Kỹ thuật canh tác dừa tươi đạt chuẩn xuất khẩu
Bến Tre được biết đến với diện tích dừa lớn nhất cả nước, với gần 80.000ha dừa và là nơi tập trung với đa dạng các giống dừa như Ta xanh, Ta vàng, Xiêm xanh, Xiêm đỏ, Xiêm lục, Xiêm dứa, dừa Ẻo xanh, Ẻo vàng,… là trung tâm chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa và dừa tươi của Việt Nam. Nói đến dừa tươi xuất khẩu, Bến Tre có hai giống chủ lực là xiêm xanh và xiêm đỏ, được trồng tập trung trên địa bàn các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, một phần huyện Bình Đại, thành phố Bến Tre,…
Giống dừa Xiêm xanh và Xiêm đỏ
Cây dừa sống được trên nhiều loại đất khác nhau như đất cát, đất thịt, đất sét, nhưng tốt nhất là đất phù sa và đất cát pha. Đất trồng dừa phải thoáng khí và thoát nước tốt, tầng canh tác dày từ 0,8m trở lên càng tốt. Cây dừa chịu được ngập theo thủy triều lên xuống trong vài tháng mùa lũ và cũng chịu được mặn từ 4 đến 5‰ (phần ngàn) theo con nước trong mấy tháng mùa khô. Nhưng khi bị úng kéo dài, dừa sẽ bị thối rễ và rụng trái. Nếu nhiễm mặn thường xuyên hơn 5‰, trái dừa sẽ nhỏ lại. Cây dừa thích hợp ở pH: 5-8, với pH: 4,5-5 vẫn phát triển được nhưng không tốt.
Khoảng cách và mật độ trồng dừa thích hợp nhất là kiểu ô vuông (6,5m x 6,5 m) khoảng 237 cây/ha hoặc kiểu tam giác đều (6,5m x 5,8m) khoảng 265 cây/ha. Nếu vườn dừa trồng quá dày (trên 265 cây) cần nên tỉa thưa, vì trồng dày dừa bị thiếu ánh sáng trái nhỏ và năng suất thấp.
Sau việc chọn đúng giống và trồng đúng mật độ, việc chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ giúp phát huy tiềm năng năng suất của giống và mang lại hiệu quả cao nhất cho vườn dừa. Để chăm sóc tốt cho vườn dừa người trồng dừa cần nắm một số đặc điểm quan trọng sau:
Cây dừa từ 5 tuổi trở lên, có khoảng 70% rễ mọc cách gốc trong vòng bán kính từ 1,5m đến 2,5m và không ăn sâu (dưới 60cm). Đây là vùng rễ chủ yếu hút nước và phân bón để nuôi cây, việc bón phân và tưới nước nên tập trung vào vùng nầy.
Dừa là loại cây trồng cho trái quanh năm. Suốt thời gian đó, nếu thiếu dinh dưỡng, dừa sẽ không có lưỡi mèo (tức buồng hoa) hoặc có ít hoa cái và sẽ rụng nhiều trái non. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho dừa ít trái, có trái gián đoạn hoặc bị treo, làm giảm năng suất. Vì vậy, muốn dừa có trái sai và liên tục, thì phải bảo đảm cho cây dừa luôn đủ dinh dưỡng (ánh sáng, phân và nước).
Cũng như nhiều loại cây trồng khác, Cây dừa cần đầy đủ và cân đối các dưỡng chất đạm, lân, kali, trung lượng và vi lượng. Tuy nhiên, tùy vào loại đất, tình hình sinh trưởng của cây dừa, mùa vụ (mùa mưa, mùa nắng) mà sẽ chọn loại phân bón thích hợp cho vườn dừa. Dưới đây là loại phân bón và cách bón phân cho vườn dừa giai đoạn cho trái.
Loại phân và lượng phân trung bình cần bón cho 1 cây dừa/năm như sau:
Phân vôi: 1,5-2 kg: bón 1 lần vào cuối mùa mưa, rải đều khắp bờ. Định kỳ hàng năm, đo pH đất nếu thấp hơn 5 thì phải tăng lượng vôi để nâng pH đất lên đạt từ 5-8. Nếu pH thấp dưới 4, cây không thể hấp thu phân trong đất).
