Ngày đăng: 09-08-2024     Tác giả: PV     Chuyên mục: CUỘC THI SÁNG TẠO TTNNĐ

Với thành tích đoạt 03 giải quốc gia (02 giải ba, 01 giải khuyến khích) Hội thi Nghiên cứu KHKT; (03 giải ba cấp tỉnh) Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng và vô địch cuộc thi hành trình kiến tạo tương lai. Đó là sự phấn đấu vượt lên khó khăn thử thách trong 10 năm qua của Thầy Trò Trường TH-THCS Phước Hiệp, Xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. 

Tôi làm việc với giáo viên hướng dẫn trong Hội đồng giám khảo chấm thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bến Tre ở vòng sơ khảo cấp huyện và vòng chung khảo xếp hạng cấp tỉnh thấm thoát đã 10 năm; học được nhiều điều về đức tính tận tụy và tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học ở cô giáo với dáng vóc nhỏ bé này, đó là cô Song Đào giáo viên Trường TH-THCS Phước Hiệp, Xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. 

Hỏi về thành tích của trường Cô bộc bạch, để có kết quả khiêm tốn ấy, thầy trò chúng tôi trải qua chặng đường dài không ít lần thất bại. Những năm đầu tham gia cuộc thi sáng tạo, trường chúng tôi không đạt được kết quả như mong muốn đó là tính tất yếu, như người xưa đã nói: vạn sự khởi đầu nan; còn tục ngữ có câu: “thất bại là mẹ thành công” Nhà bác học Edison đã thất bại hàng ngàn lần trước khi ông sáng tạo ra chiếc bóng đèn.

Nhưng mỗi lần thất bại chúng tôi không bỏ cuộc, vì giáo dục là quá trình phải từ từ từng bước, nhưng với khát khao cháy bỏng là cho học sinh được tiếp cận với Thầy giỏi, các chuyên gia giỏi, được tiếp cận phương pháp học mới. Phương pháp hữu hiệu mà tôi có thể thực hiện khát khao ấy là hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi. Bản thân tôi cũng rất đam mê học hỏi, làm việc cùng Thầy, Cô giỏi và tiếp cận những phương pháp dạy mới, cách làm, cách nghĩ mới của đồng nghiệp và các chuyên gia. Hai điều trên là niềm tin thôi thúc tôi đồng hành với các em. Thuở ấy, cách nay 10 năm điều kiện kinh tế ở vùng nông thôn tỉnh ta nói chung và Phước Hiệp Mỏ Cày Nam nói riêng còn rất nhiều khó khăn việc tham gia các cuộc thi sáng tạo nghiên cứu khoa học là điều rất lạ đối với học sinh, phụ huynh kể cả giáo viên ở trường.

 

Cô Song Đào (phía phải) được trao tặng danh hiệNhà giáưu tú lần thứ 16.


Đối với học sinh THCS kể cả học sinh THPT, khả năng chịu đựng với áp lực, khó khăn ở một số em chưa tốt lắm, các em có nỗi sợ thất bại, tâm lý đi thi là phải đậu, khi thất bại các em rất buồn, có em rất đau khổ trong thời gian khá dài. Do đó, khi bắt đầu hướng dẫn các em tham gia các cuộc thi tôi trao đổi với học sinh, giúp các em nắm chắc mục đích ý nghĩa của cuộc thi, tôi nói với học sinh: Việc tham gia các cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng không chỉ ý nghĩa quan trọng là rèn luyện, phát triển tư duy sáng tạo mà còn là cơ hội để các em tiếp cận với hình thức học mới: rèn kỹ năng làm việc nhóm và ghi điểm trong sự nghiệp học tập. Việc tham gia các cuộc thi mang lại cho các em nhiều ý nghĩa như; mở rộng kiến thức: Tham gia cuộc thi giúp các em phát triển sự hiểu biết rộng hơn trong lĩnh vực mình quan tâm. Đây là cơ hội tuyệt vời để khám phá những khía cạnh mới; phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề: Tham gia cuộc thi, các em được khuyến khích tư duy sáng tạo, tạo ra các giải pháp độc đáo và khéo léo cho các vấn đề trong lĩnh vực mà các em theo đuổi. Quá trình này không chỉ giúp các em phát triển kỹ năng tư duy logic, mà còn khám phá tiềm năng bản thân; xây dựng kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp: Tham gia cuộc thi các em được làm việc theo nhóm với thành viên trong và ngoài lớp. Điều này tạo ra một môi trường học tập thú vị, nơi các em có thể trao đổi ý kiến, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với những bạn khác. Qua quá trình làm việc nhóm, các em học cách làm việc cộng tác, lắng nghe ý kiến và tìm ra các giải pháp chung. Đồng thời, rèn kỹ năng giao tiếp hiệu quả, truyền đạt ý kiến và thuyết phục người khác. Những kỹ năng này không chỉ quan trọng trong lĩnh vực học thuật mà còn hữu ích trong cuộc sống và sự nghiệp sau này; xây dựng lòng tự tin và sự tự tin: Tham gia các cuộc thi các em trình bày và thuyết trình sản phẩm của các em trước các thành viên Ban Giám khảo. Quá trình này giúp các em rèn kỹ năng diễn đạt và xây dựng sự tự tin trong việc trình bày ý kiến và giải thích… Điều này rất quan trọng trong việc phát triển cá nhân và giúp ích cho việc học tập và sự nghiệp sau này.

