Ngày đăng: 07-11-2024     Tác giả: Phương Thảo     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Cùng với phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tập trung phát triển mạnh và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi, tổ HND nghề nghiệp gắn với xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cho hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh.

Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo để nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực cán bộ về xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp được các các cấp HND trong tỉnh tập trung thực hiện. Hội các cấp lựa chọn điểm, tập trung nguồn lực xây dựng mô hình và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống Hội.

Qua 05 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã thành lập 143 chi HND nghề nghiệp, với 3.515 thành viên tham gia (trong đó có 01 chi HND nghề nghiệp trồng bưởi giảm nghèo ấp Tiên Đông Vàm, thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành với 15 thành viên). Thành lập được 3.634 tổ HND nghề nghiệp, với 44.424 thành viên tham gia, tập trung các lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh như: nuôi dê, heo, bò, gà, cá, lươn, trồng bưởi da xanh, trồng dừa và dịch vụ nông nghiệp.

Tại huyện Thạnh Phú, Chi HND nghề nghiệp ấp An Hoà A, xã An Thuận huyện Thạnh Phú có 20 thành viên, lĩnh vực kinh doanh nuôi bò, với số vốn đầu tư ban đầu để mua 52 con giống là 1,3 tỷ đồng, doanh thu 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm.

Huyện Bình Đại, từ tổ HND nghề nghiệp mô hình đan lưới ráp cào xã Bình Thắng với 7 thành viên với số vốn ban đầu 100 triệu đã phát triển lên chi HND nghề nghiệp với 16 thành viên, với số vốn 300 triệu đồng, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi cho địa phương. Tổ HND nghề nghiệp nuôi cua xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại ban đầu có 10 hộ tham gia, diện tích 10 ha với số vốn 100 triệu, dần dần đã nhân rộng 50 ha với 20 hộ tham gia với số vốn 600 triệu đồng, bình quân mỗi hộ lãi từ 70-100 triệu/ năm, hiện mô hình đã thành lập chi HND nghề nghiệp với 20 thành viên tham gia. 

 

Nghề trồng mai vàng tại xã Vĩnh Thành, Chợ Lách. (Ảnh: Phương Thảo)

 

Huyện Chợ Lách có chi HND nghề nghiệp Mai Vàng ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành với 55 hội viên; hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyên mai vàng các loại; quy mô sản xuất khoảng 9 ha, kinh doanh trong lĩnh vực mai vàng; vốn đầu tư 20 tỷ đồng; doanh thu khoảng 44 tỷ/năm. Chi HND nghề nghiệp mai vàng ấp Trung hiệp, xã Hưng Khánh Trung với 153 thành viên, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mai vàng; quy mô sản xuất 8 ha; vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng; doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm. Chi HND nghề nghiệp sản xuất bông giấy ấp Lân Đông, xã Phú Sơn với 43 thành viên, tổng diện tích 10,5 ha với 30.000 cây bông giấy lớn nhỏ, tổng nguồn vốn để đầu tư là 10 tỷ đồng; doanh thu năm 20 tỷ đồng/năm. Chi HND nghề nghiệp trồng cây chôm chôm ấp Chợ xã Phú Phụng có 25 thành viên; lĩnh vực sản xuất trồng cây ăn trái; diện tích 10,6 ha; doanh thu 6 tỷ đồng/năm.

Huyện Châu Thành có Tổ hội nghề nghiệp trồng bưởi da xanh ấp Thanh Bình, xã Tường Đa có 16 hộ tham gia, diện tích 5,5 ha. Các tổ HND nghề nghiệp bưởi da xanh ở ấp Phú Thành Tây, xã Quới Sơn, đã liên kết với công ty Yara, VFC, cửa hàng Phú An Thịnh, hỗ trợ kỹ thuật cho hội viên, hàng tháng có kế hoạch thăm vườn của hội viên để chỉ dẫn thêm kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân bón, các công ty này hỗ trợ bán phân trả chậm cho các hộ tham gia đến 80 tấn phân/ năm...

 

Mô hình trồng bưởi da xanh tại huyện Châu Thành. (Ảnh: Phương Thảo)

 

Chất lượng sinh hoạt của các chi, tổ HND nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, thu hút được hội viên tham gia sinh hoạt cao hơn so với chi, tổ HND truyền thống (khoảng 80% hội viên tham gia sinh hoạt trong các cuộc họp lệ kỳ của chi, tổ HND nghề nghiệp). Nội dung sinh hoạt của chi, tổ HND nghề nghiệp tập trung sâu vào việc trao đổi thông tin về thời tiết, giá cả thị trường, về thiết bị, vật tư nông nghiệp, các loại cây, con, giống về phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, về sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Theo Phó Chủ tịch HND tỉnh Võ Văn Chiến, HND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động số 06-CTr/HNDT, ngày 29/11/2019 của Ban Chấp hành HND tỉnh về thực hiện các Nghị quyết của Trung ương HND Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp; tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên HND Việt Nam; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ HND Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Hàng năm xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp mới đạt chỉ tiêu trên giao và nâng chất những tổ HND nghề nghiệp đã được thành lập trước đây.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, quyết tâm vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước; nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích và trách nhiệm trong việc xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp.

Tranh thủ các chương trình, dự án, phối hợp các ngành triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân nhằm vận động tham gia vào chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp. Chú trọng việc hướng dẫn xây dựng các mô hình chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp kiểu mẫu. Tăng cường tổ chức các hoạt động tham quan mô hình; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị cho hội viên, nông dân.