Ngày đăng: 30-08-2024     Tác giả: Hoàng Vũ     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Nhiều năm qua và hiện nay, lươn của thầy giáo Huỳnh Văn Bình được hơn 110 triệu đồng/tháng.

 

Thầy Bình thường xuyên chăm sóc, theo dõi sự phát triển của lươn giống

 

Chuyện có thật

Đó là chuyện có thật 100% của thầy Huỳnh Văn Bình đang nuôi lươn giống, lươn thịt trong bể nhựa và bể lót bạt. Riêng lươn bố mẹ để đẻ lấy trứng thì nuôi trong ao bùn.

Năm 2002, thầy Bình vừa dạy học vừa nuôi trăn để cải thiện thu nhập cho gia đình, đến cuối năm 2014 Thầy chuyển sang nuôi lươn cho đến nay. Từ năm 2022 đến nay, lợi nhuận từ nuôi lươn của thầy Bình đạt hơn 110 triệu đồng/tháng. Thầy Bình nhớ lại: “Năm 2002, tôi nuôi trăn có đăng ký với Kiểm lâm Bến Tre. Ban đầu bán 5 phân vàng mua 2 con trăn cái ở thị trấn Mỏ Cày nặng 150g/con hết 480 ngàn đồng (tôi còn nhớ 2 người đi mua 2 con trăn còn dư tiền đổ 1 lít xăng và ăn 2 tô hủ tiếu). Tôi xin gà, vịt con (người ta chê), heo con mới đẻ bị loại ra đem về nuôi đến khi đàn trăn lên khoảng 200 con. Đầu năm 2014, thấy nuôi trăn lợi nhuận không nhiều, vịt con để cho trăn ăn bị lươn thường xuyên cắn lôi xuống hang. Tôi bắt gom được 10 con lươn rồi cho ăn bằng ruột vịt, ruột gà thuần dưỡng thành lươn bố mẹ. Sau đó, nó đẻ trứng và ấp bằng thủ công cho ra lươn bột, rồi lên lươn giống để nuôi lươn thịt và lươn bố mẹ. Gần 2 năm trời, nuôi lươn cũng ì ạch với không ít thất bại. Vì quá mê nuôi lươn, cuối cùng tôi cũng thành công. Sau năm 2021, xóa vụ giãn cách xã hội vì Covid-19, từ năm 2022 đến nay mỗi tháng tôi bán khoảng 100 ngàn con lươn giống cho khách hàng ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và khoảng 500kg lươn thịt cho khách hàng ở miền Nam, trừ chí phí còn lợi nhuận hơn 110 triệu đồng/tháng”.

Hiện nay, thầy Bình đang mở rộng thêm 200m2 bể để sản xuất lươn giống. Sản lượng sản xuất lươn giống dự kiến khoảng 200 ngàn con/tháng.

Chia sẻ kinh nghiệm

Theo thầy Bình, muốn nuôi lươn giống và lươn thịt thành công 100%, tuyệt đối phải sử dụng nước sạch. Không nên sử dụng nước mặt (sông, ngòi, kênh, rạch…) vì dễ bị ô nhiễm và bị thuốc trừ sâu; do đó sử dụng nước giếng khoan sâu từ 10m-13m là tốt nhất. “Nước lợ nuôi lươn là rất tốt, độ pH của nước từ 6,5 – 8,0 là thích hợp để nuôi lươn. Trong bể nuôi lươn bố mẹ, tôi thường xuyên nuôi luân phiên 6.000 con (tổng trọng lượng khoảng 1 tấn). Tôi tuyển lươn bố mẹ nào hơn 300g/con thì chuyển vào bể nuôi lươn thịt (giá bán trung bình 120 ngàn đồng/kg). Muốn nuôi lươn giống thì phải cho lươn mẹ đẻ với nhiệt độ nước từ 23-27oC. Dùng vợt vớt trứng lươn cho vào máy ấp, tỉ lệ nở 80-95% là đạt yêu cầu. Trứng lươn nở ra sau 144 giờ có chiều dài thân từ 16-33mm (gọi là lươn bột). Từ lươn bột nuôi 60 ngày trở thành lươn giống dài khoảng 8cm với giá bán từ 2 ngàn đến 3 ngàn đồng/con để nuôi thành lươn thịt hoặc lươn bố mẹ. Trong khai nuôi lươn bột lên lươn giống nên có chùm dây nilon tái sinh (bản rộng 0,6cm – 1cm và dài khoảng 4cm) làm nơi trú ngụ cho lươn. Thức ăn cho lươn giống là thức ăn bột (viên nhỏ), lúc lươn mới nở 50 ngàn con ăn hết 50g thức ăn/ngày. Cho ăn phải đúng giờ và lượng thức ăn ngày càng tăng dần từ từ. Còn muốn nuôi lươn thịt thì chọn lươn giống có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, có màu vàng đặc trưng của lươn, bơi nhanh lẹ, da không bị trầy xước, không bị mất nhớt. Mật độ nuôi khoảng 45 con/1m2 là vừa. Trước khi nuôi lươn thịt phải cho lươn giống vào bể nuôi, tắm qua dung dịch nước muối nồng độ 2–3% từ 1-2 phút. Nếu phát hiện những con bị bệnh hay yếu, lờ đờ, xây sát thì phải loại ra ngay”, thầy Bình cho biết thêm kinh nghiệm nuôi lươn giống và lươn thịt. 