Do đặc thù của học sinh THCS (và cả học sinh THPT) nên việc tìm và chọn các ý tưởng nghiên cứu thông thường là phải do giáo viên định hướng. Thông qua các đợt về nguồn, tham quan trải nghiệm giúp các em phát triển thế giới quan tích cực của mình, giúp các em cách nhìn nhận thế giới xung quanh mà còn là nền tảng định hình nhân cách, hành vi, đạo đức và chính trị của các em. Nó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ hành động thực tế đến quá trình nhận thức thế giới và tự nhận thức bản thân; thông qua các giờ học bộ môn, các em tập trung tìm hiểu ghi nhận các vấn đề và luôn đặt câu hỏi: có thể làm khác đi được không? Nếu được làm bằng cách nào? Kiến thức học được có thể dùng giải quyết vấn đề gì trong cuộc sống, những vật liệu em gặp có thể làm được gì không? Và làm bằng cách nào? Các vấn đề về khoa học, kỹ thuật mà nhiều người quan tâm nó là gì, kiến thức em học có vận dụng giải quyết được phần nhỏ nào không?.... Sau đó cô trò chúng tôi có 1 buổi làm việc cùng nhau, trò trình bày ý tưởng, cô trong vai trò phản biện. Qua phản biện các em tự đánh giá ý tưởng của mình và có cách điều chỉnh khi làm sản phẩm. 

Từ ý tưởng đến hình thành sản phẩm cần rất nhiều sự gia công của cô trò, tôi phải thực hiện những bước quan trọng để khơi dậy cảm hứng hành động của các em. Chọn các ý tưởng nhỏ phù hợp khả năng của mình đồng thời vừa tầm với học sinh để khi thực hiện thì quy trình nghiên cứu, các bước nghiên cứu không quá khó, dễ thực hiện được trong điều kiện của địa phương. Cốt lõi của ý tưởng ấy phải mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của cộng đồng, địa phương, và thỏa được điều kiện là giải quyết được vấn đề mà nhiều người đang quan tâm. Các ý tưởng quá tầm với học sinh, định hướng các em tìm ý tưởng khác phù hợp hơn, nhưng tôi tiếp tục cùng các em nghiên cứu ở những năm sau, do đó có ý tưởng nêu từ lớp 6 nhưng mãi đến lớp 8,9 mới thực hiện. Những ý tưởng của học sinh qua các năm đều được tôi lưu vào “ngân hàng” ý tưởng. Bản thân tôi trong cuộc sống hàng ngày cũng luôn tìm ý tưởng lưu lại và cung cấp cho học sinh khi cần. Mục tiêu lâu dài, xuyên suốt là giúp học sinh tiếp cận phương pháp học mới, giúp học sinh học cách làm việc của nhà sáng chế, nhà nghiên cứu, nhưng phải đảm bảo phong trào thi đua của trường nên mỗi năm tôi chọn ý tưởng tốt tạo sản phẩm chủ lực để trường đạt giải, đối với ý tưởng chủ lực phấn đấu đạt giải, tôi tập hợp học sinh có năng khiếu phù hợp với ý tưởng của các khối lớp, huấn luyện cho các em phương pháp làm việc nhóm; em nhóm trưởng là em đưa ra ý tưởng, các em khác có năng lực, có kiến thức mà em nhóm trưởng bị thiếu sẽ bổ trợ hoàn thiện sản phẩm. Còn các ý tưởng khác của các em thì làm độc lập, tôi là người phản biện.

Thực tiễn cho thấy, với học sinh Tiểu học, THCS ở vùng nông thôn các em thiếu tự tin và điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là cách đây 7,8 năm thì rất khó khăn, do đó trường hỗ trợ 100% kinh phí hoàn thành sản phẩm dự thi (trường có nguồn quỹ hợp pháp, hợp thức do chúng tôi vận động). Các em được thi vòng trường trình bày, thuyết trình, trả lời lời câu hỏi của giám khảo. Tất cả các sản phẩm dự thi đều được Hiệu trưởng trường tặng giấy khen nhằm Khuyến khích truyền lửa nuôi ý tưởng, cũng với mục đích truyền lửa, tôi thường thông tin đến các em kết quả của cuộc thi sáng tạo cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Những sản phẩm đạt giải là sản phẩm gì, sản phẩm đó làm như thế nào và hay như thế nào.