Phân hữu cơ: 5kg: bón sau khi bón vôi 15 ngày.
Phân Canxinitratboron: 1,5kg: chia đều bón mỗi tháng 100g (hoặc 150-200g/ cây đối với vùng đất bị nhiễm mặn 3-4 tháng/năm).
Phân NPK (20-20-15; 30-9-9; 30-10-10 hoặc 27-7-7): 4-5kg. Đối với vùng có đủ nước ngọt tưới quanh năm thì có thể chia ra 300g-350g/lần. Vùng bị hạn mặn thì bón 500g/lần, khi hết nước ngọt để tưới thì ngưng bón. Mùa mưa, nên bón loại phân NPK (20-20-15), mùa nắng thì có thể bón phân NPK (27-7-7 hoặc 30-10-10 hoặc 30-9-9).
Cách bón, rải đều lượng phân trên vào vùng rễ hình chiếu dưới tán dừa, cách gốc dừa 1,5m, tưới đủ nước ngay sau khi bón phân để phân tan cho cây hấp thu tốt, tránh phân bị tiêu hao. Bón phân sau mỗi đợt thu hoạch dừa, mùa hạn – mặn nếu nước trong vườn bị nhiễm mặn, vườn không có nước tưới thì ngưng bón phân.
Bồi bùn rất tốt cho cây dừa, vì trong bùn có nhiều chất hữu cơ và các khoáng chất có ích. Nên bồi bùn vào mùa khô (thời điểm đất không bị nhiễm mặn). Nếu kết hợp việc bón phân và bồi bùn phủ lên ngay sau đó thì rất hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ nên lấy lượng phù sa tầng mặt để bồi, tránh lấy tầng sét hoặc đất phèn ở tầng sâu.
Thiếu nước, cây dừa sẽ không hút được chất dinh dưỡng và đậu trái ít (rụng trái non). Trong mùa nắng nếu có điều kiện nên duy trì chế độ tưới ít nhất 10 ngày/lần sẽ góp phần gia tăng năng suất vườn dừa. Ngoài ra, nên duy trì lớp thực vật trên mặt liếp dừa bằng cách giữ lớp cỏ mỏng, nhất là cỏ họ đậu, hay dùng tàu lá dừa khô (không bị sâu bệnh) để chống việc rửa trôi đất trong mùa mưa, giữ ẩm đất trong mùa khô, làm tăng độ màu mỡ của đất.
Với quy trình bón phân, tưới nước, chăm sóc vườn dừa như trên, năng suất đạt trên 30.000 trái/ha/năm và tỉ lệ loại 1 đạt khoảng 80%. Tuy nhiên một số vườn dừa canh tác trên một số vùng đất xấu, đất bị ngập nước do triều cường… dẫn đến nằn suất không đạt như trên. Dưới đây là một số một số vấn đề gặp phải trong canh tác dừa và giải pháp xử lý:
Hiện tượng rụng trái non, trái bình thường không có dấu hiệu bị sâu, bệnh nguyên nhân do rụng sinh lý khi cây bị thiếu dinh dưỡng NPK và Bo. Khi vườn dừa có hiện tượng rụng trái non nhiều (trên buồng còn dưới 12 trái), cần điều chỉnh phân bón như sau: Ngoài lượng phân NPK như bình thường, cần bón bổ sung thêm phân canxinitratboron (200g/cây), bón liên tục 2-3 tháng.
Trái dừa bị nứt đít do bị thiếu Canxi, cần giảm 50% lượng phân NPK và thay vào đó 200-300g phân canxinitratboron bón liên tục 2-3 tháng.
Trái dừa khoảng 3-4 tháng tuổi bị nứt trên đầu, hiện tượng này do cây dừa bị ngập nước hoặc bị dư đạm (tỉ lệ N.P.K không cân đối). Cần điều chỉnh lại lượng và loại phân bón như sau: Nếu trên vườn dừa chỉ có một vài cây bị thì bón ngay 200g kali/cây. Đồng thời giảm 50% lượng phân bón cho những cây này vào đợt bón phân tiếp theo, các cây còn lại bón như bình thường. Nếu tỉ lệ cây bị nứt trái trên 20% cần giảm lượng đạm trong phân NPK xuống, chuyển từ công thức 30.10.10 sang công thức 20.20.15, đồng thời giảm lượng phân bón xuống khoảng 200g/cây.
