Ngày đăng: 26-04-2025     Tác giả: Nguyễn Văn Toàn     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Đế quốc Mông Cổ là đế quốc mạnh nhất thế giới thời kỳ cổ trung đại. Đế quốc Mỹ là đế quốc mạnh nhất thế giới thời cận hiện đại. Thế nhưng chúng đều bị thất bại thảm hại khi xâm lược nước ta.

Ba lần đánh thắng đội quân hung bạo và mạnh nhất thế giới

Quân đội nhà Trần đã ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ và khét tiếng hung bạo. Trong bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng) của danh tướng nhà Trần Phạm Ngũ Lão có câu thơ: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” (Dịch nghĩa: Dũng khí của ba quân mạnh như mãnh hổ, lấn át cả sao Ngưu Lang trên trời. Dịch thơ: Ba quân hùng khí át sao Ngưu).

Năm 1206, Thiết Mộc Chân lên ngôi Khả Hãn của Đại Mông Cổ Quốc tại một đại hội Kurultai (hội đồng các thủ lĩnh Mông Cổ). Cũng trong hội nghị này, Thiết Mộc Chân lấy tước hiệu là “Thành Cát Tư Hãn” (Vua của cả thế giới). Lúc này Mông Cổ đã là một quốc gia rộng 4.000.000km2.

Để nuôi mộng trở thành “Vua của cả thế giới”, Thành Cát Tư Hãn nhanh chóng gây chiến tranh với nước Tây Hạ. Nước Tây Hạ thần phục năm 1209 (sau đó bị diệt vong vào năm 1227). Người Mông Cổ sau đó đã bắt người Tây Hạ phải vót tên, làm thuẫn và nộp lạc đà cho mình để đánh nước Kim. Nước Kim bị người Mông Cổ đánh từ năm 1211 và sau đó hoàn toàn bị diệt vong vào năm 1235.

Lúc bấy giờ ở phía tây nam Mông Cổ có nước Tây Liêu do dòng dõi vua nước Liêu lập nên từ năm 1124. Năm 1218, Thành Cát Tư Hãn cho thuộc tướng của mình đem 20.000 quân tấn công và chiếm được Tây Liêu. Từ đấy, cương giới của Mông Cổ sát liền với đế quốc Khwarezm.

Trong hai năm 1219-1220, Thành Cát Tư Hãn đêm 200.000 quân gây chiến tranh và tiêu diệt đế quốc Khwarezm. Sau đó, ông tiến quân tới vùng Trung Á, tàn phá Transoxiana và đông Ba Tư, sau đó tấn công bất ngờ Rus Kiev (một nhà nước tiền thân của Nga, Belarus và Ukraine) và Kavkaz.

Khi Thành Cát Tư Hãn băng hà năm 1227, lúc đó Đế quốc Mông Cổ đã cai trị một vùng lãnh thổ từ Thái Bình Dương tới Biển Caspi với diện tích 13.500.000 m2, rộng gấp đôi đế quốc La Mã. Năm 1271, nhà Nguyên được Hốt Tất Liệt thành lập với tư cách là một bộ phận chủ chốt của đế quốc Mông Cổ. Ở thời điểm đỉnh cao (1309), đế quốc Mông Cổ trải dài 9.700km, diện tích lãnh thổ lên tới 24.000.000km2 và 2 triệu người Mông Cổ thống trị 100 triệu dân.

Vó ngựa trường chinh của kỵ binh Mông Cổ đã khiến thế giới khiếp sợ. Kỵ binh Mông Cổ mặc giáp nhẹ với một thanh kiếm lưỡi cong và cung tên đã gây nguy hiểm và là khắc tinh chống lại hầu hết các loại lính chạy bộ, kỵ binh. Đặc biệt, các kỵ binh Mông Cổ hoàn toàn có thể nhắm trúng mục tiêu khi đang phi ngựa, có thể bắn tên theo bất kỳ hướng nào, bắn được nhiều mục tiêu cùng một lúc ngay trên lưng ngựa ở khoảng cách xa, ngay cả sau lưng, nổi bật là tiết mục “Hồi mã cung” (xoay người bắn ngược).

Một nhà sử học thời Tống viết: “Người Thát lớn lên trên lưng ngựa, tự luyện tập chiến đấu từ mùa Xuân đến mùa Đông, ngày ngày săn bắn, đó chính là cách sống của họ. Về đánh trận họ lợi ở dã chiến, không thấy lợi thì không tiến quân... Trăm quân kỵ quay vòng, có thể bọc được vạn người. Nghìn quân kỵ tản ra có thể dài đến trăm dặm. Kẻ địch hợp lại thì họ cũng hợp lại, hoặc tản ra, hoặc ẩn hoặc hiện, đến thì như trên trời xuống, đi thì nhanh như chớp giật... Họ mà thắng thì đuổi theo địch chém giết không để trốn thoát, họ mà thua thì chạy rất nhanh đuổi không kịp”. Do đó, kỵ binh Mông Cổ khét tiếng đến độ người ta than rằng: “Vó ngựa Mông Cổ đến đâu thì ở đó cỏ không mọc được”.

