Ngày đăng: 10-11-2021     Tác giả: Vũ Hồng Thanh     Chuyên mục: LIÊN HIỆP HỘI

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam, mất cách nay đã 100 năm, nhưng những đóng góp của bà cho sự nghiệp báo chí nước nhà thuở còn sơ khai đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, do hạn chế lịch sử nên tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của bà đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, thể hiện rõ nhất là những thông tin khắc trên bia mộ của bà, được lập lúc cải táng năm 1959. Bia mộ hiện nay tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, có một số nội dung theo phản ánh là chưa chuẩn xác. Đây là một vấn đề tương đối khó, nhưng theo chúng tôi, cần mạnh dạn tham khảo ý kiến rộng rãi để thống nhất cải chính nhằm cung cấp thông tin chính thống, phục vụ công tác giáo dục truyền thống tại địa phương.

 

 

Nội dung khắc trên bia (đọc từ trái sang phải):

Lọng sường dầu rách còn kêu lọng

Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô

Nữ sĩ - SƯƠNG NGUYỆT ANH - nhủ danh NGUYỄN NGỌC KHUÊ

Hưởng thọ 58 tuổi – Từ trần ngày 12 tháng 12 năm Tân Dậu 1922

 

1. Nguyễn Ngọc Khuê hay Nguyễn Thị Khuê?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu, Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh khi còn sống, có hai công trình viết về bà là sách Thi phú văn từ của Võ Sâm xuất bản năm 1912 và sách Điếu cổ hạ kim thi tập của Nguyễn Liên Phong xuất bản vào năm 1915. Theo đó, bà có hai tên là Nguyễn Thị Khuê và Nguyễn Xuân Hạnh. Đến năm 1934, cháu rể của bà (chồng Mai Huỳnh Hoa) là Phan Văn Hùm ghi trong bài “Tiểu sử Đồ Chiểu” được đăng trong sách Ngư tiều vấn đáp y thuật, in năm 1952, tên bà là Nguyễn Thị Khuê. Trong khi đó, bà Mai Huỳnh Hoa viết trong sách Từ điển văn học (bộ mới), tên bà là Nguyễn Xuân Khuê. Qua tìm hiểu, đối chiếu các nguồn tư liệu, chúng tôi thấy rằng, thông tin từ Phan Văn Hùm là đúng. Tên Nguyễn Thị Khuê do ông dựa vào quyển Gia phả “Nguyễn Chi thế phổ” do Nguyễn Đình Chiểu biên soạn, Nguyễn Đình Huy (thân phụ của Nguyễn Đình Chiểu) hiệu chính năm 1853, sau đó giao lại cho Nguyễn Đình Chiêm giữ và được lưu truyền trong dòng họ cho tới nay. Do đó, nhũ danh đích thực của Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là Nguyễn Thị Khuê.

Vì sao trên bia ghi là “Nguyễn Ngọc Khuê”?

Cũng theo Nguyễn chi thế phổ nêu trên: “Đồ Chiểu có bảy người con: Thị Hương, Đình Chúc, Thị Xuyến, Thị Khuê, Đình Chiêm, Đình Ngưỡng và một người chết nhỏ trước Đình Chiêm”, có kèm theo chữ Hán. Chữ  Khuê có bộ Ngọc (Khuê: 珪). Học giả Hồ Hữu Tường cho rằng, Gia phổ ghi là vậy, nhưng bà Khuê phải đọc là Ngọc Khuê vì trong gia phả không ghi tên lót. Chữ “Khuê” viết một bên chữ “Ngọc”, một bên chữ “Khuê”. Chiết tự ra đọc là “Ngọc Khuê” đọc ráp lại là “Khuê” (Tạp chí Bách Khoa số 384 ngày 28/12/1972).