Trên vườn vừa có hiện tượng nứt đít vừa nứt đầu: Nứt đít là do thiếu canxi, nứt đầu do dư đạm thiếu kali. Cần ngưng phân N.P.K, bón phân Canxinitratboron (300g/cây)+ 100g kali. Bón 1-2 lần chuyển lại bón như bình thường.
Dừa trái nhỏ, tỉ lệ loại 1 không đạt đến 80% (dừa loại 1: trọng lượng 1,3kg/trái trở lên): thứ nhất, cần bảo đảm số trái trên buồng không quá nhiều (xiêm xanh tối đa 12 trái/buồng, xiêm đỏ tối đa 15 trái/buồng), nếu dừa đậu trái quá nhiều thì nên tỉa bớt (tỉa buồng 3-4 tháng tuổi, dùng cây chỉa có đầu nhọn chích và trái cho xì nước ra, khoảng 3-4 ngày sau trái sẽ tự rụng); thứ 2, tăng lượng đạm trong công thức phân N.P.K (ví dụ: đang bón N.P.K: 20.20.15, thì chuyển sang bón N.P.K: 30.9.9 hoặc 30.10.10). Nếu xử lý như trên từ 3-4 tháng nhưng trái vẫn nhỏ thì xem lại giống dừa và trồng cải tạo lại những cây trái nhỏ.
Số nụ hoa cái trên mỗi buồng hoa dưới 15 nụ, do thời điểm hình thành hoa cái cây dừa bị thiếu dinh dưỡng (chủ yếu là phân đạm). Cây dừa là cây cho trái liên tục quanh năm nên cần bón phân cho dừa sau mỗi đợt thu hoạch nếu có đr nước tưới. có như vậy cây dừa mới cho năng suất tối đa.
Cỏ dại, cây tạp trên vườn dừa là đối tượng canh dinh dưỡng với cây dừa. Để cây sử dụng hiệu quả phân bón, cần quản lý tốt cỏ dại trên vườn, cụ thể chú ý hai loại cỏ nằm trong danh mục kiểm dịch của Trung Quốc sau:
Cây cỏ hôi:Tên khoa học: Chromolaena odorata (L.) King & Robinson
Cây cỏ hôi
Cây cỏ hôi là một loài cây nhỏ cao khoảng 30 - 50cm. Lá mọc đối, hình trứng, mép có răng cưa tròn. Toàn thân và lá đều có lông. Hoa nhỏ, màu tím hay xanh trắng. Quả bé và có ba sống dọc, màu đen. Loài cây này có mùi rất hắc khi vò lá. Là ký chủ của nhiều loài rệp sáp vì vậy cần quản lý kỹ trong vườn dừa.
Cây Mikania micrantha Kunth
Tên khoa học: Mikania micrantha Kunth
Cây Mikania micrantha Kunth
Cây Mikania micrantha là một loại cây thân thảo lâu năm bán thân gỗ, thân xoắn, leo hoặc trườn; mỗi cây có thể chiếm một không gian 25 mét vuông chỉ trong một tháng. Mikania micrantha là thực vật ngoại lai xâm lấn có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, thích nghi những khu vực có độ ẩm cao, nhiều ánh sáng và đất màu mỡ, giàu chất hữu cơ.
Biện pháp quản lý cỏ dại: phát cỏ bằng dao, máy phát cỏ hoặc có thể xử lý một trong các loại thuốc trừ cỏ sau: Glyfosinate ammonium (bm Hector 200SL, Glusina 20SL). Phun sau khi thu hoạch dừa.
Trên đây là quy trình chăm sóc, bón phân, quản lý cỏ dại trên vừơn dừa tươi. Việc quản lý sâu, bệnh hại trên dừa góp phần nâng cao năng suất và chất lượng dừa tươi, nội dung này sẽ được viết tiếp kỳ sau.