Ngày đăng: 12-04-2019     Tác giả: Kim Xa - Minh Mừng     Chuyên mục: GƯƠNG HOẠT ĐỘNG KH&CN

Tại huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre), mô hình chăn nuôi dê đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân thoát nghèo trở nên khấm khá nhờ mô hình này. Nông dân Huỳnh Ngọc Đức (34 tuổi), xã Châu Bình đã thành công với mô hình nuôi dê sinh sản và dê thịt, thu lãi mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Anh Huỳnh Ngọc Đức, ngụ tổ nhân dân tự quản số 3, ấp Bình Thạnh, xã Châu Bình đang chăm sóc đàn dê hơn 100 con. Anh Đức kể, năm 2018 lấy vợ, khi ấy hoàn cảnh gia đình hai bên gặp nhiều khó khăn nên vợ chồng anh không có vốn để làm ăn, chỉ có 60 mét vuông đất nhà ở của gia đình để lại. Sau một thời gian đi làm công ty ở huyện Châu Thành (Bến Tre), vợ chồng anh quyết định về quê để làm mướn. Thêm gánh nặng đặt lên vai, khi vợ sinh con, bởi lúc này chỉ mỗi anh Đức là lao động chính. Mỗi ngày anh phải đi làm mướn tại địa phương, ai thuê việc gì làm nấy như cuốc đất, bồi mương, thợ hồ, leo dừa,…

Năm 2010, một người chủ vườn nơi anh Đức làm thuê, thấy hoàn cảnh gia đình anh khó khăn nên bán rẻ cho anh 01 con dê giống. Sau một năm, con dê này đẻ ra 02 con dê đực, anh bán được gần 7 triệu đồng. Số tiền bán dê cùng với sự hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách của Hội Nông dân xã được 12 triệu đồng, anh Đức mạnh dạn nâng cấp chuồng trại và mua thêm dê giống để phát triển kinh tế. Tiền làm công khi nào hơn 2 triệu đồng là anh mua ngay một con dê để nhân đàn. Anh Đức tìm đến những người nuôi dê tại địa phương để học hỏi kinh nghiệm, cách chăm sóc, phòng trị dịch bệnh. Sự cần cù, nổ lực của anh Đức đã đem đến thành quả, đàn dê của anh phát triển khá nhanh, đồng đều, mỗi năm đều tăng đàn ổn định. Đến nay, đàn dê có hơn 100 con.

 

Anh Huỳnh Ngọc Đức đang chăm sóc đàn dê. (Ảnh: Minh Mừng)


Trước đây, anh Đức nuôi giống dê Bách Thảo, nhưng hiện tại anh đã chuyển sang nuôi giống dê Boer. Đây là loại dê được đánh giá mau lớn, dễ nuôi, thịt nhiều, được thị trường ưa chuộng. Theo anh Đức, vòng sinh sản dê Boer rất ngắn, trung bình 2 năm sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 4 con. Dê giống (3 tháng tuổi) bán với giá hơn 6 triệu đồng/con, có khi giá còn cao hơn. Nuôi dê ít công chăm sóc, trung bình mỗi ngày chỉ mất khoảng 2 giờ nếu chủ động được nguồn thức ăn, thức ăn thì rất dễ tìm, chủ yếu là các loại cây tạp, trồng thêm cỏ,… Để dê phát triển tốt, người nuôi nên xây dựng chuồng sàn cao từ 7 tấc đến 1 thước cho thoáng mát, thức ăn khô ráo, sạch sẽ. 

Anh Đức chia sẻ: “Sau khi phối giống thành công, khoảng 5 tháng dê sẽ sinh sản. Dê con đẻ ra nuôi 3 tháng, khi dê con mạnh thì bắt đầu dứt sữa, tách dê con ra để nuôi thịt. Nếu dê sung, phát triển tốt, kháng bệnh thì nuôi đến 5 hoặc 6 tháng nữa là có thể xuất bán. Tôi chọn nuôi dê Boer bởi dê này không kén ăn như dê Bách Thảo, cho chất lượng thịt nhiều, cùng thời gian nuôi nhưng dê Boer nặng hơn dê Bách Thảo khoảng 10 kg, vả lại thời gian nuôi dê Boer để đạt trọng lượng xuất bán ngắn hơn”.

Mỗi năm, anh Đức cho xuất bán từ 2 đến 3 đợt dê thịt, tổng các đợt từ 30 đến 40 con, giá hiện tại hơn 100 ngàn đồng mỗi kg. Cùng với đó, anh còn nhận chăm sóc dê cái để phối giống cho các hộ nuôi có nhu cầu hoặc chở dê đực đến các hộ nuôi để phối giống, mỗi tháng có hơn 40 lượt phối giống. Theo đó, trừ chi phí, lãi mỗi năm anh Đức thu về từ tiền bán dê và phối giống hơn 100 triệu đồng. Hiện tại anh Đức thuê thêm 300 mét vuông đất để mở rộng mô hình và trồng cỏ cho đàn dê. Tới đây, anh Đức sẽ mở rộng chuồng trại để mua thêm 100 con dê giống Boer, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Để dê khỏe mạnh, anh Đức cho dê ăn đúng giờ, mỗi tối đều thăm chuồng để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của dê mà có hướng xử trí. Anh Đức đang xây một khu ngoài trời để dê vận động, tìm kiếm thêm nguồn thức ăn thiên nhiên nhằm tăng năng suất đàn dê. Theo anh, để nuôi dê đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê rất quan trọng, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh; chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Bình Nguyễn Thành Nu cho biết: “Xã Châu Bình hiện có khoảng 20 mô hình nuôi dê có hiệu quả. Riêng hộ anh Huỳnh Ngọc Đức, xuất phát điểm về kinh tế rất khó khăn. Từ một nông dân không có đất sản xuất, nhưng nhờ sự cần cụ, chịu khó học hỏi, tiếp thu khoa học kỹ thuật từ các lớp tập huấn về chăn nuôi dê do xã tổ chức, thêm vào đó, anh may mắn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ những người nông dân khác có cùng chí hướng, tạo điều kiện cho anh phát triển mô hình chăn nuôi. Hiện giờ, trang trại của anh Đức khoảng 100 con dê, hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cùng địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững.

Mô hình nuôi dê tại xã Châu Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giá trị quan trọng nhất mà mô hình đạt được đó là thay đổi được tập quán canh tác của người dân, mở ra hướng sản xuất mới vừa phù hợp với điều kiện thực tế vừa nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân./.

Tác giả: Kim Xa - Minh Mừng