Nhà giáo ưu tú nêu gương tiên phong trong hoạt động sáng tạo khoa học và khởi nghiệp
Ngày 20-4-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre đã tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và triển khai cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2024-2025. Nhà giáo ưu tú bên cạnh chuyên môn giỏi, mỗi Thầy, Cô còn là gương điển hình cho việc tiên phong trong đổi mới, sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng dạy học và lan tỏa giá trị cho giáo dục tích cực. Trong 15 Nhà giáo ưu tú được vinh danh, có Nhà giáo ưu tú Bùi Văn Tròn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu và Nhà giáo ưu tú Ngô Song Đào, giáo viên trường Tiểu học, THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam là những gương tiên phong trong hoạt động sáng tạo khoa học và khởi nghiệp.
Nhà giáo ưu tú Bùi Văn Tròn (Thầy) với trên 20 năm trực tiếp đứng lớp giảng dạy, đã 02 lần đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, Thầy tiếp cận với hoạt động sáng tạo khoa học từ năm học 2013-2014 đến nay. Với niềm đam mê và sáng tạo, Thầy đã hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều dự án khoa học đạt 13 giải cấp tỉnh (05 giải Nhất, 04 giải Nhì, 02 giải Ba và 02 giải Tư) và 06 giải cấp quốc gia (02 giải Nhất, 02 giải Nhì và 02 giải Tư) tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học. Bên cạnh đó, Thầy đã tham gia thực hiện đề tài khoa học cơ sở; giải pháp sáng tạo kỹ thuật, trong đó có 01 giải pháp đạt giải toàn quốc, 06 giải pháp đạt giải cấp tỉnh (01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba, 01 giải Khuyến khích); hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng đạt 05 giải cấp tỉnh (01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 03 giải Ba). Đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lí, từ năm học 2017-2018 đến năm học 2023-2024 Thầy đã cùng tổ chuyên môn bồi dưỡng học sinh đạt 17 giải cấp tỉnh (01 giải Nhất, 09 giải Nhì, 02 giải Ba và 05 giải Khuyến khích). Những kết quả trên là minh chứng về những nổ lực cống hiến không ngừng nghỉ của Thầy cho giáo dục, cho học trò nhiều thế hệ, góp phần đào tạo nhân tài khoa học, công nghệ cho đất nước.
Để có được hiệu quả thực tiễn vừa nêu, ngoài môi trường làm việc, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, cá nhân Thầy phải có góc nhìn riêng, cách làm hay, sau đây là những chia sẻ của Thầy với mong muốn lan tỏa đến giáo viên, học sinh về sáng tạo khoa học trong trường học phổ thông.
Theo Nhà giáo ưu tú Bùi Văn Tròn, hoạt động sáng tạo khoa học có nhiều ý nghĩa đối với đổi mới giáo dục hiện nay đó là:
Thúc đẩy tư duy sáng tạo: Khi học sinh tham gia vào các hoạt động sáng tạo khoa học như thí nghiệm, tìm hiểu vấn đề, giải quyết vấn đề, học sinh được phát triển tư duy sáng tạo và khám phá khả năng của bản thân.
Tăng cường kiến thức và kỹ năng: Các hoạt động sáng tạo cung cấp cơ hội cho học sinh áp dụng kiến thức khoa học vào thực tế. Điều này giúp học sinh hiểu sâu về các khái niệm khoa học và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.
Khuyến khích học tập tích cực: Hoạt động sáng tạo khoa học thường mang tính thách thức và kích thích sự tò mò, sự hứng thú của học sinh. Điều này giúp tạo ra một môi trường học tập tích cực và khuyến khích sự tự nghiên cứu.
Phát triển kỹ năng tương tác xã hội: Các dự án khoa học thường đòi hỏi hợp tác, giao tiếp và làm việc nhóm. Thông qua việc làm việc cùng nhau trong các dự án này, học sinh học được cách làm việc hiệu quả trong nhóm và trao đổi ý kiến.
Khuyến khích sự đa dạng trong giáo dục: Hoạt động sáng tạo khoa học không có giới hạn địa lý hoặc tài chính, điều này có nghĩa là mọi học sinh, dù ở đâu cũng có thể tham gia vào. Do đó, khuyến khích sự đa dạng và bình đẳng trong giáo dục.
Xây dựng lòng tin và tự tin: Khi học sinh hoàn thành các dự án sáng tạo và thấy được kết quả của công việc của mình, học sinh phát triển lòng tin và tự tin vào khả năng của mình.
