Biện pháp phòng tránh

Tuyệt đối không cung cấp thông tin, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ; không truy cập vào các link, cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc và thận trọng khi cấp quyền cho các ứng dụng truy cập thiết bị.

Liên hệ trực tiếp đến Công an phường/xã nơi cư trú khi nhận được yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung thông tin cá nhân.

Lưu ý: Cơ quan chức năng không làm việc qua điện thoại, chỉ làm việc tại trụ sở cơ quan.

3. Mạo danh dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo

Dấu hiệu nhận biết

Các đối tượng thường tạo các trang mạng xã hội, sử dụng hình ảnh, thông tin của các đơn vị Công an, công ty Luật, văn phòng Luật sư…. đăng nhiều thông tin cảnh báo lừa đảo, cắt ghép các phát biểu của một số Luật sư, cán bộ Công an; đưa hình ảnh hoạt động của các công ty Luật và nội dung đã được Bộ Công an, Viện Kiểm sát ủy quyền “thu hồi vốn treo”, “đòi lại tiền bị lừa đảo” để tạo sự tin tưởng cho người dân.

Đưa tài khoản mạng xã hội của người dân vào các nhóm chung với nhiều thành viên đóng vai nạn nhân trong các vụ lừa đảo khác đã lấy được tiền hoặc cũng đang nhờ sự trợ giúp để lấy lại tiền.

Khi người dân đồng ý, chúng sẽ yêu cầu chuyển trước khoản phí dịch vụ; sau đó, chúng lấy nhiều lý do như: cần thêm tiền để hồ sơ được xét duyệt, hồ sơ thiếu thông tin, lỗi hệ thống để yêu cầu người dân tiếp tục chuyển khoản với số tiền lớn hơn và chiếm đoạt số tiền này.

Biện pháp phòng tránh

Không tin vào các lời quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo. Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ vụ việc và làm việc trực tiếp với nạn nhân, không hỗ trợ lấy lại tiền qua mạng.

Không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại khi chưa xác thực chính xác danh tính của người liên hệ với mình. Tuyệt đối không chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định.

4. Lừa đảo tình cảm sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiêm vụ Online

Dấu hiệu nhận biết

Nhận được tin nhắn hỏi thăm từ các tài khoản mạng xã hội (khen hình ảnh đẹp, hỏi thăm khung cảnh, khen ngợi ngoại hình...) với mục đích tiếp cận, làm quen và liên tục hỏi thăm trong một thời gian dài.

Yêu cầu kết bạn thông qua các tài khoản mạng xã hội, đặc biệt là các ứng dụng hẹn hò, như: Tinder, Bumble, Facebook Dating... Các tài khoản kết bạn thường có vỏ bọc “hào nhoáng”, ngoại hình đẹp, cuộc sống giàu có...

Các đối tượng thường xuyên chia sẻ về cuộc sống, sinh hoạt... trong đó, lồng ghép nội dung mình đang làm công việc Online và kiếm được nhiều tiền từ công việc này. Nhiều trường họp, các đối tượng nhờ nạn nhân đăng nhập tài khoản của mình trên sàn đầu tư để làm nhiệm vụ giúp vì lý do đang bận việc cá nhân, mục đích tạo niềm tin cho nạn nhân trước khi rủ nạn nhân tham gia chung.

Khi tham gia đầu tư theo dụ dỗ của đối tượng, nạn nhân có thể nhận được tiền lãi sau một số lần đầu tư ban đầu với số tiền nhỏ. Dần dần hệ thống sẽ yêu cầu nạn nhân đầu tư số tiền lớn hơn hoặc lấy nhiều lý do để “giam tiền” như: Cơ quan thuế nước ngoài phong tỏa, thao tác sai, lỗi giao dịch... và yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền để có thể rút toàn bộ về.

Biện pháp phòng tránh

Cẩn trọng khi tiếp xúc với người lạ trên mạng, đặc biệt là các tài khoản lạ, không có bạn chung, từ nước ngoài,... Không tin tưởng vào những “bạn bè” qua mạng khi chưa gặp mặt và nắm rõ thông tin cá nhân.

Cảnh giác khi được mời tham gia các hệ thống đầu tư Online, công việc đơn giản nhưng có thu nhập cao.

Cần tìm hiểu kỹ về các hoạt động kiếm tiền Online như: Sàn thương mại điện tử, làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng, đầu tư Online...

Cần tìm hiểu thật kỹ thông tin, gặp mặt trực tiếp và xác định chính xác danh tính trước khi đi đến một mối quan hệ với bạn quen qua mạng xã hội.

