Tác phẩm “Người thầy đầu tiên” và phong trào xóa mù chữ
Tác phẩm “Người thầy đầu tiên” của nhà văn Liên Xô Chingiz Aitmatov viết về Dyuyshen, một người lính Hồng quân phục viên và là một người thanh niên cộng sản, được Chính quyền Xô viết cử về mở trường dạy học ở làng Kurkureu.
Phong trào xóa mù chữ ở Liên Xô
Trên thực tế, phong trào chống nạn mù chữ được Nhà nước Xô viết coi trọng. Chính quyền các cấp ở Liên Xô đều nêu cao khẩu hiệu: “Người biết chữ hãy dạy cho người chưa biết chữ!”.
Trong phiên họp đầu tiên của Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga (họp từ ngày 2 đến ngày 10/10/1920), V.I.Lênin đã đến dự và đọc bài viết: “Nhiệm vụ của đoàn thanh niên”. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Các đồng chí đều biết rằng không thể xây dựng một xã hội cộng sản trong một nước có những người mù chữ… Chủ nghĩa cộng sản là ở chỗ các nam nữ thanh niên thuộc đoàn thanh niên tự nhủ rằng: đây là công việc của chúng tôi, chúng tôi sẽ tập hợp nhau lại và chúng tôi sẽ về nông thôn thanh toán nạn mù chữ để cho thế hệ đang lên không còn có người mù chữ nữa”.
Trên tinh thần của cuộc chiến chống nạn mù chữ, tác phẩm “Người thầy đầu tiên” của nhà văn Liên Xô Chingiz Aitmatov lấy bối cảnh của làng Kurkureu – tượng trưng cho một vùng quê hẻo lánh và lạc hậu Liên Xô của những năm 1920.
Trong làng Kurkureu có cô gái Altynai lúc đó 15 tuổi mồ côi và luôn bị chú thím độc ác bóc lột sức lao động và ngược đãi.
Sau này, nhờ thầy Dyuyshen (một người lính Hồng quân phục viên và là một người thanh niên cộng sản được Chính quyền Xôviết cử về mở trường dạy học ở làng Kurkureu), Altynai được biết chữ và lên thành phố học tập. Altynai sau đó trở thành nữ viện sĩ.
Năm 1946, Altynai trở về làng Kurkureu, đặt tên cho ngôi trường mà cô đỡ đầu là “Trường Dyuyshen” - ngôi trường mang tên người thầy đầu tiên của mình.
Trong bài “Giáo dục phổ thông ở Liên Xô” (Báo Nhân Dân, số 454, ngày 31/5/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Năm 1930, số người mù chữ còn 10% và Người nhấn mạnh: “Hiện nay, từ các trẻ em 8 tuổi trở lên, ai cũng biết chữ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp học bổ túc văn hóa của phụ nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội (ngày 27/3/1956). (Ảnh tư liệu lịch sử)
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đã chỉ rõ: Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân đều “được đi học”[1].
Theo số liệu năm 2015, trong số 781 triệu người mù chữ trên thế giới có 2/3 là nữ giới. Thế giới còn có khoảng 58 triệu trẻ mù chữ và 100 triệu trẻ em không hoàn thành bậc tiểu học.
Tiếp thu và phát huy kinh nghiệm của Liên Xô
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Người đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp bởi chúng đã “lập ra nhà tù nhiều hơn trường học” và “thi hành chính sách ngu dân”.
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “chính sách ngu dân” là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị nước ta. Người cho biết hơn 90% người dân Việt Nam mù chữ và do đó Người đã đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.
Ngày 8/9/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời ban hành liền ba sắc lệnh số 17, 19 và 20, trong đó, Sắc lệnh số 17/SL về thành lập Nha Bình dân học vụ và cử Giám đốc Bình dân học vụ; Sắc lệnh 19/SL có quy định trong thời hạn 6 tháng, các làng và các đô thị phải có ít nhất một lớp học với ít nhất 30 người học; Sắc lệnh số 20/SL có quy định về việc học chữ Quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người.
Sau đó, ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Người viết: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”[2].
Với phong trào Bình dân học vụ, trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết (ước tính cả nước lúc đó có 22 triệu người). Tiếp đó, những lớp bổ túc văn hóa đã xóa mù chữ cho 8 triệu người dân trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954).
Năm năm sau, vào năm 1959, tất cả các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng trung du miền Bắc đều hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho Nhân dân ở độ tuổi 12-50. Kết thúc kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965), các vùng thấp thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa xong nạn mù chữ cho nhân dân các dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1/5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội vào ngày 19/12/1963. (Ảnh tư liệu lịch sử)
Ngày 21/12/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào một số địa phương đã thanh toán xong nạn mù chữ. Người chỉ rõ: “Thanh toán nạn mù chữ là bước đầu nâng cao trình độ văn hóa. Trình độ văn hóa của Nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của Nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta trở thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Tại miền Nam, đến năm 1975, 30% người dân vẫn mù chữ. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, trong Chỉ thị 221 ngày 17/6/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Trước mắt, phải coi đây (xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa) là nhiệm vụ cấp thiết số một”. Kinh nghiệm thực tiễn xóa mù chữ ở miền Bắc đã trở thành những bài học quý báu, bổ ích cho công cuộc xóa nạn mù chữ ở miền Nam ngay sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất. Cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành phố ở miền Nam đã cơ bản thanh toán nạn mù chữ.
Đầu những năm 1980, nền giáo dục Việt Nam có khoảng 500 trường bổ túc văn hóa nhằm bổ túc kiến thức cho lao động phổ thông, cho công nhân ở các nhà máy, cho thanh thiếu niên người khắp cả nước… Năm 1989, Việt Nam thành lập Ủy ban Quốc gia chống nạn mù chữ để đẩy mạnh công tác xóa mù chữ.
Việt Nam là quốc gia thực hiện thành công mục tiêu thế giới bước vào thế kỷ XXI không còn nạn mù chữ do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khuyến cáo và Liên hợp quốc phát động.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết”.