Lan tỏa hiệu quả mô hình trồng rau hữu cơ
Theo số liệu của Trạm Khuyến nông huyện Ba Tri, hiện toàn huyện có 5 nhóm sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn, với diện tích khoảng 12.000m2. Từ nhóm đầu tiên thành lập năm 2015 đến nay, mô hình trồng rau hữu cơ, rau an toàn của Ba Tri đã lan tỏa và khẳng định hiệu quả.
Cô Hồ Thị Hồng thu hoạch rau hữu cơ.
Cải thiện môi trường
Cô Hồ Thị Hồng là một trong các hộ trồng rau hữu cơ thuộc tổ rau hữu cơ ấp An Phú 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri. Trước năm 2016, nhà cô Hồng chỉ chăn nuôi bò. Gia đình đã lắp đặt 1 hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn gắn với sử dụng công trình khí sinh học, cô Hồng và nhiều nông dân khác ở xã An Hòa Tây đã tham dự đầy đủ các lớp tập huấn, hướng dẫn về vận hành, bảo dưỡng công trình khí sinh học, các giải pháp chống quá tải hầm biogas, sử dụng triệt để khí gas trong đời sống, kỹ thuật ủ phân hữu cơ… do Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tổ chức.
Thấy tiếc miếng đất để không, đồng thời cũng được Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp hướng dẫn về cách sử dụng các phụ phẩm từ khí sinh học để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, cô Hồng bắt đầu tham gia tổ trồng rau hữu cơ tại ấp An Phú 2, rồi vừa học vừa làm. “Bắt đầu làm tới tháng thứ 6 về sau thì có hiệu quả. Đất trồng được cải tạo rõ rệt nhờ bón phân hữu cơ, cây trồng bén đất phát triển tươi tốt. Sau 1 năm, vườn rau bắt đầu cho thu nhập ổn định”, cô Hồng kể.
Hiện nay, vườn rau 300m2 của cô Hồng trồng tới hơn 20 loại rau củ hữu cơ cho thu hoạch đều đặn. Cô Hồng vẫn chăn nuôi bò, duy trì 4 con bò nái và xử lý chất thải bằng hệ thống khí sinh học nên môi trường chăn nuôi luôn bảo đảm an toàn. Phân chuồng kết hợp nước xả của hầm khí sinh học được ủ hoai 3 tháng theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để đạt yêu cầu có thể bón cho cây rau.
Thu nhập ổn định
Tổ rau hữu cơ ấp An Phú 2 ngoài cô Hồng còn có 2 hộ nữa ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Xuống giống loại rau củ nào cũng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên hầu hết sản phẩm được tiêu thụ, bán cho bà con tại địa phương cũng thêm được một phần. Giá nông sản hữu cơ được doanh nghiệp thu mua ở mức từ 20 - 25 ngàn đồng/kg rau cải các loại và 40 ngàn đồng/kg cho các loại rau thơm. Công ty thanh toán cho các hộ thành viên 2 tuần một lần. Với sản lượng sản xuất được, thu nhập của hộ cô Hồng từ 3,6 - 5 triệu đồng/tháng.
Cô Hồng cho biết: “So với trồng rau thường thì sản lượng rau hữu cơ thu hoạch ít hơn nhưng bán được giá hơn. Chiều hôm nay, tôi cắt rau thì đảm bảo sáng hôm sau có xe công ty tới chở đi hết, là có đầu ra rồi. Nếu sản xuất rau thường thì không đảm bảo được việc tiêu thụ như vậy”. Hiện vườn rau hữu cơ của cô Hồng được chăm sóc sạch sẽ, trong vườn còn trồng xen các loại hoa để thu hút ong bướm, có lợi cho cây trồng.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế và thu nhập ổn định cho người dân mà trồng rau hữu cơ còn giúp cho môi trường sống an toàn hơn. Đó là lý do vì sao ban đầu cô Hồng quyết tâm trồng rau theo phương pháp hữu cơ, mặc dù biết sẽ vất vả hơn trồng rau thông thường rất nhiều. “Sử dụng phân thuốc hóa học nhiều không có lợi cho môi trường sống cũng như đất trồng. Cả nhà mình đều sinh sống ở đây thì mình càng quyết tâm chọn cách nào cho an toàn với chính gia đình mình”, cô Hồng bày tỏ.
Mô hình trồng rau hữu cơ, rau an toàn tại Ba Tri thành công và hiện có hướng nhân rộng. Qua đó cho thấy tính hiệu quả của việc triển khai các mô hình tận dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm khí sinh học để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng do Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp thực hiện. Thông qua các lớp tập huấn, hội thảo giới thiệu các mô hình hiệu quả, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp, dự án đã giúp bà con nông dân trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, quản lý chất thải chăn nuôi không gây ô nhiễm, tận dụng triệt để chất thải chăn nuôi để làm phân hữu cơ, sản xuất nông sản an toàn, phát triển kinh tế gia đình.
Nguồn: http://baodongkhoi.vn/