Nhũ danh đích thực của Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là Nguyễn Thị Khuê. Tuy nhiên gia đình ghi Nguyễn Ngọc Khuê là cũng có cơ sở, cần tham khảo kỷ để có nên chấn chỉnh trên bia hay không

 

Chân dung nữ sĩ Sương Nguyệt Anh

 

2. Năm Canh Thân hay Tân Dậu?

Năm 1959, lúc cải táng và lập bia mộ mới, do gia đình đứng ra thực hiện. Nhưng vì có nhiều nguồn tư liệu, thông tin khác nhau, nên gia đình ghi ngày mất là “Ngày 12 tháng 12 năm Tân Dậu 1922”. Qua đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu, nhất là quyển Nguyễn chi thế phổ, thì ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất của bà đã được ghi rất rõ:

“第五行阮氏珪。生于癸亥年拾弍月廿四日。嫁于美萩石湖處人氏阮姓。亡於庚申十二月十二日,塟在保順美仁村。亡年五十八歲”。

Phiên âm: Đệ ngũ hàng Nguyễn Thị Khuê. Sinh vu Quý Hợi niên thập nhị nguyệt chấp tứ nhật. Giá vu Mỹ Tho Thạch Hồ xứ nhân thị Nguyễn Tính. Vong ư Canh Thân thập nhị nguyệt thập nhị nhật, táng tại Bảo Thuận Mỹ Nhơn thôn. Vong niên ngũ thập bát tuế.

Dịch nghĩa: Hàng thứ năm Nguyễn Thị Khuê. Sinh ngày 24 tháng 12 năm Quý Hợi. Gả cho người họ Nguyễn ở xứ Thạch Hồ, Mỹ Tho. Mất ngày 12 tháng 12 năm Canh Thân, táng tại thôn Mỹ Nhơn, (tổng) Bảo Thuận. Mất năm 58 tuổi.

Như vậy đích thực, Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh sinh ngày 12 tháng 12 năm Quý Hợi (nhằm ngày 01/02/1864), mất ngày 12 tháng 12 năm Canh Thân (nhằm ngày 20/01/1921). Không thể là năm “Tân Dậu 1922” như đã khắc trên bia. Thực tế năm 1922 cũng không phải là năm Tân Dậu mà là năm Nhâm Tuất

Do đó, ngày tháng năm từ trần của Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đã đủ cơ sở để điều chỉnh trên bia lại cho đúng.

3. “Hưởng thọ: 58 tuổi” hay “Hưởng dương: 58 tuổi”?

Theo thông tin từ các cụ già xưa thì trước đây, do tuổi thọ trung bình của người Việt Nam còn thấp nên có nơi quy ước người mất từ 20 tuổi trở xuống gọi là hưởng dương, trên 20 tuổi gọi là hưởng thọ. Sau nầy, khoảng từ đầu thế kỷ XX trở lại đây, người mất dưới 60 tuổi thì ghi trên mộ bia phổ biến là “hưởng dương”, từ 60 tuổi trở lên là “hưởng thọ”. Do vậy, đây là vấn đề tương đối khó. Nếu hiểu theo cách ghi ngày nay thì “Hưởng thọ: 58 tuổi” là không phù hợp, nhưng cách ghi ngày xưa thì cũng không đủ cơ sở thuyết phục. Do đó, theo chúng tôi, nếu sửa nội dung trên bia mộ thì có thể không cần ghi “Hưởng thọ: 58 tuổi” nữa, mà thay bằng cách ghi khác. Có thể đổi bằng ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất chẳng hạn.

4. Lọng“Sường” (“sườn”) hay lọng “sương”?

Đây là một vấn đề rất khó vì bài thơ xuất phát từ giai thoại văn học, do Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh trả lời thư của ông thầy đồ tên Bảy Nguyện ở Mỏ Cày, nhưng bút tích của bà thì vẫn chưa tìm ra được. Chữ “sường” ghi trên bia mộ là gia đình dựa vào bút tích của Phan Văn Hùm trong câu: “Lọng sường che nắng, còn kêu lọng, Ô bịt vàng ròng, tiếng gọi ô!”. Câu này ông viết trong bài “Sương Nguyệt Anh và đạo tam tùng” đăng trên Tạp chí Phụ nữ tân văn, số 243, ngày 24/5/1934. Tuy nhiên, qua các nguồn tư liệu, phần lớn các tác giả ghi là “sườn”. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, trong quyển Đại Nam Quấc âm tự vị, ông khẳng định “sường” có ý nghĩa như “sườn”. Thông tin từ gia đình, đặc biệt là bà Âu Dương Thị Yến (sinh năm 1945) (cháu nội bà Nguyễn Thoại Long) thì lúc nhỏ vẫn thường nghe Ba bà là con của Nguyễn Đình Chiêm (gồm Nguyễn Thị Long (hiệu Thoại Long), Nguyễn Thị Loan (hiệu Kim Phụng) và Nguyễn Thị Mỹ) ngâm câu thơ “Lọng sườn dù rách còn kêu lọng… và ngân nga lời trong vở tuồng Phấn Trang Lầu.

