Ngày đăng: 07-10-2024     Tác giả: Nguyễn Văn Toàn     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Kỷ niệm 104 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2024)

Đồng chí Tố Hữu (4/10/1920-9/12/2002) là người cộng sản kiên trung, nhà thơ lớn của dân tộc. Đồng chí Tố Hữu từng giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. Đồng chí Tố Hữu là nhà thơ lớn có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam. Với những đóng góp to lớn, đồng chí Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cùng nhiều Huân chương, Huy chương và phần thưởng cao quý khác.

 

Đồng chí Tố Hữu, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. (Ảnh tư liệu lịch sử)

 

Lời căn dặn của Bác Hồ với đồng chí Tố Hữu về xây dựng phong trào cách mạng và xây dựng Đảng

Đồng chí Tố Hữu là người có những kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt đồng chí đã được Người căn dặn về xây dựng phong trào cách mạng và xây dựng Đảng.

Trong “Nhớ lại một thời” (Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002), đồng chí Tố Hữu viết: “Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ hai của Đảng (11 - 19/2/1951), tôi được cử vào Ban Chấp hành Trung ương, làm ủy viên dự khuyết. Lúc ấy tôi 31, không trẻ lắm, nhưng so với các anh khác là loại em út. Tôi vẫn được phân công làm công tác tuyên truyền và văn hóa. Vì công việc này và có lẽ đã là ủy viên Trung ương nên dễ được gần Bác hơn để nhân các chỉ thị về công tác tư tưởng, văn hóa”.

Ba tháng sau, đồng chí Tố Hữu được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Tố Hữu nhớ lại: Vào một ngày tháng 5 năm 1951 đáng nhớ ấy, tôi được Bác gọi lên làm việc. Lần đầu ở chiến khu được đến gặp Bác, tôi rất hồi hộp. Cảnh Việt Bắc vào đầu hè trời trong sáng, bốn bề một màu xanh ngút mắt. Con đường đến nhà Bác men theo một dòng suối trong vắt mát lạnh, hai bên bờ là những nương ngô xanh mướt.

Thấy tôi đến, Bác gọi vào và bắt tay dịụ dàng. Tôi hết sức cảm động khi được nắm bàn tay của Người, bàn tay nồng ấm, và ngay lập tức, nó cho ta cái cảm giác gần gũi, thân tình. Bác chỉ một chiếc ghế nhỏ, bảo tôi ngồi chờ một chút, vì Người đang vội viết nốt một cái gì đó. Tôi ngồi chờ và nhìn quanh nơi ở và làm việc của Người: Căn nhà sàn nhỏ vách mai, mái nứa, cột tre thoáng mát, chiếc giường nhỏ và cái bàn viết đều làm bằng những cây vầu đập dập. Tôi rất chú ý đến một cái bồ xinh xinh ở góc bàn. Đó là cái bồ đựng công văn để khi cần di chuyển có thể mang đi dễ dàng. Mấy chú bồ câu tha thẩn ngoài sân, có khi bay qua cửa sổ vào nhà, đi quanh bồ công văn tìm thức ăn. Tôi nghe nói lúc làm việc căng thẳng quá, hoặc lúc nghỉ ngơi Bác thường rắc thóc cho mấy chú chim. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn, muốn in thật sâu vào lòng mình hình ảnh của Bác. Người ngồi đó, sao giản dị đến vậy: Bộ quần áo nâu, đôi dép cao su, dáng cao gầy, đôi mắt sáng và bộ râu rất thoáng của một cụ già Việt Nam nhân từ. Vậy mà con người này đang là linh hồn của cuộc kháng chiến vĩ đại. Nhân dân cả nước đều gọi Người là cha già dân tộc, tuy lúc này Người mới hơn sáu mươi tuổi.

Bác viết xong, quay lại hỏi tôi:

- Công việc của các chú thế nào? Chú làm tuyên truyền mà ở trong rừng núi thế này thì nói với ai, và làm sao mà thấy được quân dân ta đánh giặc ra sao?

Vậy là Bác đã nói với tôi một vấn đề mà chúng tôi đang cảm thấy rất khó xử. Nếu được tùy ý đi về các địa phương, vào vùng sau lưng địch hay vào khu IV, nhất là vùng Bình Trị Thiên quê tôi, thậm chí đi vào sâu hơn nữa, đến tận mũi Cà Mau thì hay biết mấy. Nhưng như thế thì bỏ cơ quan cho ai.

