Ngày đăng: 31-07-2021     Tác giả: Huỳnh Văn Thanh     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

MỘT NHÂN CÁCH LỚN

Nguyễn Đình Chiểu là một người tiêu biểu cho nhân cách Việt Nam trong thời kỳ đất nước đầy biến cố, bị ngoại bang xâm lấn hồi thế kỷ 19. Trước sự thách thức nghiệt ngã, bi thương đó, Nguyễn Đình Chiểu đã lựa chọn lối sống và cách sống thích hợp với vai trò người trí thức trước thời cuộc. Ông đã chọn con đường sống, chiến đấu bằng ngòi bút sắc bén với cái tâm rực lửa, sáng trong. Ông đã sống trọn vẹn một trách nhiệm xã hội cao cả.

Nhà giáo, thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu đã giáo huấn đào tạo đông đảo lớp học trò trung hiếu


Một nhân cách lớn

Nguyễn Đình Chiểu là một người trọng đạo lý, nặng tình người, yêu ghét rõ ràng, khen chê dứt khoát. Cụ sẵn sàng hy sinh, không màng danh  lợi, chấp nhận mọi thử thách trước mọi khó khăn gian khổ, không hám lợi không khuất phục cường quyền.

Có thể thấy, với tất cả vai trò trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của thời bấy giờ, Nguyễn Đình Chiểu đã phải gánh vác và hoàn thành xuất sắc trọng trách: Nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc, người công dân, chiến sĩ yêu nước...

Sự đời thà khuất đôi tròng thịt 

Lòng đạo xin tròn một tấm gương 

Nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu theo như nhiều sử gia, học giả thẩm định, là một minh chứng sống động về tính năng động của con người, về lòng ái quốc chân chính, quật cường của các sĩ phu thời kháng Pháp. Cụ đã vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời.

Trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, một số người mang danh kẻ sĩ đã hèn nhát ôm chân kẻ thù, phản bội đất nước thì Nguyễn Đình Chiểu là người khẳng khái biểu lộ thái độ phê phán, tẩy chay:

Dù đui mà giữ đạo nhà 

Còn hơn có mắt ông cha không thờ.

Dù đui mà khỏi danh nhơ

Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình.

Trên lĩnh vực giáo dục, là một nhà giáo, trọn đời cụ Đồ Chiểu chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi của Văn hóa Việt Nam về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một kẻ sĩ. Hào khí Đồng Nai, một nét đẹp văn hóa của con người Nam bộ được nuôi dưỡng và phát huy chính là nhờ sự nghiệp giáo dục của biết bao thế hệ người thầy đầy tâm huyết mà được truyền thụ đến ngày nay, trong đó nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu là một trong những người có công lớn.

Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc giỏi, một lương y thông hiểu sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam cả về y thuật và y đức mà y đức của cụ chính là đạo cứu người. Nhiều nhà nghiên cứu, học giả cho rằng, y đức của cụ Đồ Chiểu tức là nhân đạo, mà chủ nghĩa nhân đạo ở đây là chủ nghĩa nhân đạo nhân dân:

Thấy người đau giống mình đau

Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành

Đứa ăn mày cũng trời sanh

Bình còn cứu đặng thuốc dành cho không

Nguyễn Đình Chiểu làm thơ để biểu lộ lòng yêu nước, thương dân và lấy  đó làm vũ khí chống giặc; làm ông Đồ dạy học là để giữ gìn bản sắc Việt Nam trong đời sống văn hóa của nhân dân giữa thời loạn ly; làm thầy thuốc là vì đạo để cứu người. Đó là lối sống có văn hóa, biết tự hào dân tộc, biết tự trọng của một người trí thức chân chính, giữ đúng tiết tháo của một kẻ sĩ... Chính vì vậy, Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi là một nhân cách lớn, một nhà văn hóa chân chính của nhân dân.

