Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả đời mình cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam
Cuối năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lịch sử nước ta” (Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản tháng 2/1942). Ở câu kết, Người nhận định: “Việt Nam độc lập - 1945”[1]. Đúng như nhận định của Người, ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thành công và sau đó nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ra đời (2/9/1945), đem lại Độc lập – Tự do – Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu nước, cứu dân. Trong ảnh là chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. (Ảnh tư liệu lịch sử).
Trước khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta thì nước ta vốn là một nước độc lập. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Năm 1885, Kinh đô Huế thất thủ, nước ta rơi vào tay thực dân Pháp.
Như lời nói trước khi hy sinh vì đại nghĩa của Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1836-1868) rằng “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, nước Nam mới hết người đánh Tây”, bầu nhiệt huyết cứu nước của người Việt Nam được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Tuy nhiên, những con đường cứu nước theo kiểu cũ như phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh Nghĩa thục, phong trào Duy Tân, khởi nghĩa Yên Thế, khởi nghĩa Yên Bái… không còn phù hợp. Lịch sử dân tộc đòi hỏi phải có một con đường cứu nước mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1911, vì đất nước Việt Nam đang là thống khổ dưới ách cai trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, Người đã xuất dương tìm đường cứu nước.
Trên cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến các nước tư bản tiên tiến nhất lúc bấy giờ là Pháp, Mỹ, Anh… và nhiều nước thuộc địa trên thế giới. Người nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa là: “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[2] và “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”[3].
Năm 1917, tại thủ đô Paris của nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp có tư tưởng yêu nước như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường. Năm 1918, Người đến đảo Réunion thăm vị vua yêu nước Thành Thái đang bị thực dân Pháp giam lỏng tại đây. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, vua Thành Thái đã nói: “Cụ Hồ Chí Minh đã đến gặp tôi ở đảo Réunion. Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”[4].
Đúng như nhận định của vua Thành Thái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quí tin tưởng và trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đại diện Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, ký tên Nguyễn Ái Quốc, gồm 8 điểm và được viết bằng tiếng Pháp gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles vào ngày 18/6/1919, đòi chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Trong một lần theo dõi buổi nói chuyện của Người tại Paris, viên mật thám Pháp Paul Arnoux đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”[5].
Năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đảng Xã hội Pháp. Trong các cuộc họp chi bộ, Người thường xuyên tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân và kêu gọi các đồng chí của mình giúp đỡ cách mạng ở thuộc địa.
Tháng 7/1920, Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin với tinh thần “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” đã tác động to lớn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Người nhớ lại: “Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình… Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng chúng ta”[6].
Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18 tổ chức tại TP Tours (Pháp) vào tháng 12/1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủng hộ Quốc tế III do V.I.Lênin thành lập, tổ chức đứng về nhân dân thuộc địa và khẳng định với nữ đồng chí Rose: “Quốc tế III rất chú ý đến giải quyết vấn đề giải phóng thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[7].
Vào tháng 6/1922, Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp. Albert Sarraut lúc thì thì đe dọa, lúc lại ra vẻ ôn tồn khuyên Người từ bỏ hoạt động chống ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Albert Sarraut nói rằng hắn thích những thanh niên có chí khí như Người và hắn sẵn sàng giúp đỡ Người sống sung túc trên đất Pháp. Nhưng lúc đó, Người đã trả lời: “Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… Kính Ngài ở lại, tôi xin phép về”[8].
Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần Người đã hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Ngày 3/2/1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng thành công, Người trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Tháng 1/1946, trả lời với báo giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[9].
Sau khi Pháp đã thất bại trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (1945-1954), Mỹ đã quyết định hất cẳng Pháp để thực âm mưu của mình tại Việt Nam với bước đi đầu tiên là biến miền Nam Việt Nam thành “thuộc địa kiểu mới”.
Trên Báo Nhân Dân số 3992 (ngày 8/3/1965), trong bài viết “Sách trắng” của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ và lũ tay sai gây chiến tranh phi nghĩa chống lại toàn dân ta, cho nên chúng nhất định thất bại. Buộc phải chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc mình, Nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi. Nhất định thắng lợi vì chúng ta có chính nghĩa; vì chúng ta đoàn kết một lòng, kiên quyết kháng chiến; vì chúng ta được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của Nhân dân yêu chuộng chính nghĩa khắp thế giới – kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ”.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.
Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9/9/1969 dã khẳng định: “Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước… Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của Nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử”[10].
Tháng 9/1969, Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của thế giới thứ ba, của các dân tộc đói nghèo và khát khao nhân phẩm. Người đã dạy họ trước hết phải dựa vào sức mình là chính để tự giải phóng, và một quốc gia chỉ có thể tồn tại nếu những con em của đất nước họ không chịu sống cuộc đời nô lệ. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho cuộc đời của những người nào biết nắm ngọn cờ giải phóng dân tộc bách chiến bách thắng, vượt qua mọi sóng gió thử thách, đã góp phần hy sinh, đã sống có ý nghĩa và danh dự, đã tự tay tạo ra đất nước mới, xã hội mới của mình”[11].
Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vào ngày 10/9/1969 đã nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Lịch sử sẽ ghi tên tuổi của Người như một vị lãnh tụ, một nhà yêu nước kính yêu của nước Ngài, một chiến sĩ đấu tranh cho độc lập dân tộc”[12].
Tháng 9/1969, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã nhận định: “Chưa bao giờ trên một mảnh đất hẹp như vậy, trong một thời gian ngắn ngủi như vậy lại diễn ra một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định vì loài người như là cuộc chiến đấu mà đồng chí Hồ Chí Minh tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Việt Nam, chiến lũy bất khả xâm phạm của cuộc đấu tranh cách mạng trên toàn thế giới và tấm gương cao cả về hy sinh, về khí phách anh hùng và danh dự”.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.
Đúng 17 giờ ngày 30/4/1975, ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng” được Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tiếp cho đến tận đêm khuya. Lời bài hát có giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích sau đó đã nhanh chóng phổ biến đến mọi người dân trong cả nước: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công/ Việt Nam - Hồ Chí Minh/ Việt Nam - Hồ Chí Minh/ Việt Nam - Hồ Chí Minh/ Việt Nam - Hồ Chí Minh”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) của dân tộc ta thắng lợi là do toàn dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng để giữ gìn nền độc lập của dân tộc, thực hiện thống nhất đất nước, xây đắp nền thái bình muôn thuở và đưa đất nước tiến lên hùng cường.
Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”.
Trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4/8/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ: “Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với truyền thống tốt đẹp, khí phách và tinh hoa của dân tộc, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; với bản lĩnh, kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, Đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng là ước vọng của toàn dân tộc “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”...”.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 267
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 268
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270
[4] Báo Cứu quốc, số 748, ra ngày 6/11/1947.
[5] Hồng Hà, “Thời thanh niên của Bác Hồ”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr. 81
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127
[7] Hồng Hà, “Thời thanh niên của Bác Hồ”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2011, tr. 94
[8] T. Lan, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 26.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 187.
[10] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9/9/1969.
[11] Những người bạn quốc tế của Bác Hồ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr 177
[12] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 268