Ngày đăng: 12-08-2022     Tác giả: Lê Phước Thiện      Chuyên mục: THÀNH VIÊN LHH

Vừa qua, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã tổ chức đợt khảo sát quy mô về sự hài lòng về nghề nghiệp của điều dưỡng. Trong các câu hỏi có nội dung: “Điều gì giữ chân anh/chị lại với nghề điều dưỡng”. Tôi không biết đồng nghiệp trả lời ra sao cho câu hỏi này. Riêng với tôi, khi bắt gặp một bài dự thi trong cuộc thi viết “Tôi tự hào vì mình là Điều dưỡng” thì tôi nghĩ đây là tình cảm của chính bản thân mình và mong muốn được chia sẻ với các anh chị, các bạn đồng nghiệp.

“Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân

Nhớ lời Bác dạy ân cần sớm hôm

Xoá tan muôn vạn nỗi buồn

Niềm vui ánh mắt con đường tương lai”.

Như một lẽ tất nhiên của cuộc sống, một nhu cầu không thể thiếu của xã hội. Điều dưỡng chính là những thiên thần áo trắng chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, những tiếng khóc bi ai hay những giọt nước mắt hạnh phúc của con người. 

Tôi không có những lý do đầy màu sắc khi chọn ngành y, chỉ đơn giản là chữ “Duyên”. Mười năm trong ngành mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc và những bài học quý giá. Nếu như một mũi tiêm truyền đúng kỹ thuật đảm bảo đưa thuốc vào người bệnh được an toàn, cho đến một vết mổ khô không bị nhiễm khuẩn mau liền hay những bệnh nhân theo dõi chăm sóc nội khoa của từng chuyên khoa khác nhau thì đòi hỏi người điều dưỡng ngoài việc theo dõi chăm sóc chung còn phải học chuyên sâu chăm sóc theo từng chuyên khoa và hơn hết chính là chữ “Tâm” trong ngành.  

Một vị lãnh đạo đáng kính trong suốt thời gian làm việc tại bệnh viện đã cho tôi hiểu được giá trị của người làm ngành y “Bệnh nhân không bao giờ có lỗi, có chăng là do nhân viên y tế chưa làm hết bổn phận và trách nhiệm của mình”. Một câu hỏi đặt ra “vậy ngoài bốn chữ “tận tâm chăm sóc” chúng tôi những người điều dưỡng phải chăng cần thêm một chữ “Nhẫn” hay sao?” 

Vâng, làm sao người điều dưỡng có thể làm được những công việc khó khăn và áp lực đến thế, cái công việc mà nhiều người bình thường mới nghe thấy đã nổi da gà sợ hãi, bởi nghĩ đến máu mủ, đờm dãi, phân, nước tiểu, nghĩ đến các căn bệnh và rủi ro lây nhiễm, rồi những đêm trực trắng đêm cùng áp lực từ nhiều phía thì chẳng dễ dàng gì có thể vượt qua mà dấn thân chấp nhận hy sinh? Vậy nên phải yêu lắm, thương lắm, phải “Tâm” lắm thì mới có được nghị lực và chấp nhận tất cả bởi tôi biết cái chúng tôi cho đi là tình yêu thương mà không cần nhận lại và khi bạn cho đi là bạn đã nhận được nhiều hơn thế. Đó là những niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến của bệnh nhân mà bao ngày bạn chăm sóc khỏi bệnh được đoàn tụ cùng gia đình. 

Không phải con đường nào cũng bằng phẳng, cũng trải thảm. Mà có những con đường gập ghềnh, khó đi. Đó là những ngày tôi gặp những khuôn mặt cau có, những lời nói trống không, thiếu chủ ngữ vị ngữ, cùng sự nạt nộ vô cảm, hay những hành động thiếu ý thức của một số người bệnh, thân nhân người bệnh. Tôi đã suy nghĩ đến câu nói của vị lãnh đạo mà “ Nhẫn” hơn, mà đồng cảm, mà chia sẻ và cảm thông hơn với họ. 

Trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, việc buồn nhất của một điều dưỡng có lẽ là chăm sóc những người bệnh giai đoạn hấp hối. Ý thức được trách nhiệm của mình, dù đang trong hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn giữ cho mình sự tỉnh táo để an ủi, động viên người bệnh và thân nhân người bệnh. 

Rõ ràng, hiếm có một nghề nào buộc con người phải vượt qua giới hạn về tình thương và sự chai lì trước những điều tiếng không hay cũng như đối mặt với những hiểm họa rình rập như vậy. Vì lẽ đó, để làm tốt công việc này, chúng tôi những người điều dưỡng gạt bỏ hết những định kiến của xã hội, chuyên tâm vào công việc, giữ vững tình yêu nghề và lương tâm nghề nghiệp, luôn nhẫn nại, lắng nghe, thấu hiểu bệnh nhân, luôn lấy “người bệnh làm trung tâm” và “tận tâm chăm sóc”. 

Cũng từ đó, tôi hiểu được rằng, khi cho đi bằng tất cả tấm lòng, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế và chẳng phải người có nhiều của cải mới là người giàu có, chính người cho đi nhiều mới là người giàu có. Những điều cao quý và giá trị nhất trên đời đều không thể nhìn thấy và chạm vào được, chúng chỉ được cảm nhận bằng con tim. 

Bệnh viện cho tôi một môi trường làm việc tốt, giúp tôi phát triển chuyên môn và mài giũa những phẩm chất đạo đức cao đẹp. Ở nơi đây, điều dưỡng chúng tôi mang lại niềm tin cho người bệnh và người thân của họ, giúp họ tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn và biến niềm tin ấy thành hiện thực. 

Tôi đã nghe đâu đó câu nói "Khi ngoái đầu nhìn lại, không phải tiền bạc hay địa vị bạn đã giành được, mà những điều tốt đẹp bạn đã làm cho người khác mới quan trọng và có ý nghĩa nhất". Tôi tin rằng điều dưỡng chúng tôi sẽ là những “ngọn đuốc”, cháy trong mình nhiệt huyết ngành y “Tận tâm chăm sóc”. 

Lê Phước Thiện -
Chi hội Điều dưỡng BVĐKKV Cù Lao Minh