Nông dân xứ dừa chọn “Đi cùng nhau để đi xa hơn”
Để có lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm, nhiều nông dân ở Bến Tre có cách làm ăn mới, ví như họ đã kết hợp với những nông dân khác để có nguồn cung nông sản với sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
“ Lão đại” của làng tôm Thạnh Phú
Ông Ba Sấm thăm ao tôm CNC
Đây là chuyện nuôi tôm chuyển bại thành thắng của ông Lê Văn Sấm, thường gọi là Ba Sấm ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.
Trước những năm 2000, ông Ba Sấm là một trong ít người đi đầu nuôi tôm biển ở xã Thạnh Hải. Ban đầu ông nuôi tôm quảng canh nhưng lượng tôm giống trong thiên nhiên ngày một ít đi, chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến, nuôi công nghiệp. Trong quá trình ấy, nuôi tôm sú đến tôm thẻ chân trắng ông đều trải qua, nhưng các phương pháp và loại tôm nuôi trên chỉ thành công vài năm đầu, đất ao ô nhiễm, tôm nuôi chưa đạt thể trọng yêu cầu bị nhiễm bệnh phải bán đổ bán tháo, lỗ nặng.
Trong lúc nhiều người nuôi tôm liên tục thất bại, bán đất trả nợ, chuyển nghề, ông có suy nghĩ: tại sao ở tỉnh khác người ta nuôi được, địa phương mình nhiều năm tôm nuôi bị sớm nhiễm bệnh, có phải kỹ thuật nuôi ở xứ họ tốt hơn mình ở đây, phải tìm hiểu họ nuôi như thế nào?
Rồi đương lúc loay hoay tìm hướng đi mới cho nghề nuôi tôm, năm 2013 ông được Công ty cổ phần chăn nuôi CP Thái Lan mời đi tham quan nuôi tôm công nghệ cao (CNC), mật độ nuôi 200 con/m2, ao trải bạt ở tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Ao nuôi ở đây có hệ thống thủy lợi tốt, có máy sinh khí xi-phong đưa cặn bả ao tôm trong quá trình nuôi ra ngoài, máy tạo oxy... tôm nuôi qua ba giai đoạn. Nuôi tôm ở đây có ưu điểm: quản lý được dịch bệnh, khả năng thành công đến 90%, thu hoạch cao gấp nhiều lần nuôi tôm truyền thống. Ông thấy phương pháp nuôi tôm ở Bạc Liêu, Cà Mau tiên tiến hơn ở vùng biển quê mình.
Sau chuyến tham quan học hỏi nuôi tôm CNC, ông thiết kế ngay hệ thống ao tôm CNC trên đất nhà mình, 1 ha có 2 ao nuôi, mỗi ao từ 1000-1500m2, phần đất còn lại làm bờ bao, đường điện, ao lắng, ao xử lý nước, ao xả thải cặn bã dướí đáy ao. Ao nuôi được thay nước sạch qua xử lý diệt khuẩn thường xuyên, tạo môi trường sạch cho tôm phát triển. Hệ thống tôm CNC gồm các chuỗi ao liên hoàn: 1 ao ương post 24- 25 ngày đạt dưới 100 con/kg chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2, nuôi thời gian 3 tháng đạt 40con/kg, tuyển lựa tôm khỏe chuyển sang ao nuôi giai đoạn 3, nuôi mật độ thưa, thời gian nuôi 1 tháng đạt 24 con/kg, xuất bán.
Thu hoạch tôm CNC ở huyện Thạnh Phú.
Ban đầu, ông nuôi thử nghiệm 2 ao, mỗi ao thương phẩm rộng 1000 m2, đạt 8-9 tấn/ao, lãi 800 triệu đồng/ao. Lần đầu nuôi thử thành công lớn, ông phấn khởi nuôi tiếp 25 ao, thu hoạch hơn 9 tấn/ao, lãi gần 1 tỷ đồng/ao.
Tuy nhiên, thắng lợi này chỉ được hai năm, tôm nuôi CNC ở ông thất bại do nuôi đến 3 vụ/năm, không quan tâm việc cải tạo ao, nước đưa vào không xử lý tốt, ao nuôi bị nhiễm khuẩn gây bệnh cho tôm. Sau khi khắc phục được tình trạng nhiễm khuẩn ao nuôi, ông Sấm cũng bỏ kế hoạch nuôi một năm 3 vụ và thận trọng hơn trong những đợt thả tôm mới.