Hoạt động sáng tạo khoa học không chỉ giúp học sinh hiểu sâu về khoa học mà còn phát triển các kỹ năng quan trọng và tính cách mạnh mẽ để trở thành công dân toàn diện trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, để sáng tạo, hướng dẫn học sinh sáng tạo hiệu quả giáo viên cần phải:
Tạo môi trường hỗ trợ: Tạo ra một môi trường học tập mở, an toàn và được khích lệ, nơi mà học sinh cảm thấy thoải mái để thảo luận ý tưởng, thử nghiệm và đưa ra các ý tưởng mới mẻ.
Kích thích sự khám phá: Giáo viên nên kích thích sự khám phá bằng cách đặt câu hỏi, tạo ra tình huống thú vị và động viên học sinh tự mình giải quyết.
Tạo cơ hội cho học sinh tự do sáng tạo: Cho phép học sinh chọn chủ đề hoặc phương pháp làm việc mà học sinh cảm thấy phù hợp và quan tâm. Không nên giới hạn quá nhiều về cách thức hoặc kết quả cuối cùng.
Thúc đẩy hợp tác và giao tiếp: Tạo ra các hoạt động nhóm và thúc đẩy việc trao đổi ý kiến, phản hồi và làm việc cộng tác trong nhóm.
Đặt mục tiêu rõ ràng và linh hoạt: Xác định mục tiêu cụ thể mà học sinh cần đạt được, nhưng cũng để cho học sinh có không gian để khám phá và thử nghiệm theo cách của riêng từng học sinh.
Giáo viên xây dựng một không gian mở, đón nhận phản hồi từ học sinh: Dành thời gian để nhận phản hồi từ học sinh về ý tưởng của học sinh và cách học sinh có thể cải thiện. Phản hồi nên được đánh giá cao ý tưởng và góp ý xây dựng, thúc đẩy sự tiến bộ.
Giáo là chủ thể cung cấp nguồn cảm hứng: Thể hiện sự sáng tạo thông qua việc gợi ý, chia sẻ các ví dụ thú vị để thu hút học sinh.
Giáo viên tạo ra các cơ hội để chia sẻ và triển khai ý tưởng: Tổ chức buổi triển lãm, thảo luận hoặc thậm chí là các dự án thực tế để học sinh có cơ hội chia sẻ ý tưởng và nhận phản hồi từ cộng đồng.
Cuối cùng, để phát hiện được những học sinh có tư duy sáng tạo tốt, giáo viên có thể triển khai các giải pháp sau:
Quan sát trong lớp học: Lắng nghe và quan sát cẩn thận các hoạt động của học sinh trong lớp học. Những học sinh có tư duy sáng tạo thường có xu hướng đưa ra các ý tưởng mới mẻ, phản ứng linh hoạt và sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề.
Tạo môi trường thuận lợi cho học sinh thảo luận và nhận phản hồi: Tạo cơ hội cho học sinh thảo luận ý tưởng của các em, đặt câu hỏi để khám phá sâu hơn về suy nghĩ và quan điểm của mình. Phản hồi từ giáo viên cũng có thể giúp nhận biết học sinh có tư duy sáng tạo bằng cách nhấn mạnh vào sự sáng tạo và khám phá của học sinh.
Quản lý lớp học sáng tạo: Tạo ra các hoạt động và bài giảng mở, linh hoạt để khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Quan sát cách mà học sinh phản ứng và tham gia vào các hoạt động này có thể giúp phát hiện những học sinh có tư duy sáng tạo.
Đánh giá sản phẩm và dự án: Xem xét kết quả của các dự án, bài tập hoặc sản phẩm mà học sinh tạo ra. Những học sinh có tư duy sáng tạo thường tạo ra những sản phẩm độc đáo và không giới hạn trong việc thể hiện ý tưởng của mình.
Tạo cơ hội cho tự do sáng tạo: Cho phép học sinh tham gia vào các hoạt động tự do, tự chọn để thể hiện tư duy sáng tạo của học sinh. Quan sát cách học sinh sử dụng thời gian và nguồn lực có thể giúp phát hiện những học sinh có tiềm năng sáng tạo.
Cùng điểm chung với Nhà giáo ưu tú Bùi Văn Tròn về đam mê sáng tạo khoa học, Nhà giáo ưu tú Ngô Song Đào (Cô) còn là gương điển hình trong sáng tạo khởi nghiệp.