Tuy nhiên, quân đội Mông Cổ khi xâm lược đất nước ta lại đụng độ đội quân nhà Trần nổi tiếng tinh nhuệ, thiện chiến, kỷ luật cao. Điều này một phần là do công lao của Hưng Đạo Vương.

Hưng Đạo Vương tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông. Ông quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Hưng Đạo Vương đã nghiên cứu kỹ binh thư các đời và đã viết ra “Binh thư yếu lược”, “Vạn kiếp tông bí truyền thư” và “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”. Chẳng hạn, trong “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”, ông cho rằng người làm tướng phải thường xuyên huấn luyện quân sĩ khiến cho quân đội “ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhại Như”. Theo truyền thuyết, Bàng Mông và Hậu Nghệ là những cung thủ tài giỏi. Trong đó, Hậu Nghệ là người đã bắn rụng 9 Mặt trời và chỉ để lại một Mặt trời để đem lại sự sống tốt tươi cho Trái đất.

Bên cạnh đó, Hưng Đạo Vương còn mở trường dạy binh pháp, võ nghệ cho dạy con em hoàng tộc và những người tài giỏi trong nước. Những điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho binh tướng nhà Trần, giúp cho Đại Việt quét sạch lũ quân giặc Mông – Nguyên hung bạo nhất thế giới lúc bấy giờ.

Trong cả ba lần quân Mông – Nguyên xâm lược Đại Việt (1258, 1285, 1287-1288), Hưng Đạo Vương đều được vua Trần cử làm tướng. Đặc biệt ở kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai và thứ ba, ông được vua Trần phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân đội Đại Việt đã chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc Mông – Nguyên ra khỏi Đại Việt.

Một điểm mạnh của nhà Trần và quân đội nhà Trân do Hưng Đạo Vương thống lĩnh là về sự đoàn kết toàn quốc, toàn dân, toàn quân. Khi ba cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên thắng lợi, Hưng Đạo Vương đã tổng kết nguyên nhân là do “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”.

Về tác giả bài thơ “Thuật hoài”, Phạm Ngũ Lão là người làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Nếu Hưng Đạo Vương không nhận ra tài của Phạm Ngũ Lão và rèn luyện cho ông, Đại Việt xem như mất đi một tướng tài.

Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên vào năm 1285 và năm 1288, Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai, ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Mông - Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, ông được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ ba, ông cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Sau đó, ông cũng tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ, đuổi chúng đến tận biên giới.

Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho Phạm Ngũ Lão cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Ông đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301. Ông cũng đã hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành quấy nhiễu Đại Việt vào năm 1312 và vào năm 1318.

Bởi vậy, khi nói về quân đội nhà Trần, Phạm Ngũ Lão đã khẳng định dũng khí của đội quân này lấn át cả sao Ngưu Lang trên trời.

Đánh bại đội quân trang bị tối tân và mạnh nhất thế giới

 

Đại thắng múa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh tư liệu lịch sử)


Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đã đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Về tiềm lực quân sự của nước Mỹ, theo thống kê, tính đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), hệ thống căn cứ của Mỹ được phân bố tại 2.000 địa điểm, được xây dựng tại hơn 100 quốc gia.

Về tiềm lực kinh tế - tài chính để nuôi quân đội, nước Mỹ giữ vị thế số 1 thế giới. Trong những năm 1945 – 1949, sản lượng công nghiệp của Mỹ luôn chiếm hơn một nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới và sản lượng nông nghiệp của Mỹ bằng 2 lần sản lượng của Anh, Pháp, CHLB Đức, Italia, Nhật Bản cộng lại. Nước Mỹ còn nắm trong tay gần 3/4 dự trữ vàng của toàn thế giới. Trên 50% tàu bè đi lại trên các mặt biển là của nước Mỹ. Trong khoảng hai thập niên đầu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nước Mỹ là trung tâm kinh tế, tài chính duy nhất của thế giới.

Từ tháng 2/1965, Mỹ và nhiều nước đồng minh, chư hầu (Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, New Zealand, Philippines…) cùng ồ ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam để thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Theo thống kê, từ năm 1965 đến tháng 1/1973, Mỹ đã huy động khoảng 3 triệu lượt quân Mỹ sang miền Nam Việt Nam để khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ở đỉnh cao trong thời kỳ 1968-1969, có 638.000 quân Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh (chiếm hơn 18% tổng số quân Mỹ lúc đó), trong số này có 535.000 quân Mỹ đóng ở miền Nam Việt Nam. Riêng về bộ binh, Mỹ đã huy động gần 70% tổng số bộ binh trong quân đội.

