Ngày đăng: 12-08-2019     Tác giả: Trúc Giang     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) -  chương trình được xác định là một giải pháp cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở khu vực này. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, việc triển khai thực hiện chương trình phải bảo đảm các nguyên tắc: sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có tính sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác.

 

 Xoài tứ quí - Sản phẩm OCOP của huyện Thạnh Phú


Chương trình OCOP, nhà nước hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ, khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Đến nay, cả nước đã có hơn 30 tỉnh, thành phố trong  triển khai chương trình OCOP theo các quy mô khác nhau. Trong một thời gian ngắn, cả nước đã dấy lên một phong trào mạnh mẽ về phát triển kinh tế nông thôn theo mô hình OCOP, các địa phương đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng. Hiện cả nước có 6.010 DN, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 DN (chiếm 76,6% số DN sản xuất nông nghiệp trong cả nước), tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc sáu nhóm sản phẩm, trong đó, nhóm thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm đồ uống có 1.041 sản phẩm; nhóm thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 186  sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 580 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm. Tuy nhiên, mới có 1.086 sản phẩm có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 22,52%); 695 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm 14,4%).

Với kết quả này cho thấy, hầu hết các sản phẩm OCOP đều có triển vọng phát triển theo chiều hướng đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, được tổ chức sản xuất đồng bộ.

 

Nhãn xuồng- sản phẩn OCOP của huyện Chợ Lách


Bến Tre là 1 trong 12 tỉnh được chọn chỉ đạo điểm của Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (giai đoạn 2018 – 2020). Thực hiện chương trình này, Bến Tre đã xây dựng đề án thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh cũng đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tiếp cận các thị trường tiêu thụ tiềm năng.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Bến Tre tập trung vào 6 nhóm/ngành hàng chính, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng và nhóm sản phẩm nông nghiệp, truyền thống khác.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tuy sản phẩm khá phong phú nhưng vấn đề là tìm đầu ra. Đơn cử như sản phẩm xoài của Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) là sản phẩm được canh tác theo qui trình sạch, nông dân chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ và dùng túi bao trái nên đã  hạn chế tối sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra trái xoài vẫn phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp, thương lái thu mua và phân phối ra ngoài tỉnh. Tại xã, chưa có cơ sở chế biến nên giá xoài không ổn định.

Để giải quyết khó khăn này, vào tháng 12-2016, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong được thành lập. Sản phẩm chủ lực mà HTX hướng đến là xoài trái và xoài sấy. Tuy nhiên, khi xếp hạng sản phẩm theo tiểu chuẩn của chương trình OCOP, sản phẩm xoài của HTX chỉ mới đạt 52/100 điểm.

 

Bưởi da xanh Bến Tre


Sản xuất bưởi da xanh cũng gặp nhiều trở ngại. HTX Nông nghiệp Bình Hòa, huyện Giồng Trôm đã được cấp chứng nhận sản phẩm bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). HTX cũng đã xây dựng được nhãn  hiệu hàng hóa và dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đó là các điều kiện  để HTX tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Nhưng do HTX chưa ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài nên chưa thể ổn định đầu ra.

Thực tế cho thấy: OCP là chương trình còn khá mới mẽ nên các địa phương chưa được tiếp nhận nhiều thông tin liên quan đến chương trình này. Các DN, nhà sản xuất ở Bến Tre chưa có nhiều thời gian tiếp cận với bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP… nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện.

 

Hội thảo bàn giải pháp phát triển sản phẩm OCOP ở Bến Tre

 

Do vậy, các ngành tỉnh cần hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý các cấp cho chương trình OCOP. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến thông tin  rộng rãi cho các chủ thể sản xuất biết và tham gia chương trình. Bên cạnh đó, nhà nước cần tích cực hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ triển lãm; tổ chức trao đổi kinh nghiệm về thực hiện Chương trình OCOP.

Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phải cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường lớn, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo áp lực ngày càng lớn cho các sản phẩm trong nước. Trước những thách lớn này, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết. Trong đó, xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với định hướng phát triển các nhóm sản phẩm ở 3 cấp độ, đặc biệt là các sản phẩm cấp huyện, cấp xã (mà Chương trình OCOP hướng vào) nhằm thực hiện mục tiêu của Chương trình là tiêu chuẩn hóa gần 2.400 sản phẩm, củng cố 3.920 tổ chức kinh tế tham gia OCOP.

Để sớm phát huy những ưu thế của Chương trình OCOP đối với phát triển kinh tế ở nông thôn cần truyền thông cho cả toàn xã hội hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP, từ đó tạo động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Bên cạnh đó cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM (giai đoạn 2018-2020)

Theo chỉ đạo của chính phủ: UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn để xây dựng, thực hiện đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Lưu ý cần lựa chọn bước đi, lộ trình thích hợp, lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm xã, huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và tiến tới xuất khẩu tạo chuỗi giá trị. Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP được gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của mỗi địa phương, gắn với thực hiện Đề án phát triển 15.000 HTX./.

Bài, ảnh: Trúc Giang