Sự nghiệp trồng người, gieo chữ của Nhà giáo ưu tú Ngô Song Đào đã trên 30 thế hệ học sinh, trong thời gian đó Cô đã 3 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Dù công tác ở vùng nông thôn, chất lượng học sinh không đồng đều và điều kiện về kinh tế của học sinh còn nhiều khó khăn nhưng với tình yêu nghề, thương yêu học trò, sự bền chí, Cô đã tạo ra cảm hứng và truyền cho học trò nguồn năng lượng tích cực, sự đam mê sáng tạo khoa học đúng với nghĩa “cái khó ló cái khôn”. Đặc biệt, ở Nhà giáo ưu tú Ngô Song Đào, ngoài đam mê sáng tạo, Cô đã mạnh dạn tiếp cận về giáo dục khởi nghiệp qua Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp” và đã nâng tầm sản phẩm sáng tạo khoa học thành sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp. Với dự án “Nhang sinh học” đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp năm 2017, năm 2018 “Nhang sinh học” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền số 21592 và được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao từ năm 2021 đến nay. Kết quả Cô đạt được không đơn thuần là tạo ra sản phẩm có ích cho cộng đồng mà đó còn là sự lan tỏa niềm tin về khoa học, về sự quyết tâm, bền chí trong truyền thông giáo dục khởi nghiệp ở các nhà trường hiện nay.
Nhà giáo ưu tú Bùi Văn Tròn (phía trái) và Nhà giáo ưu tú Ngô Song Đào (phía phải) trong Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ 16
Với nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi, cùng với tổ, nhóm chuyên môn đến nay Cô đã bồi dưỡng học sinh đạt 25 giải cấp tỉnh (02 giải Nhất, 05 giải Nhì, 10 giải Ba), hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học 3 dự án đạt cấp quốc gia và các dự án đạt giải cấp tỉnh. Ngoài ra, Cô còn hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi kiến tạo tương lai đạt 01 giải vô địch mùa thi năm 2019 và Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng đạt 03 giải cấp tỉnh. Bên cạnh đó là những sự quan tâm, âm thầm giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng Cô rất khiêm tốn, Cô luôn muốn lan tỏa giá trị tích cực cho cộng đồng không phải chỉ bằng lời nói mà bằng những việc làm thiết thực dù là từ việc nhỏ.
Thực tiễn cho thấy, với học sinh Tiểu học, THCS và điều kiện kinh tế ở vùng nông thôn, Cô đã tìm được niềm tin để có thể đồng hành cùng các em trong hoạt động sáng tạo khoa học và đi đến thành công. Cô chia sẻ: “Tôi luôn khát khao cháy bỏng là cho học sinh trường tôi được tiếp cận với Thầy giỏi, các chuyên gia giỏi, được tiếp cận phương pháp học mới, phương pháp hữu hiệu mà tôi có thể thực hiện khát khao ấy là hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi. Bản thân tôi cũng rất đam mê học hỏi, làm việc cùng Thầy, Cô giỏi và tiếp cận những phương pháp dạy mới, cách làm, cách nghĩ mới của đồng nghiệp và các chuyên gia. Hai điều trên là niềm tin thôi thúc tôi đồng hành với học sinh. Điều kiện kinh tế ở vùng nông thôn khó khăn, do đó để đồng hành với các em qua các năm tôi có cách làm như sau:
Tôi vận động bạn bè, người thân, cựu học sinh ở trong nước và ngoài nước để có nguồn quỹ hợp pháp, hợp thức hỗ trợ cho học sinh.
Đối với học sinh tham gia các cuộc thi: tôi hướng dẫn các em lên kế hoạch, cách chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả. Kiên quyết mục tiêu được tiếp cận hội đồng giám khảo cấp tỉnh, cấp quốc gia và cuối cùng là có phần thưởng bù lại phần kinh phí của quỹ trường (25%)”.
Cũng từ kinh nghiệm thực tiễn, Cô cho biết, sản phẩm sáng tạo khoa học đã thỏa được điều kiện cốt lõi của sáng tạo khởi nghiệp (tính mới, chưa ai làm), thỏa được xu hướng tiêu dùng của mọi người thích cái mới, cái độc đáo, tốt hơn cái hiện có. Do đó, giáo viên cần những quan tâm các nội dung sau để có thể nâng tầm sản phẩm sáng tạo khoa học thành sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp:
Phải có tầm nhìn: sản phẩm sáng tạo khoa học có thể phát triển thành sản phẩm khởi nghiệp không (có bán được không, thị trường có cần sản phẩm này không).
Phải có khả năng định vị sản phẩm làm ra bán cho phân khúc khách hàng nào.