Cũng theo kinh nghiệm của thầy Bình, trong giai đoạn nuôi nên thay nước toàn bộ hàng ngày và vệ sinh bể nuôi để kích thích lươn ăn mồi. Trong bể nuôi lươn thịt cũng phải có chùm dây nilon dài khoảng 1m để lươn làm ổ. Do lươn có tập tính ăn lẫn nhau, nên khoảng 1 tháng nuôi hoặc thấy lươn có phân đàn cần tiến hành phân cỡ ra nuôi riêng để hạn chế  hao hụt vì con lươn lớn thường ăn con lươn nhỏ. Thay 100% lượng nước trong bể trước hoặc sau khi cho ăn từ 1-2 giờ, từ 1-2 lần/ngày. Nếu nuôi mật độ dầy, nên thay nước mỗi ngày 2 lần; còn nuôi mật độ thưa thì 1 ngày thay nước 1 lần. Nuôi từ 8–10 tháng thì đạt lươn thịt từ 150 – 250g trở lên/con hay còn gọi là lươn thương phẩm. Tuyệt đối không cho lươn ăn thức ăn có chất kháng sinh (nếu phát hiện có chất kháng sinh thì thương lái ép giá hoặc không mua dẫn đến thua lỗ). Nên thu hoạch lươn vào sáng sớm hoặc chiều mát. Thao tác thu hoạch phải dứt khoát, vận chuyển nhanh. Sau khi thu hoạch, nên vận chuyển lươn thịt đến nơi tiêu thụ ngay trong ngày hoặc chạy oxy cho lươn vì để lâu tỷ lệ lươn chết rất cao…

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thanh Tây Nguyễn Tấn Huỳnh phấn khởi: “Hiện nay, thầy Bình là thành viên của Câu lạc bộ nông dân tỷ phú huyện Mỏ Cày Bắc. Trong xã Tân Thanh Tây có 13 hộ nông dân nhân rộng mô hình nuôi lươn giống và lươn thịt như thầy Bình rất thành công (mỗi tháng thu lợi nhuận từ bán lươn hơn 7 triệu đồng/hộ). Thầy Bình còn hướng dẫn rõ kỹ thuật nuôi, bao tiêu sản phẩm cho các hộ trong xã nuôi lươn của thầy (thậm chí lươn giống mua về nuôi bị chết thầy bù cho con giống  không thêm tiền)”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Trung Nghiệp đánh giá cao mô hình nuôi lươn phát triển kinh tế của thầy Bình: “Với đồng lương khiêm tốn ban đầu của giáo viên, vừa dạy học vừa nuôi trăn với quy mô trang trại rồi nhanh chống chuyển qua nuôi lươn là rất năng động, sáng tạo. Hôm nay, thầy Huỳnh Văn Bình đang là tỷ phú thật đáng biểu dương. Quá đó, thầy Bình góp phần phát triển kinh tế cho bản thân (hơn 1,3 tỷ đồng/năm), giúp ích cho gia đình và cho trên 10 hộ nông dân ở Tân Thanh Tây vừa đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao”.