Ngày 15/2/1961, tại Chiến khu Đ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được Đảng ta thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc vào. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự Miền - tiền thân của Bộ Chỉ huy Miền (10/1963), sau là Bộ tư lệnh Miền (3/1971). Nhiệm vụ của đội quân này được thể hiện rõ ràng trên tên gọi “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Tên gọi này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ từ các lực lượng hòa bình, độc lập, dân chủ trên thế giới, tăng thêm sức mạnh từ hậu phương quốc tế để tiến hành chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngay khi thành lập, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã liên tiếp lập nhiều chiến công. Tiêu biểu là trận Ấp Bắc (năm 1963), mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” trên toàn chiến trường miền Nam. Trong Chiến dịch Bình Giã (năm 1965), lần đầu tiên Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng hai trung đoàn bộ binh tiến công, đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch. Tiếp đó là thắng lợi của các chiến dịch Ðồng Xoài (năm 1965), Ba Gia (năm 1965), đánh dấu bước phát triển về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến tập trung, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Nhằm cứu vãn tình thế thất bại, đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ðể đánh thắng chiến lược chiến tranh mới, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tích cực nghiên cứu nắm địch, chủ động phát triển nhanh lực lượng, đẩy mạnh tác chiến. Những chiến thắng Vạn Tường (năm 1965), Plây Me (năm 1965)... đã chứng minh bước trưởng thành vượt bậc của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Thắng lợi của Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng (năm 1965) cũng đã mở ra phong trào “Tìm Mỹ mà diệt”, “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”.

Phát triển thế tiến công, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 – 1967 của Mỹ. Trong đó nổi bật là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã bẽ gãy cuộc hành quân Junction City (năm 1967) với 45.000 quân Mỹ. Những chiến thắng giòn giã này đã củng cố thêm quyết tâm của Bộ Chính trị về quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhằm mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã mở màn vào đêm 30 rạng ngày 31/1/1968. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhân dân ta đã đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ ngụy và chư hầu bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta không chỉ có ở Tết Mậu Thân, mà trên thực tế đây chỉ là đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968. Kết quả trong năm 1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ ngụy và quân của các nước đồng minh Mỹ; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá huỷ 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.

Đánh giá về thắng lợi này, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) đã nêu rõ: ”... Thắng lợi rất oanh liệt của đòn tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ đó đã đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari”.

Khi Richard Nixon lên làm Tổng thống Mỹ (từ ngày 20/1/1969) thì thời điểm đó có khoảng 300 lính Mỹ chết mỗi tuần tại Việt Nam khiến phong trào phản chiến ở Mỹ dâng cao. Đế quốc Mỹ phải thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc, xâm lược Lào, Campuchia. Bởi vậy, trên chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị chủ trương phát triển thế tiến công chiến lược, nhằm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng.

Thực hiện chủ trương trên của Bộ Chính trị, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mở Cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Kết quả, Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã giành thắng lợi to lớn, làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Ta đã diệt và làm tan rã khoảng 30 vạn quân địch, giải phóng những vùng đất rộng gồm trên 1 triệu dân, đưa tổng số dân được giải phóng lên tới 4 triệu. Bộ đội chủ lực ta trở về miền Nam đứng vững trên những địa bàn quan trọng, bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển. Thắng lợi của cuộc tiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng với thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972) của quân dân miền Bắc đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (ngày 27/1/1973) và rút hết quân ra khỏi miên Nam nước ta.

Vào cuối năm 1974 – đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Nhưng Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cả năm 1975 là thời cơ và chỉ rõ nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.

Thực hiện kế hoạch trên của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, hai miền Nam, Bắc khẩn trương hoàn tất các mặt chuẩn bị, cả về thế và lực. Miền Bắc đã chi viện 11 vạn bộ đội, vận chuyển hơn 400.000 tấn vật chất vào miền Nam.

Để thử phản ứng của Mỹ, quân ta đã mở một cuộc trinh sát chiến lược, thực hiện chiến dịch giải phóng Phước Long. Đến ngày 6/1/1975, sau khi giải phóng thị xã Phước Long, phía Mỹ cũng chỉ phản ứng chiếu lệ. Điều này chứng minh Mỹ sẽ không đưa quân quay trở lại Việt Nam.

Mùa xuân năm 1975, sau chiến thắng giòn giã của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định về thời cơ chiến lược đã đến và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 14/4/1975.

Ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu mở Chiến dịch Hồ Chí Minh với lực lượng áp đảo, gấp 3 lần lực lượng quân đội ngụy tại Sài Gòn. Tham gia chiến dịch có 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Binh đoàn cánh Tây Nam (tương đương quân đoàn) cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trên địa bàn chiến dịch. Về binh khí, kỹ thuật, quân ta đã tập trung được 516 khẩu pháo mặt đất, 550 tên lửa và pháo phòng không, 1 đại đội máy bay A37, 320 xe tăng, xe thiết giáp, 1.600 xe kỹ thuật chiến đấu, hơn 10.000 xe vận tải, 60.000 tấn vật chất (15.000 tấn đạn)… Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam kết thúc vai trò lịch sử vào ngày 7/7/1976, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước Việt Nam thống nhất, nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước đã hoàn thành. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam lại được gọi bằng chính cái tên truyền thống và thống nhất của mình: Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tổng kết lại, hơn 58.000 quân Mỹ đã chết và 305.000 lính Mỹ bị thương tật trong cuộc chiến xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Mỹ cũng đã tiêu tốn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 400 tỷ USD, gấp 20 lần chi phí của Mỹ trong chiến tranh ở Triều Tiên và gấp 2 lần chi phí của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai (250 tỷ USD).