Phải có đam mê làm việc để khẳng định bản thân, học cái mới để nâng tầm hiểu biết.
Phải có khả năng chịu được áp lực trong thời gian dài.
“Vạn sự khởi đầu nan”, điều này có vẻ luôn đúng với hoạt động sáng tạo khoa học và khởi nghiệp. Thấu hiểu học sinh, Cô luôn là người sát cánh, động viên các em khi gặp khó khăn, những lời động viên của Cô đã góp thêm sức mạnh, động lực để học sinh đạt đến thành công. Cô chia sẻ thêm: “học sinh THPT và THCS, khả năng chịu đựng với áp lực, khó khăn ở một số em chưa tốt lắm, các em có nỗi sợ thất bại, tâm lý đi thi là phải đậu, khi thất bại các em rất buồn, có em rất đau khổ trong thời gian khá dài. Do đó, khi bắt đầu hướng dẫn các em tham gia các cuộc thi tôi trao đổi với học sinh về mục tiêu công việc như sau:
Mục tiêu số 1: Được tiếp cận hội đồng giám khảo cấp tỉnh, cấp quốc gia, được tiếp cận với các bạn giỏi đồng trang lứa, được đi xa để mở rộng tầm hiểu biết.
Mục tiêu số 2: Tạo điều kiện để cơ thể chịu được cảm xúc tích cực và tiêu cực (khi thành công và khi thất bại). Tôi phân rất kỹ và thường xuyên trao đổi để cho học sinh thấm nhuần điều này.
Mục tiêu số 3: Phải thành công để có tiền thưởng bù lại kinh phí”.
Trong suốt quá trình đồng hành cùng các em, Cô thường có những câu nói động viên học sinh để học sinh có được nguồn năng lượng tích cực cũng như chấp hành kỷ luật làm việc trong nhóm. Một số câu nói mà theo Cô đã có hiệu quả tác động tích cực đến học sinh như: “Cô sẽ đến tham gia dù trời nắng hay trời mưa hoặc Em sẽ đến tham gia dù trời nắng hay trời mưa”; “Khó khăn càng nhiều thành công càng to, vinh quang càng lớn”; “Doanh nhân nói ra tiền học sinh nói ra điểm, nói giỏi điểm cao”; “Trong khoa học muốn nói giỏi phải làm tốt”; “Con đường thành công không có dấu chân của người lười biếng”; “Mồ hôi luôn làm đất nở hoa”; “Không thi thì thôi, thi phải đậu, đậu phải đậu cao”; “Hãy vì bản thân, vì cha mẹ, vì ngôi trường thân yêu chúng ta phải chạy trên thảm đỏ”; “Chăm chỉ, tự tin chiến thắng (chiến thắng bản thân)”;… Cô chia sẻ thêm: “Tùy vào những khó khăn của học sinh mà cô trò chúng tôi có những câu nói động viên nhau trong từng giai đoạn. Tôi cho học sinh thấu hiểu: khó khăn trong cuộc sống là tính tất yếu, trong nghiên cứu khoa học điều đó được minh chứng rõ nét. Tôi động viên học sinh bằng các câu chuyện của người khuyết tật vượt khó đi đến thành công. Giáo viên hướng dẫn cũng là động lực là nguồn cảm hứng cho học sinh vượt khó, do đó tôi cũng luôn rèn luyện cho mình đầy nhiệt huyết, luôn năng động, lạc quan trong từng công việc tôi làm”.
Với những đóng góp tích cực của Nhà giáo ưu tú Ngô Song Đào và Nhà giáo ưu tú Bùi Văn Tròn cho ngành giáo dục, cho cộng đồng thời gian qua đã chứng minh được rằng với sự sáng tạo, niềm đam mê, sự quyết tâm, bền chí và tình thương yêu học sinh thì ở điều kiện nào, ở vùng thành thị hay nông thôn, Thầy, Cô giáo đều có thể làm được nhiều điều có giá trị và ý nghĩa giáo dục. Những kết quả về giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của giáo viên, học sinh các trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre thời gian qua cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ chế thuận lợi của tỉnh nhà là cơ sở thực tiễn, là niềm tin khoa học vững chắc cho Thầy, Cô giáo triển khai giáo dục STEM và nâng tầm sản phẩm sáng tạo STEM thành sản phẩm sáng tạo khoa học và dự án khởi nghiệp góp phần với ngành giáo dục tỉnh nhà thực hiện thắng lợi cao điểm thi đua “Đồng khởi mới”.