Tôi nói điều đó với Bác, Bác châm một điếu thuốc, chăm chú lắng nghe tôi nói rồi ân cần bảo:

- Chú không đi được nhiều, thì đi ít và gần thôi. Theo Bác, tốt nhất là biết được nơi nào chiến đấu giỏi thì mời chính cán bộ và chiến sĩ nơi ấy về kể lại cho anh em nghe, cho tất cả anh em ở Trung ương nghe. Như vậy anh em được báo cáo chiến công của mình, cán bộ cơ quan cũng được hiểu tình hình tốt hơn.

Nghe Bác nói tôi mới nhận ra rằng nếu những tấm gương điển hình trong chiến đấu và sản xuất được báo cáo cụ thể, sinh động, rồi đúc kết lại thành những bài học lớn, sâu sắc cho toàn quân và toàn dân biết thì tác dụng của nó sẽ được nhân lên gấp bội.

Tôi thưa với Bác:

- Cháu xin có một đề nghị: Cuộc kháng chiến đã được 5 năm rồi, rất có nhiều anh hùng và chiến sĩ thi đua như anh La Văn Cầu, chị Nguyễn Thị Chiên. Nếu Trung ương chủ trương tổ chức một Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc thì cháu nghĩ rất tốt. Và như vậy mới thực hiện được lời Bác dạy: “Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”. Có phải thế không ạ?

Bác nhìn tôi vẻ hài lòng:

- Ý chú được đấy. Nên báo cáo với đồng chí Trường Chinh xin ý kiến Thường vụ.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi sung sướng quá. Chào Bác ra về, tôi cảm thấy lâng lâng vì chỉ một lúc được gặp Bác, được trình bày những khó khăn trong công tác mà đã được Bác chỉ cho một cách làm mới mẻ.

Cũng trong “Nhớ lại một thời”, đồng chí Tố Hữu viết: Tháng 10 năm 1965, Bộ Chính trị phái tôi vào khu Bốn để góp sức với anh em. Tôi vào xin ý kiến Bác trước khi đi, Bác bảo ngay:

- Chú đã tính làm gì chưa?

Tôi thưa :

- Khu Bốn là vùng nghèo đói, lại bị bom đạn thì tình thế rất khó khăn, các đảng bộ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong cuộc chiến tranh phá hoại này, cháu nghĩ là có động viên được Nhân dân hăng hái chiến đấu và sản xuất thì tình hình mới bền vững.

- Làm thế nào động viên được đồng bào?- Bác hỏi lại.

Tôi liền thưa :

- Dân mình thường nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cho nên cần trước hết chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh ...

Bác cười:

- Chú biết làm thế nào cho Đảng vững mạnh không?

- Dạ, phải giáo dục thật tốt cán bộ đảng viên.

- Ai giáo dục? - Bác hỏi lại.

Tôi cảm thấy lúng túng, nghĩ rằng chắc Bác có ý kiến lớn, bèn thưa:

- Xin Bác chỉ thị cho bọn cháu làm tốt.

 Đến đây Bác nói ngay:

- Không nên hỏi Bác mà nên hỏi dân mới đúng. Theo Bác, chú nên bàn với các tỉnh ủy, huyện ủy cách làm này: đến từng cơ sở làng, xã, họp dân lại, nêu câu hỏi rất đơn giản “Ở làng xã ta, ai chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi” và mời dân phát biểu thẳng thắn. Họ sẽ chỉ cho mình biết những người ấy là ai. Rồi các chú xem lại, những đảng viên, cán bộ hiện nay, đã được bà con nhận xét thế nào? Ai được dân tín nhiệm, khen giỏi cả hai mặt: sản xuất và chiến đấu, thì đó là đảng viên tốt, ai chưa được dân tin thì cần giáo dục thêm. Những đồng chí được dân yêu mến, tin cậy nhất mới xứng đáng là người lãnh đạo của đảng bộ. Trái lại, ai bị dân khinh ghét thì không thể lãnh đạo được, cần thay đổi ngay. Nhiều chú bây giờ xa dân quá, những điều Bác vừa nói là kinh nghiệm xưa nay, nhưng không mấy chú thực hiện. Thậm chí cứ để mãi trong đảng những đảng viên hư hỏng, lười biếng, hèn nhát, bị dân oán giận, thì còn lãnh đạo được ai? Đó là ý kiến của Bác, chú có làm được không?