5. Chiếm đoạt, tạo giả tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, người quen nhắn tin, gọi điện yêu cầu chuyển tiền

Dấu hiệu nhận biết

Nạn nhân nhận được một tin nhắn qua mạng xã hội từ người thân hoặc người bạn trong danh sách bạn bè yêu yêu cầu chuyển tiền.

Đối tượng thường viện lý do như cần tiền trả nợ, đóng viện phí, hoặc gặp tình huống khó khăn để tạo lòng thương và thúc giục bạn chuyển tiền nhanh chóng.

Trong một số trường hợp, tin nhắn từ người thân, bạn bè có sự thay đổi đột ngột trong cách viết, từ ngữ không giống với phong cách thông thường.

Gửi đường link đáng ngờ trong tin nhắn.

Biện pháp phòng tránh

Nếu bạn nhận được một tin nhắn hoặc email đáng ngờ từ người thân, người bạn, hãy thử liên hệ trực tiếp với họ thông qua các phương tiện khác (điện thoại, tin nhắn, email) để xác minh xem tin nhắn đó có phải từ họ hay không. Đừng sử dụng thông tin liên hệ được cung cấp trong tin nhắn đáng ngờ để xác minh.

Thông báo cho bạn bè và người thân trong danh sách bạn bè của bạn về tình huống và cảnh báo họ không nên tin tưởng hoặc phản hồi vào những tin nhắn lừa đảo.

Không click vào đường dẫn lạ do người thân, bạn bè gửi qua mạng xã hội; tìm cách liên lạc trực tiếp với người thân để kiểm tra thông tin.

6. Giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển người mẫu, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu sau đó lôi kéo làm nhiệm vụ Online

Dấu hiệu nhận biết

Đối tượng chủ động tạo lập các trang web, trang Facebook..., lấy danh nghĩa các Công ty truyền thông, trung tâm đào tạo bóng đá, bóng rổ... đăng tin quảng cáo trên mạng xã hội.

Khi người dân liên hệ sẽ được các đối tượng hướng dẫn cung cấp thông tin cá nhân của bản thân và gia đình. Sau đó, các đối tượng gửi đường dẫn để người dân truy cập vào đăng ký tài khoản, làm nhiệm vụ Online, chuyển tiền đặt cọc để hoàn thành nhiệm vụ, nhận lại tiền sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Được mời vào các nhóm kín trên mạng xã hội, trong đó có nhiều tài khoản vào vai các phụ huynh khác để thúc giục nạn nhân chuyển tiền hoàn thành nhiệm vụ.

Biện pháp phòng tránh

Tìm hiểu kỹ về các Công ty, Trung tâm trước khi đăng ký cho bản thân và người nhà tham gia các chương trình qua mạng xã hội. Chỉ chọn các Công ty, Trung tâm có uy tín, đã kiểm tra, xác thực chính xác thông tin (liên hệ hotline của các Công ty đăng tải trên trang web chính thống).

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân và người thân cho các trang web, trang mạng xã hội khi chưa xác định chính xác mức độ uy tín để phòng tránh việc bị lừa đảo cũng như các mục đích xấu khác.

Cảnh giác trước khi chuyển tiền phí tham dự chương trình, nếu có thể hãy đến trực tiếp văn phòng của Công ty/Trung tâm để làm việc; không thực hiện các giao dịch chuyển tiền để làm nhiệm vụ Online.

7. Lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, “việc nhẹ lương cao”

Dấu hiệu nhận biết

Các đối tượng thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội giả mạo, đăng tin tuyển cộng tác viên làm việc Online, chỉ cần máy tính kết nối mạng, làm nhiệm vụ đánh giá sản phẩm, thanh toán đơn hàng ảo, click quảng cáo... có thể kiếm về thu nhập cao.

Các tài khoản này thường chủ động liên hệ nạn nhân, nhắn tin trò chuyện nhằm thu thập thông tin cá nhân, chiếm lòng tin và dụ dỗ nạn nhân tham gia hệ thống.

Các công việc này thường yêu cầu nạn nhân đóng trước một khoản tiền nhỏ ban đầu và sẽ trả lương hoặc hoa hồng đầy đủ cho nạn nhân để tạo lòng tin. Dần dần, hệ thống sẽ yêu cầu nạn nhân đầu tư số tiền lớn hơn hoặc dụng nhiều cách khác nhau để không cho nạn nhân rút tiền về mà phải đóng nhiều khoản phí khác nhau.

Biện pháp phòng tránh

Cẩn trọng khi tìm kiếm việc làm thông qua mạng xã hội. Khi có nhu cầu tìm việc làm Online, cần tìm hiểu kỹ về các đơn vị tuyển dụng, đặc biệt là các thông tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao, cộng tác viên đánh giá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, công việc yêu cầu ứng tiền trước để làm nhiệm vụ...