Rút kinh nghiệm từ ao nuôi bị nhiễm khuẩn, sau mỗi vụ nuôi ông cải tạo thật kỹ ao nuôi, bón vôi diệt khuẩn, phơi ao... rồi mới thả nuôi vụ tiếp theo và chỉ nuôi 2 vụ/năm để có thời gian cải tạo ao, xử lý môi trường nước phòng các bệnh cơ bản ở tôm. Theo ông, quan tâm vệ sinh ao, xử lý sạch nguồn nước đưa vào, thải ra, tỷ lệ thành công cho những vụ nuôi tiếp sau sẽ đạt rất cao.
Thường ông thả nuôi vài ao, xem tôm khỏe mạnh mới thả tiếp dần cho đến hết các ao nuôi. Nuôi tôm lệ thuộc con giống có sạch bệnh hay không và thời tiết nóng lạnh cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, nếu không cẩn trọng trong thả nuôi, thiệt hại đến tiền tỷ. Ông Ba Sấm chia sẻ.
Hiện tại ông đã có 65 ao nuôi, mỗi vụ nuôi thành công đạt trên 800 tấn, sau khi trừ chi phí, ông lãi từ 30-40 tỷ đồng. Năm 2023 ông là nông dân có thu nhập 50 tỷ đồng, cao nhất trong nông dân cả nước, được Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Trong các buổi sinh hoạt CLB nông dân tỷ phú, ông Ba Sấm thường được CLB mời trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm CNC, ông luôn thật tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm CNC với mọi người, hướng dẫn một cách tỷ mĩ không hề giấu diếm, nhiều thanh niên trong vùng làm theo ông đã giàu lên, mua được cả xe ô tô. Nhiều nông dân nuôi tôm biển gọi ông Ba Sấm là “Lão đại” của làng tôm Thạnh Phú.
Người phụ nữ “ Đồng Khởi mới”
Thường 1 ha sầu riêng hạt lép mong thong, Ri 6 với giá xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2024, có lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm. Những nông dân có đất canh tác ít hơn, khó có lợi nhuận 1 tỷ đồng nhưng cá biệt cô Nguyễn Thị Thinh ở ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, canh tác chỉ 3000 m2 đất sầu riêng kết hợp với kinh doanh, chế biến thực phẩm từ trái sầu riêng phục vụ du khách đã đưa cô vào CLB nông dân tỷ phú huyện Châu Thành.
Sầu riêng cô Thinh bán tại hội chợ Bến Tre.
Vườn sầu riêng của cô trước đây cũng như nhiều nông dân khác ở vùng đất này, canh tác dựa vào mưa nắng, cây bao nhiêu trái để hết, kết quả cây cho trái nhỏ, trái lép. Nhiều chủ vườn cũng canh tác sầu riêng như vậy, thương lái chê và loại bỏ gần hết mỗi khi thu mua. Trái sầu riêng ở vùng đất này một thời trở thành trái “sầu chung”!
Được dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng theo chuẩn Vietgap cùng tham quan mô hình mẫu của những nhà vườn chăm sóc cây sầu riêng cho trái ngon, an toàn ở Thái Lan do CLB nông dân tỷ phú tổ chức, cô ứng dụng và từ đó sầu riêng của vườn cô cho trái đẹp, ngon, an toàn. Nhưng để đáp ứng đủ sản lượng sầu riêng ngon theo yêu cầu của thương lái, cô Thinh nghĩ đến việc chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc trái sầu cho các chủ vườn lân cận, để họ liên kết về sản lượng xuất bán. Cô cũng nhờ chính quyền xã mời kỹ sư khuyến nông đến tập huấn kỹ thuật cho nhà vườn trồng sâu riêng ở ấp Hàm Luông.
Nhận thấy trái sầu riêng nào cũng giống nhau, cô đăng ký thương hiệu “Sầu riêng cô Thinh”, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền nhãn hiệu và những vườn sầu riêng đạt chuẩn ở xã Tân Phú được Sở Khoa học & Công nghệ Bến Tre cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Sầu riêng vườn nhà đạt trái sạch, chất lượng, an toàn, cô đăng ký Ocop của tỉnh, đạt chuẩn 3 sao. “Sầu riêng cô Thinh” hiện đã có mặt trên các quầy hàng trong siêu thị ở nhiều tỉnh thành trong nước. Ngoài trái tươi, Sầu riêng cô Thinh còn có các loại cấp đông nguyên trái, sầu riêng nường nguyên trái, lẩu gà sầu riêng, chả giò sầu riêng, sầu riêng chiên... bên cạnh những chế phẩm quen thuộc như: kẹo, bánh, mứt sầu riêng...
