Bến Tre xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang thị trường Trung Quốc
Quả dừa tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang 14 quốc gia và sản lượng xuất khẩu hơn 26,7 triệu trái/năm. Với sự nỗ lực của các sở, ban ngành tỉnh và địa phương, đến nay, Bến Tre đã có 133 vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Sáng 25/10/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Mini số Việt Nam - Chi nhánh Bến Tre phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Bến Tre sang thị trường Trung Quốc. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt đến dự.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam dự lễ. (Ảnh: Huyền Trang)
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, để mở rộng thị trường, vào năm 2023, Việt Nam đã gửi hồ sơ xin mở cửa thị trường cho trái dừa tươi vào thị trường Trung Quốc. Gần một năm qua, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai bên đã đạt được thỏa thuận về điều kiện nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam vào thị trường đầy tiềm năng này.
Với sự nỗ lực của các sở, ban ngành tỉnh và địa phương, đến nay, Bến Tre đã có 133 vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ký kết hợp đồng mua bán dừa giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam. (Ảnh: Huyền Trang)
Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về sản lượng dừa, với khoảng 1,9 triệu tấn mỗi năm, trong đó, tỉnh Bến Tre đóng góp một phần rất lớn, năm 2022 đạt tới 688 triệu quả. Con số này không chỉ nói lên tiềm năng to lớn của ngành dừa nước nhà, mà còn là minh chứng cho sự cần cù, sáng tạo của người nông dân trồng dừa trên khắp cả nước.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho dừa tươi Việt Nam là một cơ hội vàng. Với dân số hơn 1,4 tỷ người và nhu cầu nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 10%, Trung Quốc đang là thị trường tiềm năng lớn cho sản phẩm dừa của chúng ra. Dự kiến, nếu tận dụng tốt cơ hội này thì xuất khẩu dừa sang Trung Quốc có thể đem lại thêm 200-300 triệu đô la Mỹ ngay trong năm 2024 và góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam sớm đạt mốc 1 tỷ đô la trong thời gian tới.
Trao chứng nhận kiểm dịch thực vật cho Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Mini số Việt Nam. (Ảnh: Huyền Trang)
“Việc Bến Tre xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang thị trường Trung Quốc đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực không ngừng nhằm mở rộng thị trường và nâng tầm vị thế của nông sản Việt trên trường quốc tế”, Ông Huỳnh Tấn Đạt nhận định.
Dịp này, Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật kêu gọi tất cả các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu hãy tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình kiểm dịch thực vật như đã đề cập tại Nghị định thư và các quy định liên quan. Việc tuân thủ Nghị định thư và các quy định liên quan của Trung Quốc sẽ không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm của chúng ta mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khác trên thế giới.
Nghi thức cắt băng Lễ công bố xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Bến Tre sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Huyền Trang)
Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước trên 80.010 ha và diện tích này không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Cây dừa đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội của tỉnh. Hơn 70% dân số của Bến Tre sống nhờ vào dừa, toàn tỉnh có hơn 163.000 hộ trồng dừa. Cây dừa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt là cây công nghiệp trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Trái dừa tươi của Bến Tre được nổi tiếng hương vị ngọt thanh đặc trưng. Đồng thời, sản phẩm Dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, quả dừa tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang 14 quốc gia và sản lượng xuất khẩu hơn 26,7 triệu trái/năm. |