Ngày đăng: 20-09-2022     Tác giả: Nguyễn Thị Mạnh - Chi hội Điều dưỡng BVĐKKV Cù Lao Minh     Chuyên mục: THÀNH VIÊN LHH

Nghề Y nói chung, nghề điều dưỡng nói riêng được phân biệt với các nghề khác bởi nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp mang tính đặc thù, đó là: chăm sóc, điều trị, cứu người, làm giảm nhẹ sự đau đớn của con người do bệnh tật và do các can thiệp y tế. Để hoàn thành nghĩa vụ nghề nghiệp đối với sự ủy thác của xã hội, điều dưỡng viên phải vừa giỏi chuyên môn và vừa phải có đạo đức nghề nghiệp. Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của nghề điều dưỡng.

Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên là những nguyên tắc, những giá trị nghề nghiệp, những khuôn mẫu để hướng dẫn điều dưỡng viên đưa ra các quyết định có đạo đức trong quá trình hành nghề. 

Để thực hiện 8 Chuẩn đạo đức nghề nghiệp và 25 Chuẩn năng lực cơ bản của Điều dưỡng viên Việt Nam, 12 Điều y đức của nhân viên y tế. Với tính chuyên nghiệp, nhiệt huyết và tận tâm trong nghề tôi thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

Trau dồi các phẩm chất về đạo đức của người điều dưỡng bao gồm:

Ý thức trách nhiệm cao: trong xã hội ta, sức khỏe được coi là vốn quý nhất. Đối tượng phục vụ của người điều dưỡng là người bệnh. Sự phục vụ của người điều dưỡng có quan hệ mật thiết tới cuộc sống và hạnh phúc của con người. Vì vậy trách nhiệm cao là một trong những phẩm chất cần thiết nhất của người điều dưỡng. Nghề điều dưỡng được phản ánh rất rõ trong câu nói “hàng trăm lần làm việc tốt cũng chưa đủ, chỉ một lần làm việc xấu cũng quá thừa”.

Lòng trung thực vô hạn: cần nhớ rằng không ai có thể kiểm tra toàn bộ các hoạt động của người điều dưỡng. Vì vậy trung thực tuyết đối phải là một trong những nét cơ bản của tính cách người điều dưỡng. Nó được gây dựng trên cơ sở lòng tin trong mối quan hệ giữa người điều dưỡng với người bệnh và  đồng nghiệp.

Sự ân cần và cảm thông sâu sắc: sự ân cần bao hàm sự đồng cảm và khả năng cảm thụ nỗi đau của người bệnh. Nhưng sự ân cần và lòng tốt không được biến thành chủ nghĩa tình cảm làm trở ngại đến công việc của người  điều dưỡng. 

Tính mềm mỏng và có nguyên tắc: người điều dưỡng phải là nhà tâm lý học, biết xem xét và đánh giá đặc điểm cá nhân của người bệnh trong mỗi giai đoạn. Người điều dưỡng cần có tính cách dễ gần, chan hòa nhưng đồng thời biết yêu cầu cao và có nguyên tắc. Sự khô khan quá độ, sự thiếu cởi mở, tính cau có hoặc sự đùa cợt không đúng chỗ, hay sự tiếp xúc suồng sã sẽ làm cho người điều dưỡng dễ bị mất uy tín trước người bệnh.

Tính khẩn trương và tự tin: điều dưỡng có nhiệm vụ đấu tranh cho sự sống của người bệnh, nhiều khi khoảng cách giữa cái sống và cái chết của người bệnh rất gần. Có khi sự chậm trễ sẽ làm mất cơ hội cứu sống người bệnh. Vì vậy tính khẩn trương là một yêu cầu về phẩm chất nghề nghiệp của người điều dưỡng. Tuy nhiên sự khẩn trương không phải là vội vàng, hấp tấp mà đòi hỏi người điều dưỡng phải bình tĩnh, tự tin, thực thiện nhanh chóng, chính xác các thủ thuật, kỹ thuật khi cấp cứu, khi chăm sóc người bệnh.

Lòng say mê nghề nghiệp: say mê là nguồn gốc của mọi sáng tạo, là yếu tố thúc đẩy người điều dưỡng dễ dàng vượt qua được những khó khăn để làm tốt trách nhiệm của mình.