Cảnh giác khi nhận được lời mời tham gia làm cộng tác viên Online từ các tài khoản hoặc bạn bè ảo trên mạng xã hội. Các tài khoản này thường không có danh tính rõ ràng hoặc giả mạo, khi đề nghị gặp mặt trực tiếp sẽ tìm nhiều cách lẫn tránh.

Tuyệt đối không chuyển tiền trước để thực hiện các nhiệm vụ, công việc tìm kiếm qua mạng khi chưa xác thực chính xác danh tính của công ty chủ quản. Liên hệ đến công ty chính thống để xác thực thông tin trước khi tham gia làm cộng tác viên.

8. Lừa đảo bằng thủ đoạn mạo danh trường học gọi điện hoàn học phí

Dấu hiệu nhận biết

Đầu tiên, đối tượng giả danh nhân viên nhà trường, phòng giáo dục hoặc ngân hàng gọi điện thoại tới phụ huynh, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP hoặc truy cập vào đường link lạ, quét mã QR để nhận tiền.

Đối tượng thường gọi từ số lạ, sử dụng lời lẽ thúc giục nhằm tạo áp lực, thậm chí đe dọa để phụ huynh nhanh làm theo hướng dẫn. Trong các tin nhắn thường chứa đường link không rõ ràng, yêu cầu phụ huynh đăng nhập vào trang web lạ.

Sau khi chiếm quyền sử dụng điện thoại, đối tượng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, thực hiện lệnh chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.

Biện pháp phòng tránh

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số căn cước công dân, hình ảnh hoặc video khuôn mặt cho bất kỳ ai qua mạng xã hội hoặc điện thoại. Không quét QR Code, không truy cập các đường link lạ, không tải ứng dụng không rõ nguồn gốc theo hướng dẫn của người lạ.

Khi nhận được thông báo liên quan đên học phí, cần liên hệ trực tiếp với nhà trường hoặc cơ quan giáo dục để xác minh thông tin. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân hãy báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. 

Nhà trường và các cơ quan giáo dục không bao giờ yêu cầu phụ huynh cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP qua điện thoại, tin nhắn hay đường link.

9. Giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo

Dấu hiệu nhận biết

Đối tượng tạo một tài khoản mạng xã hội Zalo giả mạo CBCS đang công tác trong lực lượng quân đội, đăng tải nhiều hình ảnh liên quan đến lực lượng quân đội, liên hệ với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa, nhà hàng, tự giới thiệu là cán bộ đang công tác tại bộ phận hậu cần trong Bộ CHQS tỉnh hoặc Ban CHQS địa phương, thông tin về địa chỉ trụ sở đơn vị và bản thân được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ đặt hàng hóa, suất ăn... với số lượng lớn để phục vụ công tác. 

Các đối tượng chủ động kết nối với chủ cơ sở kinh doanh bằng Zalo giả mạo quân nhân; trao đổi thông tin về số lượng hàng hóa, suất ăn dự định sẽ đặt cho đơn vị và yêu cầu gửi báo giá. Sau khi nhận báo giá, để tạo “niềm tin”, các đối tượng chủ động đề nghị chuyển khoản trước một sổ tiền để đặt cọc và hứa sẽ thanh toán đầy đủ sau khi nhận hàng tại đơn vị.

Gửi cho chủ cơ sở kinh doanh các loại giấy tờ giả mạo, như thẻ quân nhân, giấy ra vào cổng, bảng kê mua hàng...

Gửi hình ảnh, đề nghị chủ cơ sở kinh doanh, nhà hàng, công ty... tiếp tục báo giá một số mặt hàng theo tiêu chuẩn riêng mà chắc chắn chủ cơ sở không có sẵn, và thông tin là đơn vị đang rất cần mặt hàng này với số lượng lớn. Sau đó, đối tượng giới thiệu cho chủ cơ sở kinh doanh “doanh nghiệp ảo”, và nói rằng đây là đơn vị quân đội thường đặt hàng để nạn nhân liên hệ đặt hàng như chúng yêu cầu. Sau khi liên hệ, chủ cơ sở kinh doanh sẽ được “doanh nghiệp ảo” quảng bá về sản phẩm và dẫn dụ nhập hàng với số lượng lớn để được chiết khấu cao.

Biện pháp phòng tránh

Cảnh giác đối với những đối tượng tự xưng mình là quân nhân, nếu không quen biết, phải yêu cầu xem Chứng minh thư Quân đội hoặc giấy giới thiệu về địa phương công tác.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.

Mọi giao dịch chuyển tiền cần xác thực đầy đủ thông tin để tránh bị lừa đảo... Trường hợp nghi vấn các đối tượng mạo danh quân nhân, cán bộ công an để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

 

Quang Thông
(Tin tổng hợp)