Ngày đăng: 08-11-2018     Tác giả: Thu Duyên     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Bưởi da xanh là một trong ba cây trồng chủ lực của huyện Mỏ Cày Bắc. Bưởi da xanh được nông dân trồng rải rác trong toàn huyện xen trong vườn vừa; một số hộ trồng chuyên canh. Diện tích trồng nhiều tập trung tại Thanh Tân, Tân Thành Bình, Nhuận Phú Tây, Tân Thanh Tây…

Toàn huyện có 2.727 ha diện tích trồng cây ăn trái, trong đó có 1.258 ha trồng bưởi da xanh chiếm 40% diện tích cây ăn trái. Thời gian gần đây, nông dân đã tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.


DSC00499

 

Tạo điều kiện cho các hộ trồng bưởi trao đổi kinh nghiệm sản xuất và chăm sóc đúng quy trình, các ngành đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Các xã tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ chuyên đề về cây bưởi da xanh. Các tổ hợp tác bước đầu đã tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất có hiệu quả, liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt là có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân và nhà doanh nghiệp có tiếng nói chung; vừa nâng cao chất lượng hàng hóa vừa sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn còn canh tác theo lối cũ, mỗi người chăm sóc theo một cách riêng, ít trao đổi kinh nghiệm với nhau. Nông dân chưa thật sự cùng nhau sản xuất theo một quy trình nhất định. Cây trồng với mật độ dày, không bón phân hữu cơ, ít tỉa cành, tạo tán. Từ đó làm cho chất lượng trái cũng như độ ngọt, mẫu mã trái không đồng điều giữa các vùng trồng trong huyện.

Trong những năm gần đây, việc chăm sóc cây trồng đã được người dân chú trọng hơn; bổ sung thêm phân hữu cơ thay vì chỉ bón phân hóa học như trước. Nông dân mạnh dạng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật Jica – kéo tàn, tạo tán trên cam sành. Từ đó, chất lượng trái ngày càng cao.

Từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, huyện khuyến khích các hộ tham gia sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác. Đến nay, huyện đã thành lập được 7 tổ hợp tác trồng bưởi da xanh ở các xã Thanh Tân, Hòa Lộc, Nhuận Phú Tân, Tân Thanh Tây và Thành An; thành lập 2 hợp tác xã ở Tân Thành Bình và Thành An. Một số hợp tác xã đã ký được hợp đồng đầu ra trái bưởi da xanh với cơ sở Hương Miền Tây và Hoàng Quý, hợp đồng đầu vào với công ty phân bón Điền Trang.

Thực tế cho thấy, khi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nông dân được hưởng lợi nhiều mặt. Ngoài  hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, còn giữ vai trò đầu mối, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2018, huyện củng cố phát triển mới ba hợp tác xã bưởi da xanh ở xã Nhuận Phú Tân và Thanh Tân đang hoạt động có hiệu quả; xây dựng 8 hợp tác xã nông nghiệp, giai đoạn 2019 – 2020 tiếp tục củng cố và nâng chất các tổ hợp tác, hợp tác xã đã được thành lập. Thành lập mới 2 hợp tác xã nông nghiệp, tạo sự liên kết giữa các hợp tác xã với nhau trong sử dụng dịch vụ hàng hóa. Định hướng giai đoạn 2020 – 2025 tiếp tục phát triển chuỗi giá trị bưởi da xanh hình thành theo hướng bền vững tạo ra sản phẩm chất lượng cao.