 

Đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu những ngày Lễ hội 01/7 hàng năm 

 

Sự nghiệp văn chương

Tính “văn dĩ tải đạo” trong các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là rất tỏ rõ - nhất là tác phẩm Lục Văn Tiên. Hầu như hết thẩy tác phẩm của người đều hướng đến chân thiện mỹ cảm hóa giáo huấn con người, luôn nâng cao phẩm chất đạo đức… Có thể nói sự nghiệp văn chương của người là đồ sộ dù chưa phải là sự nghiệp chính. Theo các nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học, tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Đình Chiểu là Lục Vân Tiên - một tự truyện được xem là bản trường ca cuối cùng trong lòng trường ca chảy xiết vào cuối thế kỷ 19; và nó đã kéo theo một loạt tác phẩm dân gian của miền Nam thời bấy giờ. Công chúng, nhân dân đã cảm thụ và hết mực ca ngợi mối tình thủy chung của Vân Tiên - Nguyệt Nga (mối tình đã vượt qua bao thử thách của cuộc đời đầy tai ương bất trắc của chế độ phong kiến). Mối tình đó là tượng trưng cho đạo lý làm người của nhân dân về cái Chân - Thiện - Mỹ, cái chính nghĩa. Những tác phẩm tiêu biểu Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp... rất đậm chất dân gian và bình dị. Nhân dân lao động và các sĩ phu bất tử đã góp phần sản sinh tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, và cũng chính họ là những người đã tiếp nhận nó trước tiên. Đó là hàng hàng lớp lớp người đã đương đầu với thú dữ rừng thiêng nước độc để khai hoang lập ấp; những nghĩa sĩ chỉ có manh áo vải và lưỡi dao phay đã vùng lên chống giặc bảo vệ Tổ quốc; những bà má mất con vừa chết trận... Tất cả những anh hùng, liệt sĩ, bất tử ấy đã xem Nguyễn Đình Chiểu là người phát ngôn cho những tình cảm, đạo đức nguyện ước của mình, cho chính nghĩa nước nhà, và của toàn dân tộc.

Đã lâu, từ dân ca miền Bắc, Trị Thiên, nhất là dân ca Nam Trung bộ cho đến hò chèo ghe Rạch Giá, Ba Tri, Cà Mau; hát đối cần Thơ, hò mái dài Đức Hòa; hò cấy Bến Tre, Gò Công, Đồng Tháp, Bình Chánh, Củ Chi; hò giọng đồng Nhà Bè... trên khắp các dòng sông, kinh rạch, cánh đồng của miền Nam, tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu đã sống và sinh sôi, nhập thân, hóa thân vào đời sống các tầng lớp cư dân với một niềm tin yêu, xao động.

Với các văn nhân thi sĩ, lòng yêu thương, ngưỡng mộ nhà thơ yêu nước càng chan chứa, dạt dào. Nhà thơ quê hương xứ dừa Lê Anh Xuân (hy sinh năm 1968) biểu lộ:

Ôi có phải nhà thơ Đồ Chiểu

Từng ngâm thơ dưới rặng dừa này

Tôi tưởng thấy nghĩa quân đuổi giặc

Vừa qua đây còn lầy lội đường dây.

                                          (Dừa ơi)

Được biết, nhà thơ Hưởng Triều đã xem Nguyễn Đình Chiểu như một nhà thơ cùng thời, cùng chiến hào đánh giặc. Trong một cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn, khi mà dưới hầm hào vẫn đọc vang lên Lục Vân Tiên với biết bao tưởng tượng, mơ ước quanh câu chuyện Đồ Chiểu - Lục Vân Tiên,  đã viết:

Cụ Đồ ơi, những vần thơ

Trăm năm thành đạt giấc mơ anh hùng!

... Vung gươm trong trận cuối cùng

Quê ta rồi sẽ tưng bừng cụ ơi

Ba Tri cụ nở nụ cười

Hàm Luông bát ngát trăng soi bóng dừa.

(Trong Tổng tấn công, đọc Lục Văn Tiên)

Sau giải phóng, về Ba Tri thăm mộ cụ Đồ, nhà thơ Giang Nam nổi tiếng với bài thơ Quê Hương đà bảy tỏ cảm tình của mình với cụ Đồ Chiểu:

Người làm thơ như Trương Định đánh đồn

Trái tim lớn nói gì với nước?

Trái tim lớn suốt cuộc đời thao thức

Đã chọn đất này cho buổi đi xa...

                       (Đường về An Đức)

Bến Tre quê hương xứ dừa vinh dự được Nguyễn Đình Chiểu chọn làm nơi “lánh dè” hoạt động, để rồi ...thanh thản đi xa nên càng thấm đẫm các giá trị văn hóa, nhân văn của cụ. Đặc biệt là giới cầm bút, đã rất tự hào được thừa hưởng một di sản to tát của cụ Đồ để mãi đỉnh đạt trên tinh thần bất khuất:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Huỳnh Văn Thanh