Đất canh tác ít nhưng biết tính toán trong sản xuất kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm canh tác cho nhiều nhà vườn cùng làm. Nghị lực sống vươn lên trong khó khăn và giúp nhiều nông dân phát triển làm giàu, cô Thinh được Hội Liện hiệp phụ nữ tỉnh tặng danh hiệu “Phụ nữ Đồng Khởi mới lần thứ Ba” và nhiều bằng khen của tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Bao tiêu nguồn nguyên liệu
Bên cạnh nuôi tôm, trồng sầu, Bến Tre còn nổi tiếng về cung ứng cây giống, hoa kiểng. Người có thành quả nổi bật là ông Đặng Quang Thanh, thường được gọi là Thanh Lá, thành viên CLB nông dân tỷ phú của tỉnh.
Sản xuất kiểng lá tạo việc làm cho người lao động
Ông Thanh khởi nghiệp sản xuất kinh doanh hoa kiểng từ năm 1990. Ông là người ở đầu tiên ở Bến Tre có ý tưởng dùng kiểng lá cấm hoa. Quá trình khởi nghiệp sưu tập kiểng lá ngày ấy vất vả vì chưa có mạng internet như bây giờ, nên ông nhờ người quen tìm mua ở Nhật Bản, rồi một Việt kiều ở Pháp biết ông thích sưu tầm kiềng lá, tặng cho ông hạt giống cây cọ Pháp rất đẹp. Đam mê với cây kiểng lá, ông sưu tầm và nhân hàng ngàn giống kiểng lá khác nhau.
Cây kiểng lá do ông Thanh ngày nay không chỉ dùng cấm hoa mà được trồng trang trí ở phòng khách, văn phòng làm việc, không chỉ tạo không gian xanh mát mà còn vừa làm đẹp vừa lợi ích môi trường. Nhu cầu trang trí kiểng là ngày một lớn, nhiều địa phương trong nước, nước ngoài: Hàn Quốc, Bangladesh, Thái Lan, Ấn Độ... biết ông có nguồn cung ứng kiểng lá, đã ký hợp đồng trồng cây xanh, kiểng lá với ông.
Với đầu ra lớn, mãnh đất ở vườn nhà không đủ cung ứng cho thị trường, ông xây dựng vệ tinh cung ứng là các nhà vườn ở huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Thạnh Phú... trồng cây kiểng lá và bao tiêu sản phẩm. Cây kiểng lá thích hợp bóng râm, nông dân làm vệ tinh trồng kiểng lá, trồng dưới tán cây ăn trái vửa giữ ẩm cho đất vừa có thêm thu nhập trên cùng diện tích.
Ông Đặng Quang Thanh giới thiệu cây sầu riêng giống sắp xuất bán của mình.
Bên cạnh sản xuất kiểng lá, ông Thanh còn sản xuất, kinh doanh hoa, kiểng, cây giống. Với thị trường rộng lớn, ông xây dựng vùng nguyên liệu ở Bến Tre, Vĩnh Long bằng cho mượn vốn ban đầu với người thiếu vốn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất, cây giống, hoa kiểng và bao tiêu sản phẩm. Nhiều nông dân phấn khởi khi chuyển đất trồng lúa, vườn tạp sang trồng hoa, kiểng, cây giống vì chỉ cần 1000 m2 trồng hoa, kiễng, cây giống, mỗi tháng cho thu nhập 2 triệu đồng. Ông Thanh nói.
Ông Thanh đã trao cho nông dân cái cần câu như vậy.
CLB Nông dân tỷ phú do Hội Nông dân tỉnh quản lý, là nơi để nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chia sẻ và học tập kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu, tạo điều kiện tốt nhất cho các thành viên giao lưu, kết nối, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực, khát vọng và đặc biệt dẫn dắt hội viên, nông dân làm giàu. Ông Nguyễn Văn Bàn - Chủ tịch HND tỉnh Bến Tre |