Khi học giả Hồ Hữu Tường đến Ba Tri sưu tầm tài liệu Nguyễn Đình Chiểu thì phát hiện chữ “sường” này. Theo ông, phải ghi là “sương” mới đúng vì cho rằng bà Sương Nguyệt Anh vận dụng vào câu ca dao xưa hay tuyệt vời: “Lọng che sương dầu sườn cũng lọng/ Ô bịt vàng dầu trọng cũng ô. Từ câu ca dao trên, Bà Sương Nguyệt Anh đã bớt đi từ “che”, thay từ “sườn” bằng từ “rách” trong câu thứ nhứt của ca dao. Vì lọng rách rồi thì mới phơi ra sườn. “Lọng sường dầu rách còn kêu lọng thì hai chữ “sườn” và “rách” đã trùng ý rồi, tất dư một chữ. Nội dung này cùng quan điểm học giả Hồ Hữu Tường, nhà văn Lê Minh Quốc với bút danh Lưu Liên Anh viết trong Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 1059 ngày 1/1/2020 cũng cho rằng chữ “sương” mới đúng. Nhưng bà Âu Dương Thị Yến lại cho rằng, ông Hồ Hữu Tường cho là “lọng sương” vì xuất phát từ câu ca dao là có cơ sở, nhưng “lọng sương” đặt trong bối cảnh câu thơ thì không rõ  nghĩa.

Một suy đoán nữa là, sau khi chồng mất, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh mới thêm chữ “Sương” vào trước bút danh “Nguyệt Anh” - có nghĩa là bà Nguyệt Anh góa chồng - với ngụ ý tấm lòng trung trinh của bà sáng như giọt sương dưới ánh trăng. “ Sương” trong câu thơ phải chăng còn có ngụ ý nói đến hình tượng con người Bà?

Thật khó phân biệt đâu là đúng, đâu là sai. Nhưng chắc chắn, nếu có sửa trên bia thì chữ “sường” nên sửa là “ sườn”, còn sửa thành “sương” hay “sườn” thì cần tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia và gia đình.

5. Bài thơ “Khóc cô mẫu Sương Nguyệt Anh”

Lúc cải táng năm 1959, bà Nguyễn Thoại Long có cho khắc bài thơ “Khóc cô mẫu Sương Nguyệt Anh” của bà viết. Tuy nhiên, theo thời gian, do quá trình quét vôi, bài thơ bị che lấp đi mất. Sách Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập I, do Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm và Nguyễn Thạch Giang biên khảo và chú giải, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, in năm 1980 ghi lại như sau:

Dựng mồ kỷ niệm Nguyệt Anh cô,

Vóc dạng ngày nay biết ở mô?

Tờ báo Giới Chung còn dấu tích,

Tấm bia liệt nữ nét nào khô.

Sông Tri rày đặng nương hồn phách,

Đất khách từ đây lánh bụi hồ.

Phận cháu Thoại Long lòng kính mến,

Nguyệt Anh cô hỡi Nguyệt Anh cô”.

Theo bà Âu Dương Thị Yến (lúc cải táng năm 1959, bà đã 14 tuổi), thì bài thơ trên câu đầu và câu cuối phải đổi vị trí cho nhau. Bài thơ rất hay và dù có hoán đổi câu đầu với câu cuối cũng phù hơp. Theo chúng tôi, cần phục hồi lại bài thơ trên mặt sau của bia. Còn việc khắc in vị trí câu đầu, câu cuối thế nào thì cần cạo vôi kiểm tra lại bài thơ khắc trước đây.

Chúng tôi xin được góp vài ý kiến để tham khảo và kính mong được sự quan tâm góp ý của quí độc giả để tạo sự thống nhất cho việc chỉnh sửa văn bia, nhằm có được tư liệu chính thống về một trong những nhân vật nữ đặc biệt xuất sắc trong lịch sử danh nhân văn hóa của quê hương, phục vụ công tác giáo dục truyền thống tại địa phương.

Vũ Hồng Thanh