Ngày đăng: 05-02-2018     Tác giả: Huỳnh Lâm     Chuyên mục: GƯƠNG HOẠT ĐỘNG KH&CN

Hưởng ứng phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Huyện Giồng Trôm có nhiều  phụ nữ với tinh thần cần cù, chịu khó đã vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế.

Chị Lê Thị Kim Lan - ở ấp 3 Xã Lương Hòa sinh ra trong một gia đình thuần nông và truyền thống cách mạng. Chị kể, năm chị lập gia đình, xung quanh nhà chủ yếu là cây dừa. Vì dừa bị lão hóa cho trái ít, chị mạnh dạn đốn bỏ trồng: cam, quýt, chanh, bưởi. Qua hơn 2 năm chăm sóc, vườn cây của chị cho thu nhập khá ổn định, cho trái xum xuê đủ để lo gia đình và con đi học. Cuối năm 2015, nước mặn xâm nhập sâu làm ảnh hưởng rất lớn đến vườn cây, thiệt hại trên 90%. Lúc đó kinh tế gia đình thu nhập từ vườn cũng gặp không ít những khó khăn.

Năm 2013, chị đầu tư chuồng trại nuôi heo sinh sản và heo thịt. Đến cuối năm 2016 do giá heo xuống thấp chị lỗ khoảng 200 triệu đồng. Chị bán hết đàn heo còn được một ít tiền và tiếp cận 20 triệu đồng từ vốn quốc gia giải quyết việc làm, chị mua 4 con bò và 6 dê cái sinh sản. Sau 1 năm chăm sóc, trừ đi chi phí chị còn lãi trên 70 triệu đồng. Chị chia sẻ, nuôi bò và dê rất tiện trong việc chăm sóc. Đặt biệt nguồn thức ăn là tận dụng cỏ có tại vườn, chỉ lấy công làm lời. Hiện nay, chị còn 4 bò nái, 30 con dê sinh sản và 15 con dê thịt. Ngoài lợi nhuận từ chăn nuôi, nguồn phân chuồng chị đem trộn trấu, lân và ủ oai bằng Tricodermas đem bón cho 8 công vườn cam và bưởi.

 

chi Lam cham soc dan deChị Lan chăm sóc đàn dê

 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, mà chị còn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào Hội Phụ nữ địa phương. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị vận động hội viên tích cực tham gia sản xuất. Chị Lan chia sẻ: Trong thời gian qua, tôi nuôi heo thua lỗ vì thức ăn giá cao, giá heo thì xuống thấp. Tôi chuyển qua nuôi bò và dê. Tôi thấy việc nuôi bò và dê đang có chiều hướng phát triển tăng đàn tốt.

Ngoài ra chị còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi như: chuồng trại phải thoáng mát, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, thay đổi thức ăn cho dê mỗi ngày, thêm thức ăn công nghiệp để đủ chất và rơm cuộn để hạn chế bò bị tiêu chảy,... 

Nói về mô hình của chị Lan, Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lương Hòa cho biết: Trong thời gian qua, mô hình sản xuất của chị Lan rất là hiệu quả. Vốn vay từ nguồn quốc gia giải quyết việc làm, chị đã chăn nuôi bò và dê, đến nay tăng đàn rất đáng kể. Ngoài ra chị còn tham gia tổ trưởng tổ vay vốn của ấp. Trong thời gian qua, chị cũng thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ chị em hội viên hội phụ nữ phát triển kinh tế tại địa phương bằng cách tạo việc làm, tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ mô hình sản xuất tại địa phương. Với vai trò hội phụ nữ xã, trong thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này đến từng hội viên. Đồng thời tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế. Từ đó kịp thời hỗ trợ khoa học kỹ thuật và cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất phát triển kinh tế tại địa phương. Đặt biệt góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới.

:)