Ngày đăng: 24-03-2025     Tác giả: Nguyễn Minh Hiếu     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Khuyến nông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy và phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bến Tre, tiếp nhận và chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật theo đúng chủ trương, định hướng của ngành, thông qua các hoạt động như: Đào tạo nguồn nhân lực, triển khai các dự án, mô hình trình diễn, tổ chức tập huấn, tham quan, hội thảo, tư vấn kỹ thuật,… nhằm giúp nông dân tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Hằng năm bằng các nguồn kinh phí từ Trung ương đến địa phương, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã xây dựng khá nhiều các chương trình, dự án, các mô hình khuyến nông. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2022-2024, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh cũng đã triển khai thực hiện được 19 mô hình trình diễn, góp phần giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác và tận dụng được thế mạnh của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Mô hình tôm lúa

 

Trong quá trình triển khai các mô hình, dự án khuyến nông nhờ được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan chuyên môn cấp huyện như các Phòng, Trạm khuyến nông khu vục, UBND, đoàn thể xã và sự cần cù chịu khó, ham học hỏi, sự hưởng ứng nhiệt tình và khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của người dân trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình đạt hiệu quả cao và được nông dân tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, nhìn chung khả năng nhân rộng các mô hình trình diễn còn nhiều hạn chế do một số nguyên nhân sau: Diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; thói quen và tập quán canh tác truyền thống của một bộ phận không nhỏ người dân; thực trạng sản xuất chạy theo xu hướng thị trường, chưa tuân thủ quy hoạch; tâm lý trông chờ, ỷ lại của một số bộ phận nông dân, có hỗ trợ thì mới thực hiện, hết hỗ trợ thì không thực hiện; giá cả và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp khá bấp bênh thiếu tính ổn định và bền vững;…

 

Mô hình nuôi bò thịt

 

Từ những hạn chế trên, để nhân rộng các mô hình khuyến nông đạt được hiệu quả cao, chúng tôi đề xuất cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

 Giải pháp về khoa học công nghệ

Xây dựng và thực hiện các mô hình để người dân có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới và học tập làm theo; chú trọng công tác chọn điểm, chọn hộ, phát huy vai trò và trách nhiệm của các hộ tham gia mô hình. Chủ động phối hợp với các địa phương, các hội, đoàn thể,… xây dựng, đăng ký kế hoạch triển khai các chương trình, mô hình khuyến nông 5 năm, hàng năm trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, trong đó ưu tiên lựa chọn các mô hình mang tính cấp thiết, có tiềm năng về thị trường, có khả năng nhân rộng để thực hiện.

Tiếp tục xây dựng và phát triển vùng chuyên canh trên cây trồng, vật nuôi. Mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ nông sản. Chú trọng việc huấn luyện đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân cũng như các tổ hợp tác/hợp tác xã nông nghiệp; phối hợp các hội, đoàn thể, tổ khuyến nông cộng đồng đào tạo huấn luyện cho các hội, tổ viên cơ sở.

Giải pháp về tổ chức sản xuất

 Mô hình phải phù hợp với điều kiện sinh thái, định hướng của địa phương; có sự phối hớp tốt với các ban ngành đoàn thể như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc,...

Xây dựng các mô hình theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, GAP... gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, xây dựng mô hình đồng thời đưa ra những giải pháp phòng bệnh tổng hợp nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra.

Giải pháp thông tin tuyên truyền 

Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ Khuyến nông và mở rộng hoạt động tư vấn các tiến bộ kỹ thuật ở nông thôn.

Nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền thông qua các chuyên mục khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các loại tài liệu, hội thảo, tham quan, cung cấp tin, bài, hình ảnh về các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho website Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, zalo của Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp…

Tăng cường công tác tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, từng bước tháo gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của tỉnh về sản xuất nông nghiệp; tăng cường thông tin sản xuất, thị trường, cũng như giá cả; tăng cường tổ chức các sự kiện khuyến nông nhằm liên kết “05 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước, nhà bank) để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Giải pháp cơ chế chính sách

Tiếp tục, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp về hạ tầng, về chính sách, ưu đãi về thuế, hỗ trợ lãi xuất, ưu đãi đầu tư kinh tế trang trại…

Giải pháp về thị trường

Tăng cường tổ chức hội thảo, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận với các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, đầu ra sản phẩm.

 Tiếp tục hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGap, hữu cơ…đáp ứng các rào cảng kỹ thuật của những thị trường khó tính tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cho sản phẩm của tỉnh nhà đi được những thị trường khó tính trong và ngoài nước.

Giải pháp về tài chính

Huy động mọi nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn vay ngân hàng, nguồn vốn doanh nghiệp nguồn trong dân (xã hội hóa) đẩy nhanh vào việc sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nhằm tạo ra bước đột phá cho việc phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.