“Vạn sự khởi đầu nan”, điều này có vẻ luôn đúng với hoạt động sáng tạo khoa học. Thấu hiểu điều đó, tôi luôn là người sát cánh, động viên các em khi gặp khó khăn. Đối tượng của tôi là học sinh THCS, các em như những “chú gà con” non nớt sợ thất bại. Do đó, khi bắt đầu hướng dẫn các em tham gia các cuộc thi tôi trao đổi với học sinh về mục tiêu công việc như sau:

Được tiếp cận hội đồng giám khảo cấp trường, cấp tỉnh, được tiếp cận với các bạn giỏi đồng trang lứa, được đi xa để mở rộng tầm hiểu biết; Tạo điều kiện để cơ thể chịu được cảm xúc tích cực và tiêu cực (khi thành công và khi thất bại). Tôi phân tích rất kỹ và thường xuyên trao đổi để cho học sinh thấm nhuần điều này.

Trong suốt quá trình đồng hành cùng các em, tôi thường có những câu nói động viên các em để các em có được nguồn năng lượng tích cực cũng như chấp hành kỷ luật làm việc trong nhóm. Một số câu tôi thường nói như: “Cô sẽ đến tham gia dù trời nắng hay trời mưa hoặc Em sẽ đến tham gia dù trời nắng hay trời mưa”; “Khó khăn càng nhiều thành công càng to, vinh quang càng lớn”; “Doanh nhân nói ra tiền, học sinh nói ra điểm, nói giỏi điểm cao”; “Trong khoa học muốn nói giỏi phải làm tốt”; “Mồ hôi luôn làm đất nở hoa”; “Hãy vì bản thân, vì cha mẹ, vì ngôi trường thân yêu chúng ta phải chạy trên thảm đỏ”; “Chăm chỉ, tự tin chiến thắng (chiến thắng bản thân)”;… Tôi cho học sinh thấu hiểu: khó khăn trong cuộc sống là tính tất yếu, trong sáng tạo, trong nghiên cứu khoa học điều đó được minh chứng rõ nét. Tôi động viên học sinh bằng các câu chuyện của người khuyết tật vượt khó đi đến thành công. Giáo viên hướng dẫn cũng là động lực là nguồn cảm hứng cho học sinh vượt khó. Các khâu hoàn thành sản phẩm tôi là người phản biện giúp các em thấy chỗ hay và chưa hay và tư vấn (nếu cần) để học sinh hoàn thiện.

Sau thời gian gần 10 năm làm giáo viên hướng dẫn cho học sinh tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu, niên nhi đồng để lại trong tôi nhiều điều suy ngẩm.

Đối với học sinh: việc tham gia nghiên cứu, tham gia các cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (từ cấp cơ sở, cấp tỉnh đến cấp quốc gia) là một điều kiện rất bổ ích để các em có điều kiện rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng phản biện, kỹ năng hợp tác, kỹ năng diễn đạt và xây dựng sự tự tin trong việc trình bày ý kiến và giải thích đồng thời phát triển kỹ năng tư duy logic, quan trọng hơn là khám phá tiềm năng bản thân. Điều này rất quan trọng trong việc phát triển cá nhân và giúp ích cho việc học tập và sự nghiệp sau này.

Với tư cách là một giáo viên: Muốn học sinh đạt kết quả cao, giáo viên phải làm cho học sinh yêu quý mình ngay trong lần gặp đầu tiên và cả quá trình tiếp xúc, sự yêu quý đó phải xuất phát từ chính trái tim của các em, khi các em yêu quý thầy cô các em sẽ tự giác tìm mọi cách giải quyết tốt các vấn đề, biến ý tưởng thành sản phẩm, để chứng tỏ để thể hiện năng lực của bản thân cho thầy cô thấy, để thầy cô tự hào về các em.

Lòng say mê, tâm huyết, trách nhiệm, làm mọi điều tốt cho học sinh và mọi người, luôn phấn đấu là tấm gương thật sự cho học sinh, thì mình sẽ tạo ra giá trị từ công việc của mình, và người thụ hưởng lớn nhất không ai khác hơn là bản thân.

Thông qua thẩm định của Ban giám khảo cuộc thi, sẽ đánh giá được giá trị của ý tưởng đối với cuộc sống, hoàn thiện những thiếu sót trong phương pháp, kỹ thuật hướng dẫn học sinh.