Đúng như Bác nói: Chỉ có dân mới biết được ai thật xứng đáng là cán bộ, đảng viên. Dân ta rất tốt, rất tinh, biết tin dân thì mới được dân tin.

Từ đáy lòng, tôi cảm ơn Bác đã dạy bảo và quyết tâm thực hiện kỳ được. Thế là vào Quảng Bình, tôi đưa ngay chỉ thị của Bác ra bàn. Mời các đồng chí tỉnh ủy, cả các đồng chí bí thư, thường vụ xuống một số làng, xã làm ngay. Một tuần sau, anh em trở về tỉnh, báo cáo kết quả, thật bất ngờ. Chi bộ nào, kể cả bí thư, cũng được bà con thành thật nói rõ: ai giỏi, ai không giỏi về sản xuất và chiến đấu. Thậm chí có nơi bí thư bỏ chạy trốn khi địch bắn phá, để mặc dân tự lo liệu và cả làng đều hoang mang, lo sợ. Chi bộ liền họp ngay, cảnh cáo những đảng viên hèn nhát, bầu bí thư và chi ủy mới gồm toàn những đồng chí được bà con khen ngợi nhất, và công việc sản xuất cũng như chiến đấu chuyển biến tốt rất nhanh. Tôi góp ý với anh em có thể dùng hình thức “báo công, bình công”, để thúc đấy phong trào “Hai giỏi”, tạo không khí phấn khởi từ trong Đảng ra làng xóm.

 

Đồng chí Tố Hữu, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. (Ảnh tư liệu lịch sử).

 

Đồng chí Tố Hữu và những vần thơ về đất nước của V.I.Lênin

Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) là quê hương của V.I.Lênin, của Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917. Bên cạnh đó, Nhân dân Xô viết là cứu tinh cho nhân loại khi đã kết liễu chủ nghĩa phát xít, kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945). Đất nước này còn là thành trì hòa bình của thế giới, là ngọn cờ cổ vũ cho phong trào công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Bởi vậy, những vần thơ về Liên Xô của đồng chí Tố Hữu luôn có một tình cảm yêu mến đặc biệt.

Viết về Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, đồng chí Tố Hữu dành một tình cảm đặc biệt thiêng liêng:

Cách mạng tháng Mười
Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó
Với Lê-nin, làm lại loài người
Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi
Trong đêm tối, mở chân trời hừng hực
(Với Lê-nin,1958)

 

Ta sống lại, làm người, được sống
Ta đứng lên vĩnh viễn là người
Trái đất bỗng giật mình chuyển động
Từ hôm nay, Cách mạng tháng Mười
(Bay cao, 1959)

 

Trời sắp rạng đông
Lê-nin bước đi, sôi nổi, giữa rừng thông
Cỏ đồng ngập lối
Mà như cùng muôn triệu công nông
Xông vào Cung điện Mùa Đông
(Lều cỏ Lê-nin, 1970).

Bên cạnh đó, đồng chí Tố Hữu cảm nhận ra rằng V.I.Lênin sống mãi trong sự nghiệp của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động, các dân tộc bị áp nức và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới:

Tôi đã đi
Giữa mùa hè chín mẩy
Xi-bê-ri hay Tbi-li-xi
Đâu đâu tôi cũng thấy Lê-nin
Mỗi công trường xưởng máy
Lê-nin, ấy là lò thép chảy
Thành những óc tim, lửa cháy bừng bừng
Trên thảo nguyên, đồng nội, núi rừng
Lê-nin, ấy là nguồn điện lực
Với Xô viết, làm thiên đường sáng rực!
Khắp những nẻo đường náo nức tôi đi
Hiển hiện Lê-nin phơi phới diệu kỳ
(Với Lê-nin, 1958)

Viết về những ngày cuộc chiến chống lại phe phát xít của Liên Xô, đồng chí Tố Hữu đã ca ngợi:

Diệu kỳ thay! Hai trăm ngày Xta-li-grát
Nở muôn năm một thế giới hồng

Pháo đài đây, ngôi nhà Pav-lốp
Năm mươi tám ngày bão sắt, chẳng rung
Anh lính trẻ vào Bá-linh cùng tướng quân Chu - cốp
Chẳng biết đâu mình cũng anh hùng!
(Sta-lin-grát, một ngày xuân, 1970)

Liên Xô lâm vào khủng hoảng. Đúng vào dịp 74 năm kỷ niệm Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại, đồng chí Tố Hữu đã viết bài thơ “Chân lý vẫn xanh tươi”. Bài thơ có đoạn:

Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử
Cào chiến công, xé cả xác anh hùng
Ôi! Nỗi đau này là nỗi đau chung
Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát?

Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát
Và cả bay quân cướp nước, giết người
Chớ vội cười! Chân lý vẫn xanh tươi
Cách mạng Tháng Mười vẫn mở đường đi tới.

Từ đổ nát, ta lại xây dựng mới
Rũ bùn dơ, mặt đất sẽ thanh tân
Không sức nào ngăn nổi sức nhân dân
Ngày mai sẽ là ngày mai cộng sản!
(Chân lý vẫn xanh tươi, 7/11/1991)

 

Trong bài phát biểu vào ngày 30/12/1999 với tiêu đề: “Nước Nga buổi giao thời thiên niên kỷ”, Vladimir Putin khi đó là Thủ tướng Liên bang Nga đã đánh giá rằng: “Trong thế kỷ sắp trôi qua này, nước Nga đã có 3/4 thời gian sống với những mục tiêu và lý tưởng cộng sản. Nếu có ai đó phủ nhận thành quả của chủ nghĩa Cộng sản thì quả là sai lầm nghiêm trọng... Nếu chúng ta không nhận thức chính xác về vị trí của người dân và xã hội thì chúng ta sẽ phải trả một giá rất đắt, lúc này sai lầm sẽ càng trầm trọng hơn”.

Ngày 31/12/1999, Boris Yeltsin, nhân vật “nã đạn vào quá khứ” khi cấm Đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động và là nhân vật chính khiến Liên Xô tan rã tuyên bố từ chức, giao quyền Tổng thống Liên bang Nga vào tay Thủ tướng Liên bang Nga Vladimir Putin.

Từ đó đến nay, vị cựu trung tá Uỷ ban An ninh Quốc gia (KGB) thời Liên Xô đã được Nhân dân Nga tín nhiệm là Thủ tướng Liên bang Nga (1999-2000, 2008-2012), Tổng thống Liên bang Nga (2000-2004, 2004-2008, 2012-2018, 2018-2024, 2024-2030).

Vào năm 2000, theo một cuộc thăm dò ý kiến, có đến 75% người dân Nga được hỏi đã nói họ tiếc nuối khi Liên Xô tạn rã, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin từng bày tỏ: “Tôi rất thích và cho đến nay vẫn thích tư tưởng cộng sản, tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đó là những lý tưởng tốt đẹp”.

Tháng 7/2001, trong buổi họp báo tại Mátxcơva, các nhà báo của tờ “Đoàn Thanh niên Cộng sản” (Komsomol) và báo “Chân lý” đã đề cập tới vấn đề sự đổ vỡ của Nhà nước Liên Xô, có nhà báo đã hỏi Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin rằng: “Ngài đánh giá thế nào về sự đổ vỡ của Liên Xô?”. Và ông Putin đã khẳng định: “Ai không tiếc cho sự đổ vỡ của Liên Xô, người đó không có lương tâm”.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Nga tháng 2/2013, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã gửi thư chúc mừng. Trong thư, ông Putin bày tỏ niềm tin tưởng rằng, Đảng Cộng sản Liên bang Nga sẽ ngày càng phát triển đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 2/3/2018, tại Kaliningrad, khi được hỏi nếu có cơ hội, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin muốn thay đổi điều gì trong lịch sử Nga thì ông Putin đã trả lời sẽ tìm cách ngăn Liên Xô tan rã.

Đúng như nhận định của đồng chí Tố Hữu: “Chân lý vẫn xanh tươi”.