Ngày đăng: 06-12-2018     Tác giả: Việt Cường     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Ngày 5-12-2018, tại xã Vĩnh Thành, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách tổ chức Hội thảo bàn giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị cây giống của huyện.

 

 Quang cảnh Hội thảo

Sản xuất giống cây ăn trái là nghề truyền thống của huyện, với khoảng 924 ha vào cuối năm 2016, đến nay tăng lên gần 1.200ha, sản lượng bình quân từ 25-35 triệu sản phẩm/năm, có khoảng 5.000 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, giá trị sản xuất ước đạt hơn 250 tỷ/năm. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn tiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, ngoài 8 chuỗi giá trị nông sản được các ngành tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp thì huyện Chợ Lách cũng có chương trình hành động nâng cấp chuỗi giá trị cây giống.

Theo đó Huyện tập trung nâng cấp ở 2 lĩnh vực then chốt là tổ chức lại sản xuất bằng cách xây dựng các liên kết ngang và tổ chức các liên kết dọc để kết nối thị trường. Trong chuỗi giá trị cây giống hoa kiểng, đến nay đã thành lập 6 Hợp tác xã và 38 Tổ hợp tác, liên kết sản xuất; vận động chuyển đổi 224 ha vườn tạp kém hiệu quả sang sản xuất cây giống. Nhiều mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm được kết nối với các hợp tác xã và hơn 500 cơ sở kinh doanh cây giống trong và ngoài tỉnh cùng 11 đại lý tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh miền Đông.

Tuy nhiên, hoạt động của một số Hợp tác xã trên địa bàn vẫn chưa thực đúng với bản chất của mô hình HTX kiểu mới, chưa thu hút đông đảo nông dân tham gia, chưa có nhiều doanh nghiệp tiêu thụ nông sản vào chuỗi giá trị; chưa hình thành vùng sản xuất tập trung theo một quy trình sản xuất dẫn đến không có nguồn nguyên liệu và sản phẩm đồng nhất để cung cấp theo yêu cầu của doanh nghiệp; công tác xây dựng và khai thác các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý chưa cụ thể, rõ ràng, chưa phát huy hiệu quả.

 

Ông Lê Văn Đơn – Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện phát biểu

Để nâng cấp chuỗi giá trị cây giống, các đại biểu nêu ý kiến cần cải tiến nội dung, phương thức vận động nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường gắn với xây dựng mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã kiểu mới, áp dụng các biện pháp sản xuất đảm bảo nguồn gốc xuất xứ; có giải pháp hỗ trợ nông dân xây dựng vườn cây đầu dòng, xây dựng và công bố tiêu chuẩn giống theo quy định; tổ chức xác nhận các mô hình sản xuất cây giống đáp ứng đủ điều kiện theo pháp lệnh giống cây trồng; tập huấn cho nông dân đáp ứng yêu cầu sản xuất giống cây trồng; tổ chức quản lý tốt nhãn hiệu hàng hóa cây giống Cái Mơn; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng theo quy định; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cây giống phát triển bền vững./.

Tin, ảnh: Việt Cường