Phẩm chất mỹ học

Khi người điều dưỡng có tác phong nghiêm chỉnh chững chạc trong chiếc áo trắng, mái tóc gọn gàng dưới chiếc mũ đẹp sẽ gây được lòng tin cho người bệnh. Ngược lại y phục xộc xệch, áo choàng nhầu nát và bẩn thỉu, tay bẩn, tóc rối bù, trang điểm sặc sỡ, móng tay bôi sơn và để dài, đồ trang sức quá thừa sẽ gây tổn hại uy tín và gây cho người bệnh tâm lý thiếu tin tưởng. Quần áo sang trọng thái quá, chưng diện mỹ phẩm, đồ trang sức, nước hoa quá hắc… trước những người đang phải chịu những đau đớn sẽ gây ra ở họ cảm giác về sự thiệt thòi, có biểu hiện tâm lý tiêu cực. Tóm lại, chúng ta phải giúp đỡ cho sự ổn định tinh thần của người bệnh và sự phục hồi.

Phẩm chất về trí tuệ

Điều dưỡng cần có khả năng quan sát và đánh giá người bệnh; Có kỹ năng thành thạo; Có khả năng nghiên cứu và cải tiến; Khôn ngoan trong công tác. Điều dưỡng không chỉ thực hiện đúng các y lệnh của bác sĩ mà với trình độ đào tạo đã được nâng cao, điều dưỡng phải làm quen với nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh và các phương pháp điều trị đã cho phép, tiếp cận với quá trình điều trị và theo dõi người bệnh một cách có kiến thức. Điều này làm giảm bớt sự sai sót và làm cho công tác của người điều dưỡng trở nên chuyên nghiệp hơn.

Trách nhiệm nghề nghiệp:

Với người bệnh:

Không bao giờ được từ chối giúp đỡ. Ý thức trách nhiệm trước cuộc sống của người bệnh đòi hỏi người điều dưỡng có sự quan tâm đặc biệt và sự sẵn sàng quên mình để giúp đỡ người bệnh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần nhớ rằng người bệnh đang có khó khăn về sức khỏe và cần sự giúp đỡ của nhân viên y tế.

Giúp đỡ người bệnh loại trừ các đau đớn về thể chất: trước người bệnh đang bị đau đớn vì bệnh tật, người điều dưỡng phải luôn thể hiện một sự thông cảm và quan tâm đặc biệt, xem nỗi đau đớn của người bệnh như nỗi đau đớn của chính mình để mọi cách cứu giúp. Khi tiến hành các kỹ thuật chăm sóc và điều trị nhẹ nhàng để hạn chế tới mức thấp nhất sự đau đớn cho bệnh nhân.

Hỗ trợ về tinh thần cho người bệnh: tình trạng về tinh thần và thể chất của người bệnh thực tế khác với tình trạng của người khỏe do ảnh hưởng của bệnh tật, sự cách ly người thân, môi trường bệnh viện và nhiều yếu tố khác. Vì vậy, khi tiếp xúc với người bệnh, người điều dưỡng phải tôn trọng, thông cảm, quan tâm và tạo được lòng tin của người bệnh vào hiệu quả điều trị, đặc biệt đối với các bệnh nhân nặng ở giai đoạn cuối.

Với nghề nghiệp

Người điều dưỡng luôn gắn liền trách nhiệm và nghĩa vụ cá nhân đối với nghề nghiệp qua việc thực hành thường xuyên, không học tập ngừng  nâng cao trình độ chuyên môn; rèn luyện sức khoẻ,… để có khả năng làm tốt việc chăm sóc người bệnh.

Người điều dưỡng cần phải thường xuyên duy trì chuẩn mực về đạo đức cá nhân phù hợp với nghề nghiệp để củng cố niềm tin của cộng đồng. Ngoài ra cũng nên xem xét khả năng của cá nhân trong việc chấp nhận hoặc giao trách nhiệm.

Người điều dưỡng thông qua các tổ chức nghề nghiệp để hoạt động nhằm tạo ra hoặc duy trì sự công bằng xã hội và điều dưỡng.

Với đồng nghiệp

Cộng tác, đoàn kết, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau tạo điều kiện để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc người bệnh.

Sự phê bình có thiện chí: nguồn gốc của các mối quan hệ phức tạp trong tập thể là sự hiềm khích lẫn nhau. Do đó sự phê bình thiện chí là điều kiện để củng cố tập thể và giữ gìn đoàn kết.

Truyền thụ kinh nghiệm: nâng cao ý thức trau dồi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để bảo đảm an toàn và đảm bảo việc chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.

Tóm lại, một khi chúng ta chấp nhận vai trò của người điều dưỡng thì đồng thời phải có bổn phận chấp hành và thực hiện tốt các yêu cầu về năng lực chuyên môn, phẩm chất, đạo đức của nghề nghiệp.

Thưa quý đại biểu, trên đây là một số ý kiến nhỏ của chi hội bệnh viện ĐKKV Cù Lao Minh trình bày với Đại hội. Trước khi dứt lời, xin được kính chúc quý đại biểu dồi dào sức khỏe. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Trân trọng kính chào

Nguyễn Thị Mạnh - Chi hội Điều dưỡng BVĐKKV Cù Lao Minh