Ngày đăng: 24-03-2025     Tác giả: Lương Thị Thanh - Trung tâm Khuyến nông     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

 

Mùa hạn mặn là thời điểm nắng nóng kéo dài, khan hiếm nguồn nước ngọt làm giảm khả năng sinh trưởng của cỏ, dẫn đến giảm năng suất và chất lượng dinh dưỡng. Cỏ có thể bị khô héo, chậm phát triển và mất khả năng tái sinh sau khi thu hoạch thậm chí cỏ có thể chết do tưới phải nguồn nước bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thức ăn xanh cho bò, khiến nông dân gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất và nuôi dưỡng. Việc tìm ra giải pháp thích hợp để duy trì nguồn thức ăn xanh đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc là hết sức cần thiết. Dưới đây là một số giải pháp giúp đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho bò trong điều kiện khô hạn và nhiễm mặn.

Trồng các loại cỏ chịu hạn, chịu mặn

Giống cỏ chịu hạn tốt: cỏ Ghine (cỏ Sả) có thể sống 1 -2 tháng trong điều kiện khô hạn không nước.

Giống cỏ chịu mặn tốt: cỏ Lông Para (Lông Tây) có thể chịu được độ mặn lên đến khoảng 30 - 40‰, tức là gần bằng độ mặn nước biển. Tuy nhiên, mức độ sinh trưởng và phát triển tốt nhất của cỏ lông tây thường ở độ mặn dưới 20‰

 

 

Dự trữ thức ăn xanh

Ủ chua hay ủ xanh thức ăn: là kỹ thuật bảo quản cỏ xanh bằng cách lên men yếm khí, giúp dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa khô hoặc khi thiếu nguồn thức ăn tươi. Dưới đây là cách thực hiện:

Chuẩn bị nguyên liệu:

Cỏ tươi: Cỏ voi, cỏ Ruzi, cỏ Sả, cỏ Lông Tây…hoặc thân cây bắp.

Chất tạo men: Rỉ mật đường (3-5% trọng lượng cỏ) hoặc bột bắp, cám gạo.

Muối: Khoảng 0,5 – 1% để tăng khả năng bảo quản.

Cách ủ chua cỏ

Bước 1: Thu hoạch và cắt nhỏ

Thu hoạch khi cỏ đạt 30-45 ngày tuổi (tùy loại) hoặc trước khi trổ bông 7-10 ngày.

Nếu cỏ xanh có độ ẩm cao (khoảng 80%) thì trước khi đưa vào ủ cần phơi héo sơ bộ để độ ẩm chỉ còn khoảng 70- 75% (rải phơi từ 2-5 giờ).

Cắt cỏ thành đoạn nhỏ (3-5 cm) để dễ nén chặt và lên men nhanh hơn.

 

 

Bước 2: Trộn phụ gia

Trộn đều cỏ với rỉ mật đường hoặc cám gạo và muối theo tỷ lệ phù hợp.

Nếu dùng men vi sinh, có thể pha loãng với nước và phun đều lên cỏ.

 

 

Bước 3: Ủ và nén chặt

Xếp cỏ vào hố ủ, túi ni lông hoặc thùng kín.

Dùng chân hoặc vật nặng nén chặt để loại bỏ không khí, tránh cỏ bị mốc.

Phủ kín bằng bạt hoặc túi ni lông để giữ môi trường yếm khí.

 

 

Bước 4: Bảo quản

Ủ ít nhất 2 tuần có thể sử dụng.

Nếu mở ra có mùi thơm chua nhẹ, màu vàng hoặc xanh rêu là đạt chuẩn.

Nếu có mùi hôi thối hoặc nấm mốc, không nên dùng.

Thời gian dự trữ và bảo quản tối đa là 6 tháng, sử dụng tốt nhất là trong 2-4 tháng.

 

 

Cách cho gia súc ăn:

Tập cho ăn từ từ, không rửa lại nước, không phơi khô khi cho ăn.

Lượng cho ăn: Cho ăn tối đa, có thể thay thế đến 80% lượng cỏ xanh.

Lưu ý quan trọng:

Không để nước mưa hoặc không khí lọt vào trong quá trình ủ.

Khi lấy cỏ ra sử dụng, nên lấy dần theo nhu cầu, tránh mở toàn bộ làm cỏ hỏng nhanh.

Cỏ ủ chua giúp gia súc dễ tiêu hóa hơn và tăng năng suất chăn nuôi.

Phơi khô rơm rạ, cỏ khô: Làm khô rơm và cỏ để sử dụng dài hạn.  Có các phương pháp phơi khô rơm rạ, cổ khô sau đây:

Phơi truyền thống

Trải rơm/cỏ thành lớp mỏng (10-15 cm) trên sân hoặc bãi đất khô.

Lật trở 2-3 lần/ngày để khô đều.

Phơi 3-5 ngày nắng to cho đến khi rơm/cỏ giòn, có màu vàng nhạt hoặc xanh vàng.

Phơi trên giàn cao (tránh ẩm đất)

Dùng giàn bằng tre hoặc lưới, đặt cách mặt đất 50-70cm.

Giúp cỏ thoáng khí, khô nhanh hơn, không bị nhiễm ẩm từ đất.

Bảo quản rơm rạ, cỏ khô

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nước mưa, độ ẩm cao.

Xếp thành từng bó, dựng đứng hoặc nén thành kiện để tiết kiệm diện tích.

Có thể rắc vôi bột (CaCO₃) lên đống rơm để hạn chế nấm mốc.

Lưu ý:

Nếu rơm/cỏ có mùi mốc, màu đen, ẩm ướt → Không sử dụng cho gia súc.

Để tăng dinh dưỡng, có thể ủ với urê hoặc phun mật đường khi cho ăn.

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến

Sử dụng bã mía, thân cây bắp, cây đậu phộng, vỏ đậu phộng, bã khoai mì có thể xử lý (ủ chua) hoặc bã bia làm thức ăn bổ sung.

Phối trộn rơm rạ với ure để tăng hàm lượng đạm. 

Tận dụng gốc rể, thân lá rau, vỏ quả bỏ đi từ các chợ để làm thức ăn cho bò. 

Tối ưu nguồn nước tưới

Trữ nước tưới (nước ngọt) trong các vật chứa kín như: bể chứa, thùng nhựa composite, túi nhựa HDPE, đào ao trải bạt hoặc trữ nước ngọt bằng túi ni-lông chứa nước dưới ao.

Sử dụng nước tưới tiết kiệm bằng hệ thống nhỏ giọt. 

Khai thác nguồn nước ngầm: giếng đào, giếng khoan. 

Bón phân hữu cơ để cải thiện độ ẩm và dinh dưỡng đất. 

Tổ chức chăn nuôi phù hợp

Quy mô nuôi: Giảm số lượng bò nuôi để đảm bảo nguồn thức ăn xanh. 

Con giống: Chọn giống bò chịu hạn mặn tốt như các giống bò lai Brahman, lai bò vàng địa phương, chúng có khả năng chịu hạn, ăn được nhiều loại cây trồng chịu mặn.

Hy vọng những giải pháp trong bài viết trên phần nào giúp người chăn nuôi có thêm thông tin, từ đó chủ động ứng phó hạn mặn trong chăn nuôi bò được tốt hơn, giúp đảm bảo được nguồn thức ăn xanh ổn định cho bò trong mùa hạn mặn, bò phát triển tốt và đảm bảo hiệu quả trong chăn nuôi.