Anh Nguyễn Minh Nhật làm giàu nhờ sản xuất kiểng mai vàng
Từ 12 cây mai vàng (có đường kính gốc khoảng 1,3 tấc) vào năm 2012, đến nay Nguyễn Minh Nhật có khoảng 5.000 cây mai vàng lớn và nhỏ.
Trước năm 2012, anh làm nghề sửa xe gắn máy ở tỉnh: Bình Phước, Bình Thuận. Sau đó, anh làm túi xốp cho một công ty ở tỉnh Long An (về sau công ty này bị phá sản), anh trở về quê nhà làm nghề sản xuất kiểng mai vàng dạng mai tàng.
Vừa chăm sóc kiểng mai vàng, vừa tâm sự: “Bỏ nghề làm công nhân, tôi được số vốn 10 triệu đồng chuyển sang trồng mai vàng làm kiểng. Thật tình mà nói hồi 18-19 tuổi tôi rất thích mai vàng. Gia đình tôi có 6 công đất vườn dừa. Năm 2012, tôi đốn 2 bờ dừa (mới có trái và mới có lưỡi mèo) để trồng mai vàng. Lúc đầu tiên tôi mua trồng chỉ có 12 cây mai vàng, gốc với đường kính khoảng 1,3 tấc, cao khoảng 1,2m và 100 cây mai nhỏ. Hiện nay, tôi nhân diện tích mai vàng lên gần 4 công đất với khoảng 5.000 cây mai vàng gồm: 50 gốc mai có đường kính khoảng 1,3 tấc, cao khoảng 1,4m; 40 gốc có đường kính khoảng 1,2 tấc, cao khoảng 1m; tất cả còn lại có đường kính khoảng 4cm trở xuống. Mỗi lần uốn sửa cành mai, tôi lo lắng đến mức nửa đêm ra coi nó có bị gãy hay không. Mai gốc ghép, tôi mua ở tỉnh Long An về trồng 1 năm rưỡi cho nó phát triển tự nhiên. Sau đó, ghép mai giảo Thủ Đức vì khách hàng ưa chuộng bông bự, lâu tàn. Hiện nay, có khoảng 130 loại mai vàng nhưng tôi chỉ thích mai giảo Thủ Đức. Bây giờ, tôi mê làm kiểng mai vàng đến mức ăn, ngủ chỉ biết mai và mai”.
Anh Nguyễn Minh Nhật chăm sóc kiểng mai vàng.
Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Mỏ Cày Bắc Đặng Minh Tuấn cho hay: “Vườn mai vàng của anh Minh Nhật hiện nay là vườn mai vàng chuyên canh lớn nhất ở huyện Mỏ Cày Bắc. Anh đã đi sâu vào con đường kiểng mai vàng và đang học hỏi để phấn đấu lên nghệ nhân sản xuất kiểng mai vàng”.
Nói về kinh nghiệm sản xuất kiểng mai vàng, anh chia sẻ: “Mai vàng trồng ở đất thịt trong tự nhiên không sợ nước mặn. Khi trồng trong chậu phải thường xuyên tưới nước, nhất là mùa nắng. Mai vàng thường bị rầy, bọ trĩ, nhện đỏ (làm khô lá). Khi nào mai vàng bị bệnh thì chữa không ngừa được. Không được làm cho lá tốt quá, mướt quá thì sâu sẽ tấn công, do đó tưới kẽm, kali để mai vàng tốt vừa thôi và ít bị sâu phá hại”.
Sản phẩm kiểng mai vàng của anh là dạng mai tàng. 5 năm qua, hàng năm anh bán khoảng 170 cây kiểng mai tàng tại chợ tết Mỏ Cày Nam và chợ Bình Điền (Thành phố Hồ Chí Minh), tổng thu về mỗi năm khoảng 200 triệu đồng…
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Trung Nghiệp đánh giá cao nghề sản xuất kiểng mai vàng của anh: “Minh Nhật là một người dám nghĩ, dám làm và có hướng đi đúng trong sản xuất kiểng mai vàng. Anh cũng là người tiên phong trong trồng mai vàng chuyên canh với diện tích lớn nhất trong huyện. Đây là mô hình rất điển hình và sáng tạo của Tổ hợp tác hoa kiểng Tân Hòa ở huyện Mỏ Cày Bắc”.
Anh Nguyễn Minh Nhật, sinh năm 1977 ở ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Năm 2016, anh Minh Nhật bắt đầu bán kiểng mai vàng lô đầu tiên 12 cây mai tàng được khoảng 60 triệu đồng. Chỉ tính trong dịp Tết nguyên đán hàng năm, từ 2017 đến nay số lượng bán tăng dần lên khoảng 190 cây mai lớn nhỏ, tổng thu về khoảng 200 triệu đồng. Tổng kinh phí đầu tư vào gần 4.000m2 vườn mai vàng của anh hiện lên khoảng 5 tỷ đồng. Năm 2018, Hội Nông dân xã Tân Bình thành lập Tổ hợp tác hoa kiểng Tân Hòa với 12 thành viên, trong đó có anh Minh Nhật (đứng đầu trong 12 thành viên về số lượng kiểng mai vàng). Tổng số mai vàng của Tổ hợp tác này lên đến trên 15.000 cây mai. Hiện nay, anh chuẩn bị khoảng 250 cây mai tàng để phục vụ khách hàng trong và ngoài huyện vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025. Năm 2022, Anh Minh Nhật vinh dự nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương năm 2020-2021; nhiều phần khen thưởng của UBND huyện Mỏ Cày Bắc và UBND xã Tân Bình. Mới đây, anh tích cực đóng góp tiền cứu trợ đồng bào miền Bắc bị bão số 3 (Yagi) tàn phá – Anh Minh Nhật khiêm tốn không chịu nói ra số tiền cứu trợ. |