Ngày đăng: 26-02-2023     Tác giả: Diệu Hiền     Chuyên mục: GƯƠNG HOẠT ĐỘNG KH&CN

Với niềm đam mê hoa giấy, ban đầu chỉ là trồng theo sở thích, nhưng sau 01 năm chăm sóc bán có lãi vào dịp tết, chị Trần Thị Nê, sinh năm 1968, ấp Thới Thuận xã Châu Hòa (huyện Giồng Trôm) đã mạnh dạn vay vốn quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng hoa kiểng, bước đầu đem lại hiệu quả khá cao.

Chị Nê là người yêu hoa từ nhỏ, nhất là hoa giấy, nên lúc nào trong nhà chị cũng đầy hoa giấy. Một dịp tình cờ chị xin giống hoa giấy Mỹ của người quen về trồng, nhờ khéo léo chăm sóc mà hoa giấy phát triển tốt, cho hoa rất nhiều, đều và đẹp. Chỉ trồng chơi nhưng sau 01 năm, thấy hoa đẹp, vào tết Nguyên đán năm 2020 chị cùng chồng bắt đầu bán những chậu hoa giấy các loại lãi được 10 triệu đồng. Phấn khởi và cùng niềm đam mê hoa kiểng, vợ chồng chị Nê quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình này.

 

Từ đam mê đến khởi nghiệp thành công từ hoa giấy (Ảnh: Diệu Hiền)

 

Năm 2021, được sự giới thiệu của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Châu Hòa, chị Nê vay 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Sau 01 năm đáo hạn, chị tiếp tục vay 15 triệu đồng cùng với vốn vay hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 10 triệu đồng, chị Nê cùng chồng bỏ thêm vốn tích lũy, mở rộng việc trồng hoa kiểng với mức đầu tư đến nay hơn 100 triệu đồng gồm: hoa giấy, hoa lan và hoa sứ.

Chị Trần Thị Nê chia sẻ: Nhờ có Hội LHPN xã giới thiệu cho vay 2 nguồn vốn, phát triển kinh tế với khởi nghiệp được 25 triệu. Ban đầu tôi vì sở thích mà trồng hoa nhưng thấy bông nhiều, gia đình tôi bán, bà con xung quanh thấy hoa đẹp nên ủng hộ, có chậu nào là bán hết chậu đó, thấy rất phấn khởi. Dịp tết Nguyên đán năm nay, thấy tín hiệu cũng đáng mừng, hoa trổ đúng dịp tết, hứa hẹn mùa bông tết sung túc.

Hoa giấy nhà chị có đủ loại và đủ màu sắc, chồng chị là anh Nguyễn Văn Trò là người chăm sóc chính cho cây từ nhân giống, tỉa cành, uốn cây đến xử lý ra hoa. Chia sẻ về cách trồng hoa giấy và cho ra hoa vào đúng dịp tết, anh Trò cho biết: Trộn phân thì coi như một mộng dừa một trấu với phân dê hoặc phân chuồng với tro trấu đen, mình trộn lại với nhau. Đầu tháng 11âm lịch, lúc cây đang xanh tốt  thì mình cắt nước chừng 1 tuần mình tưới lại, nó khô thì mình tưới chừng chừng cho nó sống. Vậy là hoa giấy sẽ cho ra hoa đúng vào dịp tết.

Ngoài hoa giấy, Chị Nê và anh Trò còn mạnh dạn đầu tư vào hoa lan. Do mới bắt đầu nên anh chị chỉ trồng vài loại như: Dendro, hồ điệp,… Nhờ chịu khó chăm sóc, học tập kinh nghiệm từ bạn bè và qua internet mà vườn lan của anh thích nghi tốt, nhân được nhiều giống, cho ra hoa đẹp. Anh chị cũng bắt đầu có thêm nguồn thu nhập từ hoa lan với giá trung bình 200.000 đồng/cặp.

 

Vợ chồng chị Trần Thị Nê chăm sóc hoa lan (Ảnh: Diệu Hiền)

 

“Lan này nếu mình trồng đã bền, chuẩn rồi thì rằm tháng 10 mình cắt nước nó, từ ngày cắt nước rới ra hoa là 70 ngày lận, mình chăm sóc phân thuốc, sau khi cắt nước chừng 1 tuần mình tưới nước lại chừng chừng, rồi cũng tưới phân thuốc xịt thuốc như B1 và các loại thuốc bán để chăm sóc cho lan, mình xịt trong hướng dẫn pha nhiêu thuốc pha nhiêu nước rồi mình chăm sóc - anh Nguyễn Văn Trò cho biết cách chăm sóc hoa lan ra hoa vào dịp tết.

Để có chậu phục vụ cho việc bán hoa, anh chị học hỏi và đầu tư thêm nghề làm chậu hoa kiểng, mỗi cặp dao động từ  500.000 - 800.000 đồng, lợi nhuận đem về mỗi năm hơn 15 triệu đồng.

Nói về mô hình khởi nghiệp của chị Nê, chị Trần Thị Thanh Mừng - Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Hòa cho biết: Cuối năm 2021, Hội LHPN tỉnh Bến Tre hỗ trợ cho Hội LHPN xã Châu Hoà nguồn vốn phụ nữ khởi nghiệp, với mức vay mỗi hội viên được 10 triệu đồng. Thấy được mô hình của chị Trần Thị Nê – Chi hội ấp Thới Thuận, trồng hoa kiểng, mô hình này có hiệu quả. Hội LHPN xã giới thiệu chị tiếp cận nguồn vốn này, nguồn vốn này 10 triệu đồng không có lãi suất. Bên cạnh đó thấy được mô hình này có hiệu quả Hội tiếp tục giới thiệu chị vay bên quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với tổng kinh phí 25 triệu đồng. Về chị trồng hoa giấy và nhân rộng ra. Thấy mô hình này có hiệu quả, tiếp theo năm 2023 Hội LHPN xã chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra cho những hội viên phụ nữ mà gặp khóp khăn để tiếp cận nguồn vốn phụ nữ khởi nghiệp để làm sao cho các chị phụ nữ khó khăn vương lên thoát nghèo và có số kinh phí phục vụ cho gia đình mình”

Với những thành công bước đầu, trong thời gian tới Chị Trần Thị Nê sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng vườn trồng, hứa hẹn một mô hình trồng hoa kiểng đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp chị vươn lên làm giàu trong tương lai không xa.

                                             Diệu Hiền