Tập trung hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ giúp nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp
Thực hiện Công văn số 381/VPCP-NN ngày 17-01-2024 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tập trung hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ
Thời gian qua, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách hiện của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Công tác rà soát và tham mưu ban hành các chính sách được thực hiện thường xuyên nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác (KTHT).
Hiện tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 88 tổ hợp tác (THT), 78 hợp tác xã (HTX), 04 tổ liên kết tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Tuyên dương nông dân trong Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Về hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tỉnh hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 16 HTX nông nghiệp; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” và tạo lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”, “Cái Mơn” cho các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, có hơn 60 đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, có 56 văn bằng bảo hộ (07 chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”, 10 nhãn hiệu chứng nhận, 33 nhãn hiệu tập thể). Đang xây dựng 04 chỉ dẫn địa lý (bò, gà, dừa, tôm), 03 sản phẩm (bưởi da xanh, dừa xiêm xanh và sầu riêng) đang đăng ký bảo hộ xác lập quyền tại Trung Quốc và Canada…
Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh tập trung vào việc áp dụng khoa học và công nghệ một cách tích cực. Hỗ trợ và hướng dẫn nông dân về việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như GAP, hữu cơ, cũng như việc xây dựng sản phẩm OCOP, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho các sản phẩm chính của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 26.470 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; bao gồm: Dừa (20.401 ha), cây ăn trái (664 ha) và thủy sản (5.405 ha). Có 24 mã số vùng trồng nội địa với diện tích là 640,52 ha; 62 vùng trồng xuất khẩu với diện tích 1.054,93 ha; có 06 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, New Zealand, Châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan,...
Về hỗ trợ, mở rộng thị trường kết nối tiêu thụ nông sản, thực hiện Chương trình OCOP, lũy kế đến ngày 31-8-2024, tỉnh có 290 sản phẩm (226 sản phẩm 3 sao, 59 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 5 sao); đồng thời tiếp tục triển khai Chương trình xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2025, tổ chức các hoạt động thông tin, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Nhiệm vụ thời gian tới
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, trong thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thủy sản để nâng cao chất lượng, cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn trái và chăn nuôi. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, siêu thâm canh, để có sự đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, tạo sản phẩm chất lượng, đồng nhất.
Bến Tre tập trung hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp.
Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn theo hướng GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh; xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển thương hiệu; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP,... tại các HTX nông nghiệp để mở rộng vùng nguyên liệu sạch, đạt chứng nhận phục vụ nhu cầu phát triển thị trường, nhất là cho thị trường xuất khẩu.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ; tiếp tục xây dựng hệ thống nhận diện địa phương, nhận diện thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất, canh tác; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, tiết kiệm, an toàn. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh, tiếp tục quan tâm củng cố và xây dựng các THT, HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho THT, HTX và các tổ chức đại diện của nông dân tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức. Tập trung triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, đồng thời xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn phát triển du lịch nông nghiệp.