Mục tiêu và giải pháp khoa học giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt
Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) công bố báo cáo Phát thải khí mê-tan trong hệ thống chăn nuôi và lúa gạo: Nguồn gốc, định lượng, giảm thiểu và đo lường. Nông nghiệp là nguồn phát thải khí mê-tan (CH4) lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành năng lượng. Trong đó, nông nghiệp chiếm 40% lượng phát thải mêtan toàn cầu. Khí mê-tan hình thành chủ yếu từ khí thải đường tiêu hóa của gia súc và phân bón (chiếm 32%) và từ việc nuôi trồng lúa nước (8%). Phân bón hóa học chứa nitơ, khi bón vào đất sẽ chuyển hóa một phần thành khí mê-tan.
Châu Á là khu vực phát thải mê-tan từ nông nghiệp cao nhất, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải toàn cầu. Tại Việt Nam, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, diện tích lúa tại đạt khoảng 7277,8 nghìn ha, sản lượng hàng năm khoảng 42,69 triệu tấn. Phát thải khí nhà kính (KNK) từ canh tác lúa và hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn/năm.
Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đóng góp vào phát thải khí mê-tan theo nhiều nguồn khác nhau trong đó canh tác lúa nước là nguồn phát thải lớn nhất. Nguyên nhân là do sự gia tăng của diện tích canh tác lúa nước nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.
Theo Quyết định số 1693 ngày 26-4-2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan) ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2025, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải KNK là 53,57 triệu tấn CO2tđ (không bao gồm lượng giảm phát thải KNK từ sử dụng năng lượng trong sản xuất), trong đó, lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) giảm tối thiểu là 14,26 triệu tấn CO2tđ; tổng lượng phát thải mê-tan không vượt quá 59 triệu tấn CO2tđ.
Đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải KNK là 121,9 triệu tấn CO2tđ (không bao gồm lượng giảm phát thải KNK từ sử dụng năng lượng trong sản xuất), trong đó, lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) giảm tối thiểu là 42,85 triệu tấn CO2tđ; tổng lượng phát thải mê-tan không vượt quá 45,9 triệu tấn CO2tđ, giảm 30% so với mức phát thải năm 2020.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội thảo khoa học ngành dừa
Các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK lĩnh vực trồng trọt
Mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ và canh tác lúa cải tiến, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước (Vùng có cơ sở hạ tầng đầy đủ và Mở rộng diện tích canh tác lúa áp dụng kỹ thuật rút nước giữa vụ) phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp. Ưu tiên triển khai ở những vùng có hệ thống thủy lợi thuận lợi.
Thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lúa-thủy sản (lúa cá, lúa tôm) và sang cây trồng cạn nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Ưu tiên triển khai ở những vùng thường xuyên hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung, phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và giảm phát thải KNK, khí mê-tan. Ưu tiên triển khai ở những vùng có hạ tầng thủy lợi trung bình, kém.
Mở rộng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và quản lý cây trồng tổng hợp (bón phân, quản lý sâu bệnh hại…) cho lúa, cho cây trồng cạn (bón phân, quản lý sâu, bệnh hại, tưới nước tiết kiệm.
Thay thế phân đạm urê bằng phân bón chậm tan, phân bón tan có điều khiển, phân bón phức hợp chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm phát KNK.
Thu gom, quản lý và tái sử dụng phụ phẩm cây trồng: áp dụng trên diện rộng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, xử lý, tái sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải KNK.
Giải pháp về cơ chế, chính sách
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm phát thải KNK của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ chế chính sách, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn), chính sách huy động nguồn lực từ tư nhân và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK đã được xác định.
Tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách, hợp tác công-tư trong phát triển nông nghiệp bền vững các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả thực thi, hợp tác và điều phối liên ngành trong xây dựng và triển khai các chính sách, kế hoạch liên quan đến ứng phó BĐKH nói chung và giảm phát thải KNK nói riêng.
Xây dựng các đề án giảm phát thải KNK nhằm thực hiện các cam kết với quốc tế và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành. Xây dựng và ban hành các quy định về định mức đầu tư trong thực hiện các phương án giảm phát thải cho các lĩnh vực thuộc ngành.
Xây dựng và phát triển thị trường các-bon trong nước kết nối với thị trường quốc tế; thúc đẩy thương mại tín chỉ/giảm phát thải các-bon với các đối tác liên quan cho các lĩnh vực tiềm năng của ngành.
Thể chế hóa các nguyên tắc, yêu cầu cụ thể cho việc chuyển quyền giảm phát thải nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường các-bon trong lâm nghiệp và sử dụng đất.
Tăng cường điều phối, chia sẻ thông tin, xử lý các vấn đề liên vùng, liên ngành và tăng cường năng lực đàm phán quốc tế về giảm nhẹ phát thải KNK đặc biệt là khí mê-tan trong các chuỗi giá trị nông sản.
Giải pháp khoa học và công nghệ
Nghiên cứu các công nghệ, giải pháp có tiềm năng giảm phát thải cao, khả thi và phù hợp với từng vùng sinh thái để thúc đẩy thực hiện giảm phát thải KNK đồng thời phát huy được đặc thù sản xuất của vùng sinh thái và địa phương.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hoạt động, các hệ số phát thải khí mê-tan và phát thải KNK đặc trưng quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật áp dụng các phương pháp kiểm kê khí mê-tan ở bậc cao hơn phù hợp với điều kiện Việt Nam và quy định của Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH.
Xây dựng các quy trình và lộ trình chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang nông nghiệp tuần hoàn, các-bon thấp, giảm phát thải KNK cùng với các tiêu chí kiểm định, đánh giá giám sát, lượng hóa sản phẩm theo dấu vết các-bon để kết nối với thị trường các-bon trong tương lai.
Xây dựng bộ công cụ, cơ sở dữ liệu trực tuyến về đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK các lĩnh vực thuộc ngành.
Nhân rộng, chuyển giao, áp dụng các công nghệ sản xuất mới giảm phát thải KNK, có khả năng chống chịu, thích ứng với BĐKH và đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng. Phổ biến các giải pháp giảm phát thải KNK, xây dựng các mô hình trình diễn.
Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các cơ quan nghiên cứu đủ khả năng được quốc tế công nhận để tham gia kiểm kê, đánh giá và thẩm định kết quả thực hiện các biện pháp giảm nhẹ.
Nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan nghiên cứu (các viện, trường đại học) về: công nghệ/sáng kiến kỹ thuật thông minh với BĐKH; phương pháp đánh giá, phân tích tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường của các hành động ứng phó BĐKH phù hợp với từng vùng, miền, địa phương.
Áp dụng công nghệ số trong đo đạc, báo cáo và giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt động/biện pháp giảm nhẹ KNK.
Áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng các hệ thống dịch vụ thông tin khí hậu; xây dựng và triển khai các mô hình phân tích cảnh báo rủi ro thời tiết đến cấp xã và hướng dẫn cụ thể cho người dân khai thác/sử dụng. Cung cấp dịch vụ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng để phát triển các hàng hóa nông sản xanh, các-bon thấp có trách nhiệm với BĐKH.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quy hoạch liên ngành, quy hoạch cảnh quan bền vững. Nghiên cứu phát triển các mô hình thu gom, tái sử dụng và xử lý phụ phẩm nông nghiệp để chấm dứt đốt phụ phẩm nông nghiệp ngoài đồng ruộng.