Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (GDNN –GDTX) tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác GDNN nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, DN về đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp (DN).
Bến Tre đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. (Ảnh: Phương Thảo)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác phân luồng cấp trung học cơ sở theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hàng năm, có từ 25% đến 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không tiếp tục vào lớp 10 các trường THPT công lập. Thay vào đó, học sinh được định hướng phân luồng vào học trình độ trung cấp tại các trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh, hoặc vào Trung tâm GDNN - GDTX để học chương trình GDTX cấp THPT kết hợp học trình độ trung cấp. Giai đoạn 2020 - 2024, đã có 11.917 học sinh được phân luồng vào GDNN, trong đó có 3.914 học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục vào học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng, 8.003 học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trình độ trung cấp tại các cơ sở GDNN.
Đến nay, tỉnh có 22 cơ sở GDNN, gồm 16 cơ sở công lập và 06 DN tham gia hoạt động GDNN. Quy mô đào tạo bình quân hàng năm của các cơ sở GDNN tại Bến Tre đạt khoảng 11.000 người, trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng cho 800 người, trình độ trung cấp cho 1.500 người, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho khoảng 9.000 người. Chất lượng và hiệu quả đào tạo đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế, với tỷ lệ lao động qua đào tạo tính đến cuối năm 2024 đạt 68,60%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38,95%.
Trong giai đoạn 2020 - 2024, các cơ sở GDNN đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho tổng số 49.357 người, với các cấp trình độ đào tạo: cao đẳng: 3.914 người, trung cấp 8.003 người, sơ cấp 7.264 người, đào tạo nghề dưới 03 tháng 30.176 người (đào tạo nghề cho lao động nông thôn chiếm 14.879 người).
Các cơ sở GDNN tập trung tuyển sinh và đào tạo các ngành nghề trọng điểm theo yêu cầu về nhân lực của địa phương như: Điều dưỡng, dược, chế biến và bảo quản thủy sản, chăn nuôi thú y, điện - điện tử,... Đồng thời tăng cường chủ động hợp tác với DN tạo mối quan hệ hai chiều; chú trọng công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm; chủ động phối hợp chặt chẽ với DN để cung ứng lực lượng lao động qua đào tạo, ngành nghề đào tạo phải gắn với phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh.
Các em học sinh tham gia cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo STEM.(Ảnh: Phương Thảo)
Tăng cường gắn kết với DN
Qua khảo sát hiện nay các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Bến Tre có khoảng 15.000 lao động. Nhu cầu tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khá cao, dự kiến mỗi năm có 2.000 - 2.500 lao động, do đó cần đào tạo nghề, ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, trên cơ sở dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm của các khu, cụm công nghiệp ngoài tỉnh có khoảng 600.000 lao động/năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, tỉnh đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 40-45% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; phấn đấu có 01 trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn Trường cao đẳng chất lượng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là trên 40%. Đến năm 2045, phát triển được ít nhất 01 trường cao đẳng đạt chuẩn khu vực ASEAN và đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch 270 KH/TU gắn với Kế hoạch số 6475/KH-UBND ngày 11/10/2022 của UBND tỉnh về phát triển GDNN tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030.
Tập trung đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, có sự tham gia của DN, đơn vị sử dụng lao động phù hợp với chương trình đào tạo. Tăng cường xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, giải pháp thu hút, khuyến khích phát triển xã hội hóa GDNN - GDTX, đào tạo nhân lực có tay nghề cao; hỗ trợ khuyến khích, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động GDNN, nhất là cho đào tạo nghề ở các bậc trình độ cao, đào tạo các ngành nghề mới, có tính đón đầu, có công nghệ kỹ thuật cao… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Các cơ sở GDNN tăng cường chủ động hợp tác với DN tạo mối quan hệ hai chiều; chú trọng công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm; chủ động phối hợp chặt chẽ với DN để cung ứng lực lượng lao động qua đào tạo, ngành nghề đào tạo phải gắn với phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh. Tăng cường quan hệ đối tác trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động, kịp thời dự báo chính xác cung - cầu lao động có tay nghề cao để có kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu của tỉnh; đảm bảo từ 80% trở lên người học có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường…
Trong những năm qua, công tác phát triển nhân lực có kỹ năng nghề cao đã được các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực quản lý; từ đó chuẩn bị tốt hơn cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong tình hình mới. Giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 20240, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục tập trung phát triển, nâng cao quy mô, chất lượng và hiệu quả GDNN - GDTX; gắn đào tạo nghề nghiệp với giải quyết việc làm; góp phần thực hiện tốt mục tiêu phân luồng trong giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao, có năng lực thích ứng với thị trường lao động; nâng cao hiệu quả việc làm, thu nhập cho người lao động, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười. |