Ngày đăng: 12-12-2024     Tác giả: Đặng Văn Cử     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Ngày 04-7-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BNN-VPĐP Phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia năm 2024 (Đợt 1). Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận mới 04 sản phẩm đạt “Sản phẩm OCOP cấp Quốc gia” (sản phẩm OCOP 5 sao), gồm: Bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng gia của Công ty Cổ phần Hoàng Gia (Hải Dương); Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân của Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Bắc Giang); Trái sầu riêng cấp đông của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre); Gia vị hoàn chỉnh (Bún bò Huế - Gia vị hoàn chỉnh) của Công ty TNHH sản xuất và thương mại YesHue (Thừa Thiên Huế).

Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu là chủ thể của sản phẩm Trái sầu riêng cấp đông có địa chỉ tại Ấp Nhơn Phú xã Hòa Nghĩa huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre mới vừa hoàn thành và đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu Đề tài Nghiên cứu biện pháp quản lý sâu bệnh hại chính trên thân, quả và vùng rễ cây sầu riêng góp phần hoàn thiện quy trình quản lý tổng hợp,  phát triển sản xuất cây sầu riêng tại Bến Tre hiệu quả, an toàn theo hướng hàng hóa. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đánh giá hiện trạng sản xuất tại vùng trồng sầu riêng tập trung tại huyện Châu Thành và huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre; xây dựng mô hình quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính trên thân, quả và vùng rễ cây sầu riêng với quy mô 3 ha, tại 02 huyện Châu Thành và Chợ Lách. Kết quả của đề tài cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình tăng hơn so với hộ đối chứng từ 19,01- 22,27%, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh đạt 84,36 – 86,32%. Đề tài đã xây dựng thành công quy trình quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây sầu riêng tại Bến Tre và quy trình đã được Hội đồng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

 

 

Xưởng sản xuất trái sầu riêng cấp đông của Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu

 

Sầu riêng Cái Mơn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và Bến Tre cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng chuỗi giá trị gia tăng sầu riêng, hiện đã xây dựng vùng sản xuất sầu riêng với tổng diện tích liên kết 208,09 ha, có 01 hợp tác xã và 02 tổ hợp tác tham gia liên kết với doanh nghiệp, sản lượng liên kết khoảng 2.500 tấn/năm; diện tích sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP là 148,38 ha.

Năm 2023, tỉnh Bến Tre có 4 sản phẩm OCOP đạt 5 sao là kẹo dừa ca cao, kẹo dừa sầu riêng lá dứa, kẹo dừa gừng, kẹo dừa sầu riêng của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á. Như vậy, đến thời điểm hiện nay, địa phương Bến Tre đã có 05 sản phẩm của 02 chủ thể đạt sản phẩm OCOP 5 sao.

Sản phẩm đạt Sản phẩm OCOP cấp Quốc gia được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia, được sử dụng biểu trưng và tem OCOP quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm theo quy định và có giá trị 36 tháng, kể từ ngày công nhận. Ý nghĩa logo của Chương trình OCOP, Chữ O màu nâu: Tượng trưng cho đất, nền tảng sản xuất, cuộc sống của làng xã; Chữ C màu xanh lá cây: Tượng trưng cho nông nghiệp và sản xuất bền vững; Chữ O màu đỏ: Tượng trưng cho sức mạnh, trí tuệ của con người Việt Nam; Chữ P màu vàng: Tượng trưng cho lợi ích, lợi nhuận của chương trình mà mỗi người dân, tổ chức tham gia được hưởng lợi.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ chủ thể sản xuất thiết kế sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP. Hướng dẫn địa phương, hỗ trợ chủ thể sản xuất đăng ký quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, mã số, mã vạch, ghi nhãn hàng hóa theo Kế hoạch số 596/KH-UBND ngày 30-01-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bến Tre năm 2024.